Để quá date 2 vạn viên thuốc đặc trị, sự vô cảm thật đáng trách!
Góc bình luận - Ngày đăng : 16:21, 05/05/2017
Cổ nhân từ xa xưa đã dạy: "Cứu người như cứu hoả !". Ấy vậy mà không hiểu sao, trên một đất nước người dân còn rất nghèo như nước ta, rất nhiều bệnh nhân chết bởi không có tiền chữa trị bệnh hiểm nghèo mà nay lại xảy ra chuyện, ngẫm ra thấy rất đắng và chát: Kho thuốc của Bệnh viện Truyền máu - Huyết học (TMHH) TP.HCM đã để tồn 2 vạn viên thuốc đặc trị quý giá có tên Tasigna để chữa bệnh bạch cầu mãn dòng tuỷ. Hai vạn viên thuốc quý, tổng trị giá gần 14 tỷ đồng, bị hết hạn sử dụng từ tháng 5.2015, phải lập biên bản huỷ. Thật lãng xẹt và khó hiểu trong khi người bệnh cần thì không có dùng.
Mặc dù các đơn vị liên quan như Bệnh viện TMHH TP.HCM, Sở Y tế, Hải quan thành phố đã viện nhiều lý do để khẳng định mình làm đúng các thủ tục khi xử lý số thuốc viện trợ tổng trị giá 40 tỷ đồng từ Công ty Novartis Pharma AG Thụy Sĩ thông qua tổ chức phi chính phủ The Max Foundation của Mỹ, nhưng những bằng chứng đưa ra cho thấy đã có sự tắc trách từ nhiều phía. Nếu nói cho "thẳng tưng" thì đó là sự lạnh lùng, vô cảm và thiếu trách nhiệm của một số đơn vị được xem là tác nhân để xảy ra tình trạng trì trệ trong khâu làm thủ tục để nhập lô thuốc này, mà trách nhiệm trước tiên là bệnh viện TMHH TP. HCM.
Đọc trên các báo, tôi cũng thấy rằng, đã có sự tắc trách từ đơn vị chủ quản là Sở Y tế TPHCM. "Quy trình" quái quỷ gì mà văn bản của Bệnh viện gửi lên Sở Y tế TPHCM, mãi đến 3 tháng sau mới trả lời ?
Lý giải từ ông Phù Chí Dũng - Giám đốc Bệnh viện TMHH TP.HCM cho thấy: ngày 30.12.2013, bệnh viện có văn bản gửi Sở Y tế TPHCM xin thực hiện chương trình thuốc Tasigna. Nhưng mãi đến ngày 10.3.2014 Sở Y tế mới có văn bản gửi UBND TPHCM và Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị TPHCM đề nghị chấp thuận đề xuất của sở cho bệnh viện. Thế rồi, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị TP HCM lại tiếp tục “ngâm” đề xuất của họ thêm 3 tháng nữa. Đến 24.6.2014, UBND TP.HCM mới có quyết định phê duyệt việc tiếp nhận lô hàng viện trợ và đến ngày 14.7.2014, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế có văn bản đồng ý để bệnh viện tiếp nhận lô thuốc. Như vậy hai cơ quan là Sở Y tế TPHCM và Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị TPHCM đã “ngâm” đến 6 tháng hồ sơ xin nhập thuốc Tasigna ( theo báo Tiền phong ).
Đó là chưa biết trách nhiệm tới đâu, nguyên tắc nhập thuốc thế nào về phía Hải quan thành phố. Nhưng báo chí cũng cho biết: Cục Giám sát quản lý về Hải quan đang yêu cầu Cục Hải quan TPHCM rà soát, báo cáo toàn bộ quy trình nhập khẩu (NK) thuộc phạm vi của đơn vị.
