'Lời chào cao hơn mâm cỗ...'
Góc bình luận - Ngày đăng : 17:20, 18/07/2017
Nhiều người chắc còn nhớ, khoảng năm giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, Đài truyền hình Việt Nam có chiếu bộ phim truyền hình nhiều tập của nước Ý với chủ đề về cuộc chiến chống mafia: “Bạch tuộc” (hay Một mình chống lại mafia). Phải nói là bộ phim rất hấp dẫn người xem truyền hình thời bấy giờ bởi kịch tính những cuộc đối đầu giữa thanh tra C. Cattani và trùm mafia Tano Cariddi. Khi xem phim tôi còn để ý một chi tiết, các nhân vật trong phim khi gặp nhau họ thường mở đầu bằng câu: “chao” (chào).
Đó là chuyện nghe được từ bộ phim dài nhiều tập “Bạch tuộc” hơn 30 năm trước.
Gần đây, sau ba lần có dịp đến đất nước có hình một chiếc ủng khổng lồ khỏa xuống biển Địa Thung Hải bốn mùa xanh ngắt… tôi được nghe người Ý chào nhau ở ngoài đời…
Chữ chào người Ý viết là “Ciao”, còn khi phát âm thì cũng na ná, chẳng mấy khác so với người Việt Nam.
Đến Italia tôi thường trú ngụ ở tầng 4 của một tòa nhà khá cổ kính trên một đại lộ ở trung tâm thủ đô Roma. Tòa nhà có nhiều cơ quan nước sở tại, chỉ riêng tầng 4, ngoài Cơ quan Thương vụ Việt Nam còn có ba cơ quan khác. Hằng ngày, ngoài cầu thang bộ người của các cơ quan thường lên xuống chung một cái thang máy.
Người Ý thường thức khuya và ngủ dậy muộn. Tôi thì cứ khoảng 7 giờ là “hạ sơn” tản bộ ra phố. Giờ đó ở tầng 1 thường chỉ có người thường trực kiêm bảo vệ đang lau dọn lối đi hoặc ngồi đọc báo, sửa soạn công văn giấy tờ gì đó ở căn phòng nhỏ cạnh cửa ra vào tòa nhà.
Thấy tôi đi ngang qua người bảo vệ bao giờ cũng ngước mắt nhìn rồi vồn vã: Ciao! Tất nhiên rồi, tôi cũng mỉm cười và đáp lại bằng chính lời nói đó!
Ra phố, tôi táp vào một quán cà phê và mở đầu một ngày mới bằng ly Capuchino vốn thơm, ngon nức tiếng thế giới. Tôi nghiền đến các quán cà phê mỗi sớm còn bởi một sự thích thú nữa: Nghe, nhìn sự niềm nở, đon đả của những người phục vụ với các khách hàng.
Các cửa hàng cà phê dọc mấy con phố cổ ở Roma nhỏ thì có 2 - 3, vừa thì 4 - 5 nhân viên phục vụ... Mỗi khi khách hàng xuất hiện, i như rằng các nhân viên cùng lúc: Ciao, ciao, ciao…Khách đến cửa hàng cà phê một mình có, từng tốp ba, bốn, năm người có. Và, họ cũng ríu ran đáp lại: Ciao, ciao, ciao…
Người Ý uống cà phê không ngồi rề rà cả tiếng đồng hồ như ở Việt Nam. Phần lớn họ đến quầy trả tiền, đón nhận ly cà phê rồi né sang gần đó đứng uống, vài phút xong rồi đi. Ngày đầu đến Roma tôi cũng hơi ngạc nhiên, về sau mới hiểu ra. Người Ý dành nhiều thời gian cho công việc, lý do nữa là nếu để nhân viên bê ly cà phê đến bàn và ngồi uống thì nhà hàng tính thêm phí phục vụ lên gấp rưỡi, thậm chí có nơi gấp đôi.
Tôi thường gọi cà phê ra một cái bàn rồi ngồi nhâm nhi vị thơm ngậy của ly Capuchino. Và nữa như đã nói, tôi thích ngồi quan sát và nghe râm ran tiếng “Ciao” nhau giữa các nhân viên phục vụ với từng tốp khách hàng đến rồi đi.
Khoảng 8 - 9 giờ tôi trở về cơ quan Thương vụ Việt Nam. Đây cũng là thời điểm người Ý lục tục đến công sở. Tôi lại gặp mấy người Ý đang đứng chờ thang máy ở tòa nhà liên cơ quan và rồi lại được nghe lao xao tiếng những người Ý chào nhau và cả với tôi nữa.
Ciao - Chỉ một lời thôi, mỗi ngày, đúng hơn là nhiều ngày ở Roma tôi được nghe đầy ắp những lời như vậy! Đó là những lúc tôi cảm thấy cuộc sống xung quanh mình sao mà cởi mở, thân thiện!
Chạnh nghĩ, nước Việt ta có câu thành ngữ rất hay:“Lời chào cao hơn mâm cỗ” hay “Được lời như cởi tấm lòng”...Thế nhưng, cuộc sống hôm nay ở nơi công sở, nhiều tòa nhà chung cư hay các nhà hàng, quán xá… người Việt cởi mở, chân tình chào hỏi nhau là một thứ gì đó rất ư là xa xỉ?
Bùi Đức Khiêm (nhà văn)