Taxi, xe ôm, xe đạp là 'phương tiện giao thông công cộng'?
Góc bình luận - Ngày đăng : 12:09, 29/04/2017
Lộng quyền là vì người dân đi đường bằng xe máy 2 bánh, ô tô 4 bánh hay phương tiện giao thông công cộng nào là do quyền tự do lựa chọn của họ, sao cho phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, điều kiện đường sá, lộ trình, mục đích các chuyến đi… Nếu định cấm xe máy nhằm giảm tắc đường là cực đoan, lộng quyền.
Đấy là còn chưa kể hiện tại đối với người dân thành phố, 2 bánh xe máy - có động cơ, là công cụ giải phóng cho đôi chân khỏi cuốc bộ, có thể đi vào được tất cả các đường ngõ, ngách, hẻm… Nếu cấm xe máy 2 bánh có thể ví như “cưa mất đôi chân” của người dân.
Dĩ nhiên, theo quy luật tất yếu của phát triển kinh tế xã hội và dân trí, trong giao thông thành phố, tương lai không xa nhà nhà có ô tô 4 bánh, người người có ô tô 4 bánh. Xe máy 2 bánh rồi cũng sẽ tự đào thải dần như số phận ít ỏi, hiếm hoi của xe đạp hiện nay, trong thành phần phương tiện. Thế nên cơ quan chức năng định cấm chúng là thừa, vô duyên.
Đặc biệt, tác giả bài báo trên gom cả xe taxi, xe ôm, xe đạp… là phương tiện giao thông công cộng! Trong khi đó phương tiện giao thông công cộng nói chung, đòi hỏi phải chuyên chở được thật nhiều người, với giá vé rẻ, bình dân nhất. Ví dụ một xe buýt thường ở Hà Nội, có thể chuyên chở được 60 người với giá vé chỉ từ 7.000 đồng, đi từ đầu tuyến đến cuối tuyến. Một xe buýt nhanh (BRT) có thể chuyên chở được 80 người.
Cho nên, có đại gia tư nhân nào ở Việt Nam dám hào phóng “vén tay áo sô, đốt nhà táng giấy”, đầu tư kinh doanh khai thác phương tiện giao thông công cộng? Chỉ có nhà nước mới đầu tư bằng nguồn ngân sách hoặc nguồn ODA (vay vốn nước ngoài), kể cả hệ thống đường sá và các phương tiện giao thông công cộng.
Trở lại câu chuyện xe taxi, xe ôm chủ yếu do tư nhân đầu tư kinh doanh khai thác, chỉ chuyên chở được rất ít người, nó có khác gì mấy so với xe máy, hay xe ô tô cá nhân. Đã thế giá thanh toán xe taxi, xe ôm không rẻ chút nào. Nó là phương tiện thi thoảng người dân bình thường mới dám sử dụng và chỉ có 1 số cán bộ cấp thứ trưởng, được bao cấp 1 khoản tiền khoán xe công, mới dám đi hàng ngày.
Vậy tại sao tác giả viết bài đăng báo nêu trên, lại cho rằng xe taxi, xe ôm cũng là phương tiện giao thông công cộng? Tóm lại trong thành phố có xe buýt, ca nô buýt, tàu điện bánh sắt (tramway), tàu điện bánh lốp (trolleybus), tàu điện ngầm và tàu điện trên cao… là phương tiện giao thông công cộng phong phú, đa dạng thích hợp với điều kiện đường sá, sông, kênh...
Muốn hạn chế tắc đường thành phố, đương nhiên cơ quan chức năng cần đầu tư phát triển hệ thống đường sá (trong đó có những đường tầng, giao lộ không gian - khác mức hoàn chỉnh), tổ chức giao thông khoa học hiện đại; với lực lượng cảnh sát giao thông làm việc tích cực, tinh thông nghiệp vụ và phương tiện giao thông công cộng phong phú, đa dạng nêu trên. Loại trừ xe taxi và xe ôm (không phải là phương tiện giao thông công cộng).
Riêng xe đạp, 1 loại phương tiện giao thông thô sơ, sạch, không gây ô nhiễm môi trường, trong tương lai TP.HCM cũng như thủ đô Hà Nội, nếu có thật nhiều chủng loại phương tiện giao thông công cộng, với trình độ dân trí ngày càng văn minh lịch sự, chẳng còn chuyện ăn cắp (xe đạp), lúc bấy giờ cơ quan chức năng sẽ tổ chức cho thuê xe đạp (như 1 loại phương tiện giao thông công cộng) với giá khuyến mại. Mọi người có thể sử dụng để đi “tăng bo” từ các ga tàu điện ngầm hoặc ga tàu điện trên cao… đến các đường ngõ, hẻm trong thành phố, thủ đô. Còn ngay bây giờ mà coi xe đạp như 1 loại phương tiện giao thông công cộng là lạc quan tếu.
Nguyễn Thành Lập