Về việc cho phép những bài hát trước 1975
Góc bình luận - Ngày đăng : 06:24, 19/04/2017
Sau khi đất nước thống nhất vào tháng 4.1975, mọi người thở phào nhẹ nhõm, chiến tranh đã chấm dứt, không còn tiếng súng. “Bạn bè ra phố mời rao nụ cười” (nhạc Trịnh Công Sơn). Âm nhạc là một phương tiện để hàn gắn dân tộc. Tôi nghĩ trong bối cảnh đó, nếu không có suy nghĩ và giải pháp đúng sẽ đẻ ra vô vàn những điều phức tạp cho tâm lý, thẩm mỹ âm nhạc và vô tình hay cố ý tiếp tục gây chia rẽ trong các tầng lớp dân tộc.
Không có một quốc gia nào có một cuộc chiến phức tạp, lâu dài và ác liệt như cuộc chiến Việt Nam. Bài Tiếng gọi thanh niên của Lưu Hữu Phước, tác giả Quốc ca của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, lại được cả nền đệ nhất và đệ nhị cộng hòa của chính phủ Việt Nam Cộng hòa lấy làm quốc ca. Đến nỗi trong cuốn sách viết về Phạm Duy của giáo sư Nguyễn Trọng Văn, cũng chua chát rằng: một chế độ không viết được một bài quốc ca mà phải lấy ca khúc của “tên Việt cộng” Lưu Hữu Phước là Bộ trưởng Văn hóa của chính phủ cách mạng lâm thời làm quốc ca cho mình. Bây giờ, nếu Cục Nghệ thuật biểu diễn cấm biểu diễn những bài hát trước năm 1975 thì có lẽ phải cấm bài Tiếng gọi thanh niên của Lưu Hữu Phước trước tiên, vì Việt Nam Cộng hòa đã dùng bài hát đó làm quốc ca.
Trong bối cảnh của cuộc chiến tranh 20 năm ở Việt Nam trước 1975, một cuộc chiến dai dẳng và thảm khốc như vậy, chỉ có người Việt Nam là thiệt thòi và tổn thất nhiều, bất luận họ ủng hộ và đứng về phe nào. Sau 30.4.1975, đáng lẽ chúng ta phải hoàn toàn sang một trang mới để dân tộc đoàn kết, đoàn tụ. Khi về nước, ông Nguyễn Cao Kỳ, nguyên là lãnh đạo Ủy ban Hành pháp trung ương của chế độ cũ đã nói với tôi: Nếu tôi có quyền cao nhất, tức là làm tổng thống lúc đó, tôi sẽ lấy ca khúc Việt Nam Việt Nam của Phạm Duy thay cho Tiếng gọi thanh niên của Lưu Hữu Phước. Nhưng việc đó đã không xảy ra vì ông Kỳ chưa bao giờ làm tổng thống. Phạm Duy đã từ Mỹ trở về Việt Nam, ông đã sống những ngày cuối cùng ở Việt Nam vào thập niên 90 với suy nghĩ là được sống và chết nơi quê cha đất tổ. Ngay bài Việt Nam Việt Nam của ông, chúng tôi cũng đánh giá là một trong những ca khúc hay nhất về đất nước và chúng ta cũng nên cho hát. Âm điệu hùng tráng và dạt dào tình yêu Việt Nam trong bản nhạc làm chúng ta cảm hứng và xúc động khi cất lên.
Việc rắc rối trong cách cho phép các bản nhạc được viết trước năm 1975 là do cách quản lý “xin - cho” của chúng ta. Ta nên mời một hội đồng nghệ thuật gồm những người có trình độ ở cả 3 miền xem xét và xác định bài nào “cấm”. Và những bài không cấm là cho hát không cần phép tắc. Nếu làm như vậy, sẽ không có chuyện bài Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ họ Trịnh vốn đã vang lên khắp nơi lại bị liệt vào danh sách chưa cho phép.
Tôi nhớ lại một câu chuyện: Có lần ngồi ở Nha Trang trong một bữa cơm tối vui vẻ, tôi hỏi Thứ trưởng Lê Tiến Thọ, tại sao bản nhạc Nha Trang ngày về của Phạm Duy là bài hát rất hay về Nha Trang lại chưa cho phép hát. Ông Thọ nói rằng chính quyền tỉnh Khánh Hòa có ý kiến là bài hát đó buồn quá nên Bộ không cấp phép. Quay qua Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Tự, tôi hỏi ông có chuyện đó hay không, ông trả lời tỉnh queo “đó là bài hát về Nha Trang mà tôi thích nhất và Thường vụ Tỉnh ủy ở đây chưa bao giờ có đề nghị không cho hát”. Ông Lê Tiến Thọ lúc đó lập tức gọi điện cho Cục Nghệ thuật biểu diễn làm thủ tục cấp phép.
Tôi nhớ là bài hát đó đã được cho phép, nhưng sau đó, có một bài báo của một tờ báo ở TP.HCM nói “nặng nhẹ” thế nào đó và ca khúc đó đã bị rút phép.
Thế đó, chúng ta không nên làm việc đánh giá các ca khúc, mỗi ca khúc như một “giọt máu” của nhạc sĩ bằng một chữ “cho” hoặc “không” đơn giản như vậy.
Như trường hợp các ca sĩ như Chế Linh hoặc Khánh Ly được hát trong cả nước, nhưng TP.HCM cho rằng vì điều kiện địa chính trị khác biệt nên thành phố không đồng ý để các ca sĩ này được hát ở địa bàn mình. Tôi vẫn có những điều muốn trao đổi lại với họ với tư cách là một người có chút ít hiểu biết và quý trọng những tác phẩm và giọng ca qua các thời kỳ. Tôi có thể thích hoặc không thích cá nhân người này người nọ, về mặt này mặt khác, nhưng một khi đã đồng ý cho họ về Việt Nam để hát thì đó phải là một chính sách nhất quán.
Tôi đã có lần trao đổi với anh Lê Thanh Hải, Bí thư và anh Nguyễn Văn Đua, Phó bí thư Thành ủy trước đây, cũng như anh Đinh La Thăng sau này về hai trường hợp anh Chế Linh và chị Khánh Ly trong những lúc thành phố chưa đồng thuận.
Muốn có lòng tin với nhau sau bao nhiêu năm chiến tranh khốc liệt thì tôi nghĩ, trong sự nghiệp hòa giải hòa hợp dân tộc do chính Đảng và Nhà nước đề ra như một chủ trương lớn, chúng ta cần có một chính sách và cách cư xử thật minh bạch và vì sự nghiệp lớn của đất nước, của dân tộc. Mở lòng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và nhất là chủ trương cấp phép cho các bài hát được sáng tác trước năm 1975 là việc làm cần thiết, để mở ra lòng tin giữa người Việt Nam với nhau sau bao nhiêu năm chiến tranh và phân ly.
Nguyễn Công Khế