Lãi suất cho vay khó giảm sâu
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:29, 27/10/2020
Giảm lãi
Từ đầu tháng 10 đến nay, một số ngân hàng đã tiếp tục giảm lãi suất cho vay để “kích cầu” tín dụng cuối năm. Theo đó, Vietcombank vừa thực hiện giảm lãi suất cho các khoản vay sản xuất kinh doanh đối với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc này nhằm hỗ trợ khách hàng đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh trong mùa cao điểm cuối năm.
Cụ thể, mức lãi suất cho vay kinh doanh đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Vietcombank từ 5,9%/năm, áp dụng cho các khoản giải ngân mới từ ngày 13.10. Còn với khách hàng là cá nhân vay vốn kinh doanh, mức lãi suất cho vay sẽ chỉ từ 6,5%/năm. Đặc biệt, khách hàng vay vốn theo sản phẩm "kinh doanh tài lộc" sẽ được áp dụng mức lãi suất ưu đặc biệt ưu đãi chỉ từ 5,7%/năm, áp dụng cho các khoản giải ngân mới từ ngày 20.10.
Tương tự, Agribank cũng tuyên bố giảm tiếp 0,3% lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 4,5%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm. Bên cạnh đó, từ nay đến hết 30.6.2021, Agribank còn triển khai các gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa với tổng quy mô lên đến 35.000 tỉ đồng.
Không chỉ các ngân hàng quốc doanh, mà nhiều ngân hàng cổ phần cũng giảm sâu thêm lãi suất cho vay. Đơn cử như VPBank công bố gói lãi suất cho vay kinh doanh chỉ từ 5,99%/năm, áp dụng từ nay đến hết 31.12.2020 cho khách hàng cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình.
Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với quy mô cắt giảm tương đối mạnh. Việc này nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn rẻ để giảm sâu mặt bằng lãi suất hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Vì vậy, trần lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn cũng được kéo giảm tương ứng.
Bên cạnh việc giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cũng lùi thời hạn giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn thêm 1 năm để giảm áp lực huy động vốn cho các ngân hàng, nhất là khi các nhà băng đang triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn dưới tác động của COVID-19 thông qua việc giảm lãi suất cho vay, giãn nợ, cơ cấu lại nợ.
Số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy lãi suất cho vay của Việt Nam không cao hơn mặt bằng lãi suất cho vay của các nước trong khu vực có trình độ phát triển tương đồng. Tính đến tháng 7.2020, lãi suất cho vay bình quân của ASEAN-6 khoảng 5,7%/năm, ASEAN-4 khoảng 4,82%; còn của Việt Nam là 7,2%/năm.
Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam (4,5%/năm) hiện thấp hơn mức lãi suất cho vay bình quân của ASEAN-4. Nếu so các nước có trình độ phát triển tương đồng như Indonesia (9,41%), Mông Cổ (16,92%), Bangladesh (7,79%), Myanmar (14,5%) và Ấn Độ (9,05%), lãi suất cho vay của Việt Nam chỉ ở mức trung bình.
Nhưng khó giảm sâu
Trong thời gian tới, Vụ Dự báo - Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) nói rằng các tổ chức tín dụng tiếp tục kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục giảm trong quý 4 này và cả năm 2020. Mặt bằng lãi suất bình quân toàn hệ thống ngân hàng được kỳ vọng sẽ giảm thêm 0,1% trong quý 4/2020.
Tuy nhiên chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng lãi suất cho vay có thể sẽ giảm thêm song việc giảm sâu là rất khó. Nguyên nhân là do việc hạn chế từ cầu của nền kinh tế. Mặt khác, việc chi phí hoạt động của các ngân hàng, trong đó đặc biệt là vấn đề trích lập dự phòng rủi ro tăng cao cũng làm nhiều nhà băng khó giảm sâu lãi suất cho vay.
Đồng quan điểm, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM Nguyễn Hoàng Minh nói rằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, nhưng khó giảm sâu. Lý do là bởi thời gian qua mặt bằng lãi suất đã dần xuống mức thấp để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Cụ thể, tại các ngân hàng thương mại, lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam đã giảm phổ biến khoảng 0,23%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và điều chỉnh tăng nhẹ khoảng 0,14%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn. Trong khi đó, khối ngân hàng liên doanh và nước ngoài giảm lãi suất phổ biến khoảng 0,58-0,74%/năm đối với các khoản vay sản xuất, kinh doanh thông thường.