Tai biến chạy thận ở Hòa Bình: Người chết dạy kẻ sống
Góc bình luận - Ngày đăng : 06:10, 31/05/2017
Cho đến thời điểm này, đã có 7/18 bệnh nhân tử vong khi chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Nhìn từ góc độ chuyên môn, khi gần một nửa bệnh nhân cùng trở nặng với một bệnh cảnh và lần lượt ra đi trong những thời điểm rất gần nhau, thật khó quy cho bệnh lý gốc là suy thận giai đoạn cuối được. Mau mắn gọi đây là “sốc phản vệ” dường như cũng có phần vội vã khi chưa có kết luận của cơ quan điều tra và giới chuyên môn. Mặt khác, danh từ “sốc phản vệ” đã hàm ý may rủi, “trời kêu ai nấy dạ”, nên nó không giúp làm sáng tỏ những nguyên nhân khác, nếu có. Và nếu thật sự là sốc phản vệ, cuộc điều tra phải chỉ ra được chất gây phản vệ đồng loạt đó là chất gì, vì sao mà nó lọt vào được quy trình chạy thận nhân tạo?
Là một công dân và một thầy thuốc, tôi mong mỏi vụ việc này sẽ được giải đáp nhanh chóng, công bằng, chính xác từ một hội đồng gồm những nhà chuyên môn giỏi nhất về thận học, có uy tín nhất trong y giới, bất kể họ mang hay không những học hàm học vị hào nhoáng. Cũng như nhiều ngành nghề khác ở Việt Nam, uy tín khoa học nhiều khi không tương xứng với các danh hiệu hay học hàm học vị, đó là một thực tế khó chối cãi.
Hẳn nhiên, mong mỏi của tôi, y giới và của công chúng đến giờ này vẫn chưa được đáp ứng với thông báo rất chính xác và có tính… huề vốn của Bộ Y tế: “Sốc phản vệ làm chết 7 người ở Hòa Bình là tai biến y khoa đặc biệt nghiêm trọng” (hẳn nhiên rồi).
Và cũng như mọi khi, trên các báo mạng bắt đầu xuất hiện những phỏng đoán của những người không có chuyên môn về nguyên nhân vụ việc. Kèm theo không ít lời công kích, mạt sát những nhân viên y tế của Bệnh viện Hòa Bình. Là đồng nghiệp, tôi đoan chắc rằng không có một thầy thuốc nào dù vô lương tâm cách mấy lại muốn thảm họa tập thể này xảy ra tại nơi làm việc của mình. Ngược lại, họ cũng bị tổn thương, đau khổ, trầm uất… về vụ việc chấn động này. Nên xin đừng thóa mạ hay hành hung họ, trước, trong và sau khi có kết luận chính xác của giới hữu trách. Hãy chia sẻ và thông cảm với lời tạ lỗi mà tôi tin là rất chân thành của ông Giám đốc bệnh viện, đừng tạo thêm những áp lực không cần thiết và vô căn cứ. Nên nhớ rằng, người chết đã ra đi, nhưng họ còn phải sống, còn phải hành nghề để chăm sóc cho những người còn sống.
Trong cuốn tiểu thuyết của mình, Arthur Hailey đã gọi khoa Giải phẫu bệnh lý là nơi đưa ra “lời chẩn đoán cuối cùng” (The final diagnosis). Thật vậy, có nhiều cái chết bí ẩn trong y học chỉ được làm sáng tỏ sau khi đã khám nghiệm tử thi. Thế nên, tôi tha thiết mong mỏi gia đình các nạn nhân, tạm gác qua nỗi đau đớn của mình để chấp nhận yêu cầu mổ xác của giới điều tra khi cần thiết. Bằng cách đó, cái chết tức tưởi của người thân họ sẽ không bao giờ vô nghĩa, mà sẽ giúp làm sáng tỏ uẩn khúc và cứu giúp những bệnh nhân còn sống tránh khỏi những tai họa tương tự. Bằng cách đó, câu châm ngôn “Người chết dạy kẻ sống” (Mortui vivos docent) mà người ta viết trong nhà xác bệnh viện mới thể hiện được sự minh triết của nó: nhiều hiểu biết y khoa đã phải trả giá bằng chính mạng sống của bệnh nhân.
Và chúng ta, những người còn sống, khỏe mạnh hay bệnh tật, thuộc y giới hay không, vẫn có nhiều cách thể hiện khác, nhân bản và lành mạnh hơn, để cùng chia sẻ sự việc đau buồn này, thay vì mạt sát nhau trên không gian mạng:
- Tổ chức thắp nến, đặt hoa, cầu nguyện, tưởng nhớ các nạn nhân ngay tại Bệnh viện Hòa Bình, tại các cơ sở chạy thận nhân tạo, tại các trường học, nhà thờ, đình chùa, miếu…
- Lập một quỹ hỗ trợ gia đình các nạn nhân hay tương trợ cho những bệnh nhân nghèo bị suy thận mạn.
- Lấy cái ngày bi thảm này làm ngày thầy thuốc Việt Nam, để y giới mỗi năm trông vào đó mà răn mình về sự hữu hạn của con người y khoa so với sự vô biên vô lượng của y học. Há chẳng tốt hơn lễ lạt, thư khen, cờ đèn kèn trống… hay sao?
- Cũng nhân dịp này, các hiệp hội y khoa, thận học, tiểu đường… nên phối hợp với truyền thông để tăng cường hiểu biết của công chúng về chứng suy thận mạn và cách phòng ngừa...
Cuối cùng, có lẽ vụ việc ở Hòa Bình là tai biến nghiêm trọng nhất trong lịch sử y khoa Việt Nam vì tính chất hàng loạt và hy hữu của nó. Dư luận sửng sốt là phải! Nhưng xin đừng quên con số này: tính từ năm 2010, mỗi năm cũng có ngần ấy trẻ em tử vong sau khi tiêm ngừa. Tính trên hàng triệu trẻ em được tiêm chủng, tỷ lệ này có vẻ quá thấp và “chấp nhận được” theo lời biện bạch của một quan chức y tế. Tuy nhiên, không có cái chết vô lý nào là “chấp nhận được” cả, nhất là khi nguyên nhân của chúng vẫn còn là một uẩn khúc và chưa được làm sáng tỏ về mặt học thuật. Nhìn từ góc độ này, con số 7-10 trẻ em tử vong mỗi năm sau chủng ngừa có không đáng được xem là “tai biến y khoa đặc biệt nghiêm trọng” để công chúng và truyền thông im lặng hay không?
Mỗi sai lầm hay tai biến y khoa phải là một bài học, tuy đắt giá nhưng phải hữu ích cho những người còn sống, chứ không phải để rửa hận cho những người đã chết!
BS Lê Đình Phương