Dân Sài Gòn - TP.HCM mong người lãnh đạo như thế nào?
Góc bình luận - Ngày đăng : 06:21, 10/05/2017
Nam Bộ nói chung và TP.HCM nói riêng được hình thành khoảng 350 năm trước, chủ yếu từ các lưu dân người Đàng Trong (Trung Bộ) và người Hoa quần hợp lại tạo nên. Khi vua Gia Long thống nhất sơn hà, lại có dòng người từ miền Bắc đổ vào. Đợt di dân lớn năm 1954 đem tới thêm cho miền Nam một nguồn nhân lực và tri thức quan trọng xây dựng vùng đất trù phú xinh tươi. Những cư dân này tách rời khỏi cộng đồng gốc nên cùng lúc vừa giữ được tập tục, truyền thống dân tộc, tổ tiên, vừa thoát khỏi những hủ tục kìm hãm sự tiến bộ. Họ chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt, chung sức chung lòng, trọng nghĩa, hào sảng, bao dung, công bằng, cần cù và nhanh chóng nắm bắt cái tiến bộ văn minh để cùng nhau xây dựng cộng đồng dân chủ, ấm no.
Lịch sử hình thành và phát triển của Nam Bộ trong lòng Việt Nam có sự tương đồng với sự hình thành nước Mỹ từ di dân châu Âu. Ta có thể xem Nam Bộ của Việt Nam như bản sao giống Tân thế giới của châu Âu, nơi mà tri thức và văn hóa truyền thống gặp môi trường tự do và khai phóng đã tạo nên một quốc gia văn minh hùng mạnh dẫn đầu thế giới từ sau thế chiến 1 tới nay, đã trên trăm năm…
TP.HCM là thủ phủ của Nam Bộ nên mang trong lòng nó các tố chất trẻ trung, bình đẳng, chuộng tự do dân chủ. Trên cái nền đó:
Nó rộng mở và bao dung.
Nó luôn nhìn tới tương lai.
Nó năng động, sáng tạo, tự đổi mới liên tục.
Nó vận động theo sự chỉ đường của tri thức.
Sài Gòn - TP.HCM cũng là cửa ngõ chính của cả nước mở ra phương Tây, quen với văn hóa, phong cách và cách thức làm việc của phương Tây… cũng như các giá trị phổ quát của nhân loại.
Theo tôi, đó mới là các giá trị quý báu đích thực của Sài Gòn - TP.HCM, và chỉ khi các tính chất đó được giữ gìn và xiển dương thì TP.HCM mới phát triển xứng đáng với tiềm năng của nó. TP.HCM hiện nay vẫn còn giữ trọn tiềm năng để phát triển thành một thành phố lớn của Đông Nam Á nếu lòng dân được tập họp, sức dân được giải phóng, trí dân được nâng cao.
Với tư cách một công dân của TP.HCM, thiết tha với sự phát triển của thành phố và của cả nước Việt Nam, tôi nghĩ người lãnh đạo thành phố cần có các tố chất thích hợp với các tố chất của thành phố đầu tàu của cả nước này. Đó là:
Chuộng bình đẳng, chuộng tự do dân chủ.
Có tâm hồn rộng mở và bao dung.
Luôn nhìn tới tương lai.
Năng động, sáng tạo, tự đổi mới liên tục.
Có tri thức và năng lực làm việc trong thời đại mới: thời đại phẳng và hội nhập.
Có được nhà lãnh đạo như thế, việc TP.HCM tăng trưởng hai con số là hoàn toàn khả thi. Việc TP.HCM góp phần dẫn dắt và thúc đẩy cả nước phát triển nhanh hơn là điều có thể nhìn thấy.
Lê Học Lãnh Vân