Năm 2025 Việt Nam có 45% người lao động tham gia bảo hiểm xã hội

Sự kiện - Ngày đăng : 18:43, 27/10/2020

Đó là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) của Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhằm đẩy mạnh người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Ngày 27.10, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

nam-2025-viet-nam-co-45-nguoi-lao-dong-tham-gia-bao-hiem-xa-hinh-anh(1).png
Người tham gia đóng bảo hiểm xã hội tại Bảo hiểm xã hội TP.HCM - Ảnh: P.V

Theo đó, đến năm 2025 phấn đấu số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt tỷ lệ 45% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt tỷ lệ 35% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; người tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ 95% dân số tham gia.

Để đạt được những mục tiêu trên, ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết đơn vị đã đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó, toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ chủ động, nỗ lực, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được giao, tìm ra các giải pháp để phát triển và mở rộng các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hoàn thành chỉ tiêu bao phủ được Thủ tướng Chính phủ giao. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Tập trung thanh tra, kiểm tra giảm nợ đọng và trục lợi, lạm dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.

Bảo hiểm xã hội cũng sẽ đổi mới công tác tuyên truyền về cả nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp, đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Trong đó, tập trung vào nhóm đối tượng là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình và người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai thực hiện hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp, mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên các lĩnh vực; đẩy mạnh việc giao dịch điện tử, quản lý và sử dụng văn bản điện tử trong hệ thống cơ quan Bảo hiểm xã hội và trên trục liên thông văn bản của Chính phủ; nâng cao chất lượng công tác giám định bảo hiểm y tế, kiểm soát chặt chẽ tình trạng lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế…

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội tiếp tục đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý người hưởng, góp phần nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ, đảm bảo giải quyết chi trả đầy đủ, kịp thời quyền lợi và tăng mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Ông Mạnh yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện và cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch công tác hàng năm của đơn vị; tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nội dung liên quan. Định kỳ hàng năm đánh giá tình hình triển khai thực hiện và kết quả thực hiện chương trình hành động.

Hồ Quang