Giáo sư mặc quần soóc giảng bài: trường hợp duy nhất đúng?
Góc bình luận - Ngày đăng : 12:39, 03/05/2017
Đọc qua nhiều bài viết, tôi thấy hầu hết mọi người đều ủng hộ vị giáo sư đáng kính này.
Riêng tôi, tôi thật nể phục giáo sư, khi giáo sư dám lấy mình làm “đạo cụ” để minh họa cho tiết học về tư duy đột phá, sáng tạo, vượt qua định kiến xã hội để thành công. Bản thân giáo sư đã làm gương trước, đã “đột phá” trước sự bất ngờ của sinh viên và mọi người.
Thế nhưng với tôi, trên tinh thần học tập, rèn luyện tư duy đột phá, vượt qua định kiến xã hội, tôi không khỏi băn khoăn về tính đúng đắn và tính bền vững trong hình thức truyền đạt bài học này của giáo sư.
Xin thưa, giáo sư không sai trong trường hợp này, trong giới hạn của tiết dạy, trong mục đích truyền đạt theo kiểu trực quan sinh động.
Nhưng có lẽ đây là trường hợp duy nhất đúng, đúng một lần và không lặp lại.
Thông thường cái đúng mang tính phổ biến, đúng với người này thì sẽ đúng với người khác, đúng lần này thì cũng đúng trong lần khác. Chuyện mặc quần soóc lên bục giảng của giáo sư Thành sở dĩ gây tranh cãi là vì điều này.
Một số người bỏ qua yếu tố hoàn cảnh lịch sử cụ thể để đánh giá sự việc nên mới cho rằng giảng đường khác sân khấu.
Họ không tin rằng giáo sư đúng, vì nếu giáo sư đúng thì sao không khuyến khích nhân rộng “mô hình” minh họa trực quan này cho người khác làm theo?
Nếu giáo sư đúng thì sao giáo sư không tiếp tục phát huy kiểu giảng dạy như thế?
Ai cho rằng giáo sư đúng thì thử làm như giáo sư một lần đi.
Ngay cả giáo sư Thành, liệu giáo sư có “dám” sản xuất tiếp “tập 2” hay tạo ra “phiên bản” tương tự?
Xin nhắc lại câu trả lời rằng: đây là trường hợp duy nhất đúng, đúng một lần và không lặp lại.
Câu chuyện “minh họa” táo bạo pha sự hài hước, hóm hỉnh của giáo sư Thành có thể tạo nên một tiết học sinh động, ấn tượng.
Nhưng ta quên rằng, đây là môi trường văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, chứ không phải môi trường văn hóa phương Tây, con người phương Tây.
Cú sốc của dư luận đối với giáo sư Thành là cú sốc văn hóa, mà văn hóa là cái mang tính bền vững, khó thay đổi. Vậy cũng không thể trách dư luận không đón nhận, đồng tình ủng hộ.
Mặc quần soóc lên bục giảng chưa hẳn là “đột phá” sáng tạo. Bản chất của sự sáng tạo phải làm nên giá trị chứ không phải chỉ mới lạ. Giá trị đó phải mang tính bền vững, chứ không phải là một màn biểu diễn minh họa một lần và duy nhất đúng trong một thời điểm của một cá nhân nào đó.
Lê Xuân Chiến