Báo chí thời… hậu hiện đại

Góc bình luận - Ngày đăng : 07:07, 20/06/2017

Thuyết hậu hiện đại của những năm 70 – 80 thế kỷ trước đã đưa ra nhận định về hệ lụy của một xã hội “vi tính hóa”, nhưng gần nửa thế kỷ trôi qua, những tiên liệu ấy cho thấy ít nhiều phiến diện.
Chưa bao giờ con người “hậu hiện đại” phải sống trong sự ngập lụt của thông tin như hiện nay - Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ở các khía cạnh xã hội, thuyết ấy cũng đã dự báo nhiều giá trị truyền thống sẽ thay đổi. Và giờ là lúc người ta đang chứng kiến “cái chết” từ từ theo thuyết này của những chủ thể đã từng là “phát ngôn nhân” của thời đại: Nhà báo…

Thẩm quyền phát ngôn thay đổi

Bạn có biết nghề nào được xem là “hạ bạc” nhất thời nay không? Nghề báo. Nếu không tin, bạn có thể xem khảo sát của trang web CareerCast, một trang mạng về việc làm, nghề nghiệp nổi tiếng của Mỹ. Trong ba năm liên tiếp, từ 2013 – 2016, trang web này đã liệt nghề báo là nghề “tệ hại” đội sổ trong 200 nghề nghiệp, xét về các tiêu chí như thu nhập, môi trường làm việc, áp lực, triển vọng…

Khoảng mười năm trở lại đây là thời kỳ mà người ta đã chứng kiến nhiều cái chết thật sự của các tập đoàn truyền thông, các tờ báo lớn. Như tờ News Of The World, một tờ báo lá cải viết bằng tiếng Anh có số phát hành cao nhất thế giới và có tuổi đời 168 năm, hay tập đoàn Tribune. Có chủ sở hữu của các tờ báo lừng danh như Los Angeles Time hay Chicago Tribune… Nhiều tập đoàn báo chí nổi tiếng khác như New York Times cũng phải sa thải hàng trăm nhân viên, chuyển nhượng hàng chục tờ báo con và chuyển mạnh sang báo điện tử.

Ở Việt Nam ta, tuy chưa thấy có hiện tượng hàng loạt các tờ báo đóng cửa, nhưng uy thế báo chí đã giảm thấy rõ. Những tờ báo “lẫy lừng” ngày trước giờ chỉ còn là cái bóng của chính mình. Nhiều tờ báo khác phải chịu cái thân phận “báo chí bến xe” chuyên viết về những vụ án giật gân, hoặc cay đắng lánh vào một góc xã hội nào đó để còn nuôi được cái sĩ diện nghề nghiệp. Trong khi đó, những tờ báo điện tử mới mẻ, trẻ trung, táo bạo đang nổi lên “chiếm lĩnh thị trường”.

Những phu đòn đám ma…

Những tưởng là trong quá trình dân chủ hoá lan rộng, xu thế kiểm duyệt báo chí sẽ cởi mở hơn, nhưng dường như xu thế này đang bị đảo ngược. Như triết gia hậu hiện đại nổi tiếng J. Baudrillard đã viết rằng “cái hiện thực hiện nay là cái hiện thực đã được biên tập hết sức tinh vi”, tuỳ theo nhu cầu kiểm duyệt và nhu cầu độc giả. Những “sự thật” như cuộc chiến vùng Vịnh chẳng hạn, theo ông, chúng chỉ là những sự thật được “dàn dựng”, “biên tập”, cái mà thuật ngữ nghề báo gọi là “bếp núc”, “xào nấu”. Quả thật, thực tế cho thấy nhiều sự thật muốn bước vào trang báo phải ngập ngừng “xin phép” các cánh cửa kiểm duyệt hay giận dữ quay đi tìm đến những cánh cửa khác…

Như những tiên báo về cái chết của “những câu chuyện đại sự” của các triết gia hậu hiện đại, báo chí ngày nay cũng phải đi theo trào lưu phù phiếm của thời đại. Các phương tiện truyền thông, theo các triết gia hậu hiện đại, chỉ chuyên “tuyên truyền cho thái độ hưởng lạc trong cuộc sống và còn củng cố thái độ thực dụng vô hồn đối với nghệ thuật”. Ngay khi lâm vào khủng hoảng, các chủ biên của tờ New York Times đã phải cay đắng nhận ra xu thế này nơi những người đọc mê thưởng thức các món “mì ăn liền” trên các mặt báo. Họ nhận định độc giả thời nay nhìn chung không mấy hứng thú với các đề tài có sức nặng nhưng lại nhạy cảm với những thông tin giải trí, những thông tin liên quan đến sự sợ hãi, giận dữ và những tin tức giật gân, những câu chuyện lạ đời, vô thưởng vô phạt hoặc bóng bẩy.

