Những bất ổn từ chuyện thu phí cầu Bến Thủy 1
Góc bình luận - Ngày đăng : 14:28, 16/04/2017
Đoạn đường này không phải làm theo hợp đồng BOT nhưng lại nghiễm nhiên thu tiền đến vô tư theo dạng BOT. Ấy thế nhưng không ai có trách nhiệm xử lý rốt ráo, để âm ỉ kéo dài khiến dân ức chế.
Người dân cho rằng trạm thu phí BOT ở cầu Bến Thủy 1 không hợp lý cũng chẳng hợp tình, bởi các cơ quan có trách nhiệm đã đặt trạm thu phí "nhầm chỗ"! Chẳng hiểu lỗi này do chủ quan hay cố ý nhưng rõ ràng, việc đó đã đến tai thượng cấp, và cấp trên yêu cầu địa phương và bộ Giao thông Vận tải phải làm rõ, báo cáo gấp lên Thủ tướng... Trước mắt, nhà chức trách đành chấp nhận chưa thu để tính toán lại rồi báo cáo Trung ương. Từ mâu thuẫn kinh tế giữa người dân và cơ quan được giao thu phí đã cho thấy cần xem lại cách làm này. Đang có gì đó bất ổn tới mức "tức nước vỡ bờ".
Những đồng nghiệp "bám trụ" Hà Tĩnh lâu nay cho tôi một con số, tuy chưa xác minh được chính xác đến độ nào nhưng có lẽ, nếu có sai số thì cũng rất nhỏ. Đó là chỉ trong vòng một năm, trên địa bàn Hà Tĩnh - mảnh đất vốn có truyền thống đấu tranh từ thời Xô viết Nghệ Tĩnh gần chín chục năm trước, đã xảy ra đến 17 cuộc biểu tình quy mô lớn (khoảng 1.000 người trở lên) và gần 20 cuộc biểu tình quy mô nhỏ (trên dưới 500 người).
Có áp bức thì sẽ có đấu tranh! Đó là quy luật tất yếu của sự vận động xã hội. Nó có thể chỉ do cách làm thiếu dân chủ, do chính quyền không chịu lắng nghe tiếng nói của dân mà chỉ nghĩ đến đầu tư nhưng lại theo lối làm "bằng mọi giá", gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống và kế sinh nhai lâu dài của người dân, hay như chuyện đặt điểm thu phí BOT trên quốc lộ ở khu vực cầu Bến Thuỷ 1 vừa rồi... cũng đủ để tạo nên những cuộc tập hợp dân chúng, vận động đấu tranh, đòi quyền lợi, đòi lẽ phải. Như thế, xin hỏi nó là lỗi của ai và từ đâu, dù rằng chúng ta không mong muốn cách làm nói trên của người dân. Thực tế cũng chứng minh, nếu không đấu tranh thì họ cũng không bao giờ có được kết quả như vụ cầu Bến Thủy 1 vừa qua.
Cần xem lại để rút kinh nghiệm chuyện của đất nước ta vào những năm cuối của thế kỷ 20 ở Thái Bình, thậm chí học tập cách ứng xử thành công hồi ấy. Thành công nhưng phải qua bài học xương máu. Vào khoảng năm 1997, ở các địa phương thuộc tỉnh Thái Bình, các cấp chính quyền, các ngành luật pháp trong tỉnh đã thuyết phục Trung ương theo cách nhìn cứng nhắc, cho rằng là ở tỉnh họ đang có mâu thuẫn địch - ta và đề nghị Trung ương cho phép dùng công an, quân đội vào cuộc "thực hiện chuyên chính".
Thật may cho Đảng, với sự tỉnh táo và sáng suốt, Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị khi đó là ông Phạm Thế Duyệt đã ban hành một chỉ thị khẳng định, đây chỉ là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và vì thế nên dùng phương pháp vận động là chính hầu thuyết phục nhân dân, đồng thời xử lý cán bộ trong hệ thống nhà nước tham nhũng, ức hiếp nhân dân...
Cán bộ chủ chốt của hơn 200 xã trong 285 xã được thay thế. Chẳng khác gì "đập tan bộ máy cường hào mới" ngay chính trong chính quyền nhân dân! Được biết, các bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND, chánh Thanh tra, giám đốc Công an, viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân được điều đi khỏi Thái Bình, những tố cáo và khiếu nại của nhân dân được giải quyết, kết luận thỏa đáng, xử lý cán bộ sai phạm theo đúng quy định của pháp luật, Thái Bình bỗng trở nên bình yên đến bất ngờ.
Nếu không sâu sát, nắm bắt đúng tình hình, chỉ nghe cán bộ địa phương báo cáo rồi "áp dụng biện pháp chuyên chính" sặc mùi địch - ta trong vụ Thái Bình, có lẽ chúng ta không biết đất nước lúc ấy sẽ đi đến đâu?
Xung quanh chuyện này, phải nhắc đến một chi tiết khá thú vị là tổ công tác của Bộ Chính trị do ông Phạm Thế Duyệt làm tổ trưởng đã vận động những cán bộ lãnh đạo nào đã từng có sai lầm, khuyết điểm, thậm chí có tham nhũng nhỏ hãy nhận lỗi trước nhân dân, xin nhân dân tha lỗi, hứa khắc phục sai lầm, hoàn trả những phần vật chất đã nhận trái pháp luật... Dư luận vốn đang nóng như vậy, ấy thế mà nhân dân Thái Bình sẵn sàng tha lỗi, không khiếu kiện và thậm chí có những cán bộ biết lỗi, nhân dân còn đề nghị tiếp tục cho giữ chức vụ cũ (theo nhà báo Trần Quang Vũ đăng trên báo Lao động năm 2015).
Quay trở lại câu chuyện đặt trạm thu phí BOT ở cầu Bến Thuỷ 1 gây bức xúc kéo dài trong dân địa phương, tôi càng vỡ lẽ vì sao lại đến mức như thế khi được biết rằng, chính các dự án BOT đã và đang đặt ra những vấn đề hết sức bức xúc. Theo Kiểm toán nhà nước, chỉ mới "soi" 27 dự án BOT mà đã lòi ra cả 100 năm khai thác "dư", được liệt vào dạng lạm thu phí (kết luận Kiểm toán Nhà nước hồi tháng 2).
Nó cho thấy, tất cả các khâu từ tổ chức đấu thầu tới thực hiện, hoàn thành dự án... đều bị buông lỏng, thậm chí phó mặc cho chủ đầu tư muốn vẽ thế nào cũng được, làm thế nào cũng xong... Nên nhớ, nếu Đảng, nhà nước ngăn chặn được lợi ích nhóm, nếu bộ máy bớt quan liêu, tư lợi thì đâu đến nỗi có những chuyện lình xình kéo dài cả năm như ở Hà Tĩnh. Bài học "lấy dân làm gốc" xem ra vẫn luôn đúng.
(*) Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (gọi tắt là hợp đồng BOT) là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho nước sở tại. Việc giao quyền khai thác cho bên bỏ tiền đầu tư bao nhiêu năm do 2 bên bàn thảo, thương lượng và ký kết hợp đồng.
Quốc Phong