Được biết, về chính sách quản lý thuốc NK hiện nay như sau: Theo quy định, tại thời điểm làm thủ tục NK lô hàng thì thuốc khi NK vào Việt Nam phải có giấy đăng ký lưu hành hoặc có giấy phép NK còn hiệu lực. Ngoài ra, thuốc phải đáp ứng quy định về hạn sử dụng như: thuốc viện trợ, viện trợ nhân đạo, thuốc cho nhu cầu điều trị của bệnh viện và thuốc hiếm phải có hạn dùng lớn hơn hoặc bằng 24 tháng, hạn dùng còn lại của thuốc phải còn tối thiểu 12 tháng kể từ ngày đến cảng Việt Nam. Trường hợp thuốc có hạn dùng dưới 24 tháng thì hạn dùng còn lại kể từ ngày đến cảng Việt Nam tối thiểu phải bằng 1/3 hạn dùng của thuốc. Nếu nơi nào không thực hiện đúng quy định trên và làm sai thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Câu hỏi được đặt ra là dù cho cái "quy trình" cũng như nguyên tắc (có thể đúng đi nữa!) kia, tại sao bệnh viện vẫn không khẩn trương "gõ cửa" các ngành để giải cứu, sớm đưa lô thuốc cực đắt và lớn đến như vậy vào dùng, khi mà nơi nào cũng “ngâm" văn bản, chậm hồi âm hoặc không hướng dẫn tận tình cho bệnh viện họ sớm khắc phục những gì chưa chuẩn, để đến nông nỗi như báo chí nêu.
Câu chuyện tắc trách trong việc nhập thuốc đặc trị, lãng phí tiền của trong khi người bệnh thì không có để mua (ấy là chưa nói đến việc giá thuốc đâu có rẻ mà ai cũng có thể mua được để điều trị, nhiều khi dẫn đến chết người cũng vì thiếu thuốc) còn gây tổn hại đến uy tín của ngành y tế nước nhà trước các tổ chức phi chính phủ nói trên, gây mất lòng tin vào chúng ta nếu Việt Nam có dịp được họ xem xét, tài trợ. Ai đời thuốc chỉ có hạn dùng 24 tháng mà chỉ nội thủ tục được nhập vào đã ngốn cả gần chục tháng, chưa kể thuốc này họ đã sản xuất , lưu kho bên nước họ cũng đã mất nhiều tháng trước đó thì còn đâu thời gian để triển khai sử dụng ở nước mình bởi đây không phải là thuốc phát miễn phí mà lại phải mua thì vô cùng đắt.
Qua câu chuyện đáng phải kiểm điểm, làm rõ từng khâu một ở các đơn vị để rút kinh nghiệm này, chúng ta đã thấy một điều, đó là thủ tục hành chính trong các cơ quan nhà nước đã và đang góp phần tạo tâm lý bức xúc cho những cá nhân và đơn vị thực hiện cảm thấy đi đâu cũng vướng phải sức ỳ của bộ máy. Phải chăng đó cũng là thứ mà người ta khó thoát được cái gọi là "cơ chế xin cho" chúng ta hay gặp trong đời sống ? Nếu không phải vì "chuyện xin cho" tiêu cực thì đó chỉ còn là sự quan liêu và vô cảm của các cơ quan có liên quan trước sinh mệnh của biết bao bệnh nhân đang trông ngóng từng ngày có được thuốc điều trị.
Đã đến lúc cần gióng lên hồi chuông báo động về thái độ làm việc của các công bộc nhà nước nhân vụ việc ở một bệnh viện phải huỷ bỏ lô thuốc quý đặc trị nói trên trong khi người nghèo thì không có để chữa trị. Người nghèo chết vì bệnh hiểm nghèo đã đành. Còn đây, người có điều kiện điều trị vẫn có thể chết chỉ vì lô thuốc đã nhập về cảng nhưng không đúng thủ tục nên không được trả cho bệnh viện kịp chữa trị cho bệnh nhân thì đau xót thật !
Quốc Phong