Không còn có chuyện “dẫn đạo”, “định hướng dư luận” như ảo tưởng của nhiều nhà báo trước đây. “Dắt mũi” nhà báo bây giờ là những độc giả quen được chiều chuộng, cung phụng những gì mà mình thích, mình ưa. Quyền lực có trong tay họ là từ những cú nhấp chuột, những cú lướt màn hình, những cái liếc mắt và những đống “gạch đá” ảo lúc nào cũng sẵn sàng ném ra từ những lời khen chê. Chưa có thời nào mà độc giả có quyền lực và được “nịnh nọt”, “bợ đỡ” như thời nay, thời mà số lượng “view” (lượt đọc) và “comment” (lời bình) quyết định số phận của những tờ báo. Có thể dẫn chứng đến quyền lực “khủng” này bằng tuyên bố “đầu hàng” của giám đốc điều hành tờ The Economist: “Cần đưa tới độc giả cái mà họ thực sự muốn đọc, không phải cái mà tờ báo nghĩ rằng họ muốn đọc”.

Khi được hỏi về sự khác biệt giữa tác phẩm nghệ thuật và một sản phẩm văn hoá thương mại, nhà văn G. Simenon cho rằng các sản phẩm văn hoá thương mại “buộc phải nhượng bộ” một điều gì đó, còn tác phẩm nghệ thuật thì không. Trong trào lưu thương mại hoá báo chí, các nhà báo có lẽ cũng phải buộc phải nhượng bộ những “thế lực” nào đó để tồn tại: kiểm duyệt, độc giả và cả các nhà quảng cáo, các công ty.

Không còn “lừng lững một trời” khi sống bằng nghề… bán báo, các tờ báo ngày nay hầu hết phải sống dựa vào quảng cáo và đó chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến những bước nhượng bộ lớn trên mặt nội dung của nhiều tờ báo. Có thể lấy dẫn chứng dễ dàng về sự “khống chế ngầm” của các doanh nghiệp trong đời sống báo chí hiện nay, như vụ “truyền thông bẩn” nước mắm truyền thống có chứa arsen lùm xùm vừa qua.

Trong cơn đại hồng thuỷ

Chưa bao giờ con người “hậu hiện đại” phải sống trong sự ngập lụt của thông tin như hiện nay. Những nguồn thông tin từ quá nhiều nguồn, từ chính thống đến phi chính thống, từ báo chí đến đến các trang cá nhân, từ các nhà báo chuyên nghiệp đến nhà báo tài tử, rất dễ khiến cho người ta “chập mạch” khi “bơi” trong những dòng thông tin đó, như nhận định của Baudrillard.

Đời sống của một trang báo hay một bài báo do đó cũng phù du như loài thiêu thân. Ngày trước, báo tháng có đời sống một tháng, báo tuần cả tuần, nhật báo thì ít ra cũng tồn tại một ngày, nhưng bây giờ một bài báo có khi chỉ “trồi” lên sống trong giây phút để rồi lại bị chìm ngập bởi các thông tin mới khác. Người đọc thì đa số như có cái bao tử thủng đáy, chưa ăn hết món thông tin này lại đòi phải có món thông tin mới khác. Một tờ báo mạng mà cả ngày không có gì mới thì nguy cơ biến mất trong tâm trí của người đọc là rất lớn.

Báo chí ngày trước giống như một nghề “thủ công mỹ nghệ” với các quy trình sáng tạo, sản xuất, phát hành cực kỳ phức tạp. Thế nhưng ngày nay, sự tiến bộ “siêu hiện đại” của công nghệ thông tin đã khiến cho việc sản xuất và phát hành báo chí cực kỳ đơn giản. Ai cũng có thể làm một nhà báo, một “chủ báo”, chỉ cần một trang Facebook hay Twitter thôi là đã có thể “ra báo” ngon lành, lại có thể đề cập đủ mọi chuyện trên đời khó ai có thể kiểm duyệt nổi. Thế thì cần đến báo chí để làm gì?

Khá vô nghĩa cho chuyện bản quyền báo chí trong thời kỳ hiện nay. Ngay sau các cuộc khủng hoảng báo chí, nhiều tờ báo lớn đã lên án các “đế chế mạng” như Google về chuyện xâm phạm bản quyền, họ định kiện, thế nhưng rồi cũng cay đắng nhận ra là không có Google, Facebook, Twitter hay Youtube thì khả năng “phát hành”, phổ biến của họ sẽ bị hạn chế đi rất nhiều. Nhiều trang chủ của các tờ báo lẫy lừng cũng phải đành sống kiếp “tầm gửi” cho các đế chế này. Bản lĩnh lắm như Washington Post, New York Times… mới có thể buộc độc giả trả tiền cho các trang mục sâu sắc của mình…

Nêu ra những nhận định như trên trong dịp kỷ niệm ngày Nhà báo Việt Nam, người viết không có dụng ý bi quan về nghề nghiệp, mà chỉ dẫn ra một số thách thức của nghề báo trong thời kỳ hiện nay…

Đoàn Đạt