Từ câu chuyện người mẹ giết con sau sinh: Vì sao có con lại buồn?

Góc bình luận - Ngày đăng : 12:06, 15/06/2017

LTS: Công an Hà Nội có thông tin chính thức kết quả điều tra ban đầu vụ án bé V.V.A. (35 ngày tuổi) bị giết hại. Nghi phạm được xác định chính là chị P.T.T. (20 tuổi, mẹ ruột cháu V. A.). Theo lời khai của T, chị trải qua thời gian mệt mỏi sau khi sinh con và lúc hành động đã mất kiểm soát. Báo điện tử Một Thế Giới xin trích giới thiệu một bài viết của Bác sĩ Lê Đình Phương về những hiện tượng tâm sinh lý phức tạp của người mẹ mới sinh con. Bài viết này không có hàm ý đưa ra bất cứ nhận định gì về vụ việc kể trên.
Câu chuyện mẹ trầm cảm sát hại con gây xôn xao dư luận

T. và H. là một cặp đẹp đôi. Trẻ, mỗi người hai bằng đại học, giữ chức vụ cao trong những công ty nước ngoài danh tiếng, sở hữu một căn nhà đẹp, xinh xắn. Đời không thể đẹp hơn khi H. vợ T., người phụ nữ ngoan hiền ấy sinh một bé gái kháu khỉnh, đẹp như thiên thần. Chưa kịp chúc mừng bạn, tôi muốn té ngửa khi vợ chồng T. đến tìm ở bệnh viện. Trước mặt tôi, không còn dấu vết gì của H., người đàn bà hạnh phúc vừa tưới hoa, vừa pha café cho chồng vừa hát mỗi sáng. Tóc tai rũ rượi, áo quần nhàu nhĩ, mắt khi nào cũng như chực khóc. T. kể, tình trạng này kéo dài đã hơn 1 tháng: H. ủ ê, bỏ bê nhà cửa, cứ ngồi khóc một mình, mặc cho con thơ khóc ằng ặc. Và cứ vài hôm, đòi… tự tử một lần (?).

Với T, người chồng khổ sở nọ, thì tình trạng này thật quái gở và không thể chịu đựng nổi. Nhưng với tôi, thì chỉ dăm câu hỏi bệnh, chẩn đoán đã được xác định rất nhanh như đinh đóng cột. H. bị một hội chứng rất lạ lùng, được gọi là trầm cảm sau sinh (postpartum depression - baby blue). Gọi là lạ lùng, vì tuy chẩn đoán không khó, nhưng y học vẫn gần như hoàn toàn không biết thấu đáo về căn nguyên của căn bệnh quái đản này. Nó chiếm tỷ lệ từ 1-25% phụ nữ trong vài tháng đầu sau sinh, có khi cả năm sau. Nó làm cho bà mẹ trẻ, lẽ ra phải rất hạnh phúc, trở thành một con người khi nào cũng ủ dột, không màng đến bất cứ điều gì trên đời. Không chăm chút bản thân đã đành, có khi còn bỏ mặc cả con thơ. Người sản phụ bị trầm cảm sau sanh từ chối tất cả mọi giao tiếp xã hội, kể cả với chồng. Và kèm theo cảm giác tội lỗi, mất mát, dễ tổn thương (?), là vô số những triệu chứng không tên như nhức đầu, mệt mỏi, không ngủ được, bỏ ăn, “chê” chồng ngán con…

Thật lạ lùng khi thấy một rối loạn tâm lý, có thể hủy diệt một con người một cách “toàn diện” đến thế. Còn lạ lùng hơn khi biết rằng, mặc dù chưa hiểu rõ hoàn toàn, y học hiện đại có khả năng trị khỏi ít nhất 80% căn bệnh bí hiểm này. Hãy quên đi những giải thích dông dài nhưng rất mơ hồ về các cơ chế hormone, di truyền, xã hội… của trầm cảm, H. là ví dụ điển hình! Chỉ sau 4 tuần uống thuốc và tư vấn với chuyên gia tâm lý, chịu đựng dăm tác dụng phụ ban đầu của thuốc, vợ chồng H. quay trở lại gặp tôi, rạng rỡ hạnh phúc như chưa từng.

Nhìn vợ bạn mà phải gật gù khen ông bà mình sành đời quá cỡ khi phán câu “gái một con trông mòn con mắt”. Đố ai biết được, “gái một con” ấy đã từng gắt chồng, mắng con, đòi tự tử cách đây một tháng đấy! Trầm cảm nói chung, hay trầm cảm sau sinh là một hội chứng lạ lùng và mang tính hủy diệt. Nhưng nó không phải là một nhân cách bệnh lý. Triệu chứng thờ ơ, gắt gỏng, chán chường… của trầm cảm hoàn toàn không phải là một bản chất “thiếu chan hòa với tập thể”, “kém ý chí phấn đấu”…, cần phải giải quyết bằng “cải tạo qua lao động”, “giúp đỡ của tập thể” theo những quan điểm y học cổ lỗ.

Người bị trầm cảm là một người bệnh như trăm ngàn người bệnh khác, cần được thông cảm về những trái khoáy của họ, cho đến khi những triệu chứng của bệnh được đẩy lùi. Thật vậy, những người bệnh trầm cảm chiếm đa số trong danh sách những bệnh nhân rầy rà, trái tính trái nết nhất của tôi. Nhưng với thời gian, rất nhiều người trong số họ đã trở thành bạn bè thân hữu, mà lòng tốt và mối thâm tình của họ đôi lúc đã vượt quá sự mường tượng của người viết. Bên họ, tôi hiểu được một điều: nghề y tuy rất bạc, nhưng vui và ấm áp biết chừng nào! Hãy đi khám ngay nếu sau khi sinh, bạn có trên 2 triệu chứng bên dưới, kéo dài trên 2 tuần. (Các tiêu chuẩn này cũng áp dụng cho các thể trầm cảm khác, ngoài trầm cảm sau sinh):

• Cảm thấy mình không xứng đáng chăm sóc em bé, sao nhãng chăm sóc con cái, bản thân và gia đình

• Dễ cáu gắt, dễ lo âu và hoảng sợ

• Buồn bã, cảm thấy tội lỗi vô cớ hay cảm giác trống rỗng

• Mất hẳn hứng thú với những sở thích trước đây

• Tránh né các giao tiếp xã hội • Rối loạn giấc ngủ (thường là mất ngủ)

• Ăn uống thất thường: chán ăn hoặc thèm ăn vô độ • Mệt mỏi kéo dài không có nguyên nhân rõ ràng

• Không cảm thấy thoải mái trong quan hệ tình dục

• Cảm giác tuyệt vọng, thờ ơ với việc chăm sóc bản thân

Lưu ý: Trầm cảm là một bệnh lý đặc biệt, cần sự tư vấn và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa. Bài viết này, cũng như tất cả các bài viết về y học thường thức khác, không nhằm mục đích giúp tự chẩn đoán, tự điều trị.
BS Lê Đình Phương
(Trích Tạp bút “Lang thang như gió” NXB Phương Nam, 2013)