Áp giá sàn vé máy bay là cực kỳ vô lý
Góc bình luận - Ngày đăng : 14:14, 07/04/2017
Dư luận nửa tháng nay xôn xao vụ Cục Hàng không (Bộ Giao thông vận tải) lấy ý kiến cho dự thảo quyết định đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa. Gọi là lấy ý kiến cho có vẻ khách quan, thu nhận trí tuệ tập thể, làm bài bản, “đúng quy trình”… chứ thực ra nội ý của cơ quan quản lý nhà nước có vẻ nghiêng về sự áp giá.
Với ý định can thiệp sâu vào thị trường, vào hoạt động doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước đang làm trái quy luật, cụ thể nhất là Luật Cạnh tranh, Luật Doanh nghiệp. Nói như ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), nhà nước rõ ràng không việc gì phải can thiệp vào việc của doanh nghiệp như vậy. Nếu cố tình áp giá sàn, chắc chắn là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng không sẽ được lợi. Và đương nhiên, người tiêu dùng sẽ không được tiếp tục sử dụng dịch vụ với giá rẻ hơn như hiện nay. Dân bị thiệt.
Nói gần nói xa chẳng qua nói thật, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không (mà mở rộng ra là nhà nước) hãy cứ làm nhiệm vụ chăm lo đời sống của dân cho tốt, để dân chúng hài lòng, chứ đừng bấn bíu vào mấy thứ giá vé, đừng sợ giá rẻ quá thì hãng nọ hãng kia sẽ bị lỗ, bị thua thiệt.
Cần biết rằng lỗ hay không là chuyện của doanh nghiệp. Dù công ty nhà nước hay tư nhân, đã chấp nhận kinh tế thị trường, tham gia kinh doanh thì phải tự lo cho sự sống còn của mình. Làm ăn phải chấp nhận sự cạnh tranh. Càng có cạnh tranh, người tiêu dùng càng được hưởng lợi, kể cả về mức giá, về điều kiện được phục vụ và chất lượng phục vụ. Người xưa bảo “khôn sống, mống chết”. Hãng tàu bay dù có bán vé thấp mấy chăng nữa thì cũng đã tính đủ thu bù chi, chả dại đến mức chuyến nào cũng lỗ mà vẫn cố bay. Hãng tàu bay "Tăng Tốc" của nhạc sĩ Hà Dũng bị chết yểu là bằng chứng. Còn nếu doanh nghiệp nào âm mưu cố tình hạ giá để tiến tới độc quyền nâng giá, tự tung tự tác làm thiệt hại khách hàng (kiểu canh tranh diệt hãng tàu thủy của cụ Bạch Thái Bưởi xưa kia), lúc ấy nhà nước hãy can thiệp.
Làm quản lý nhà nước thì cần biết rằng nhu cầu đi lại là “một phần tất yếu của cuộc sống”. Khi hành khách cần đi thì giá vé thấp hay cao, thậm chí giá trên trời vẫn phải đi. Đáng nhẽ cơ quan quản lý nhà nước phải hỗ trợ, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho những hãng bán vé giá thấp, chi phí rẻ để dân chúng được hưởng lợi, đằng này lại nhăm nhăm bảo vệ nồi cơm cho những anh nhà giàu là sao?
Cần biết rằng hiện đa số người dân nước ta vẫn chưa được, chưa dám đi lại bằng máy bay, lý do đơn giản là giá vé vẫn còn quá cao so với thu nhập của họ. Đừng thấy trên những đường bay trong nước của một vài hãng chủ trương giá rẻ như Jetstar Pacific Airlines hoặc Vietjet có những hành khách bình dân, ăn mặc xuềnh xoàng, tác phong tiểu nông, v.v.. để rồi bảo rằng nước ta đã phổ cập phương tiện hàng không tới dân chúng. Nhầm. Cho đến lúc này, đất nước đã liền một dải sau 42 năm nhưng vẫn còn rất nhiều người ở miền Bắc chưa hề biết Sài Gòn thế nào, nhiều người miền Nam chưa từng một lần tới thủ đô. Cứ hai trung tâm ấy đã, chứ đừng vội kể Sa Pa, Tam Đảo, Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Cần Thơ… Vé máy bay nối những nơi ấy về cơ bản mới chỉ chủ yếu phục vụ cho cán bộ, quan chức đi công tác, giới nhà giàu đi lại, làm ăn, chơi bời. Ngay cả vé tàu lửa, vé ô tô đối với số đông dân chúng cũng là bài toán khó giải chứ nói gì cưỡi tàu bay vào Nam ra Bắc. Ước vọng ít nhất được một lần xuyên Việt bằng tàu bay, dù chỉ là tàu bay giá rẻ và dịch vụ chăm sóc hạn chế, vẫn còn là mơ ước của hàng chục triệu người.
Chúng ta không nhất thiết cứ phải so sánh với những quốc gia đã phát triển, công nghiệp hiện đại, mức sống cao, phương tiện giao thông tiên tiến, nơi người dân đi lại bằng máy bay xoành xoạch như “chuyện ngày thường ở huyện”. Nước ta còn nghèo, thu nhập đầu người còn thấp, phải tiết kiệm mọi chi phí, kể cả chi phí đi lại. Và không nhất thiết cứ phải đi máy bay trong khi có thể sử dụng những phương tiện khác như xe lửa, ô tô, tàu thủy, thậm chí xe máy. Nhưng nói thế không có nghĩa tìm cách triệt đường đằng vân lên trời của người nghèo, thu nhập thấp. Với một chính quyền của dân, vì dân, lo cho dân thì chăm lo cho người nghèo, cho đại đa số dân chúng chưa có điều kiện kinh tế để được hưởng thụ các phúc lợi xã hội, hưởng các kết quả của sự phát triển mới là điều đáng kể, đáng ghi nhận.
Cũng đừng lôi ngành đường sắt vào cuộc cạnh tranh này. Hơn nửa thế kỷ nay, là ngành giao thông quan trọng bậc nhất của quốc gia mà cứ ì à ì ạch không bằng đường sắt thời Pháp thì phải xem lại có nên cho nó tồn tại như thế mãi không. Chạy chậm, dịch vụ quá kém, vé cao ngất trời, ai thèm đi, lại cứ bắt dân chịu mãi. Tính nuôi ngành đường sắt lạc hậu bằng cách bắt ngành hàng không phải lùi lại để cùng tiến bước là điều chả ai có thể chấp nhận.
Quản lý nhà nước kiểu như đã nói ở trên vẫn đầy thói bao cấp, cái thứ vòng kim cô đã từng hành dân chúng sống dở chết dở suốt mấy chục năm.
Buồn cười nhất là ông Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải còn bảo rằng việc có nên áp giá sàn dịch vụ hàng không hay không, chúng tôi sẽ báo cáo để thủ tướng quyết. Đời thuở nhà ai, thứ gì cũng chuyền sang chân thủ tướng. Thủ tướng không phải là ông thần vạn năng. Và cái chính các vị tồn tại để làm gì?
Nguyễn Thông