Tham nhũng và suy thoái đạo đức xã hội
Góc bình luận - Ngày đăng : 11:46, 04/08/2017
Cảm nhận này được chứng minh qua hai kết quả được công bố:
1) Việt Nam nằm ở vị trí rất thấp trên bảng xếp hạng các quốc gia tham nhũng.
2) Một khảo sát cho thấy mức độ chịu đựng tham nhũng của dân chúng Việt Nam tăng cao.
VOV ngày 12.11.2016 cho biết: Theo kết quả cuộc điều tra xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới công bố hôm 20.11 thì Cảnh sát Giao thông là một trong 4 ngành tham nhũng phổ biến nhất.
Phản ứng lại với kết quả cuộc điều tra đó, một quan chức cao cấp trong ngành Cảnh sát Giao thông cho rằng đây chỉ là những tiêu cực chứ không thể nói là tham nhũng. Bởi vì “Nhận của lái xe, nhận của người tham gia giao thông dăm ba chục, một vài trăm mà nói đó là tham nhũng thì theo tôi ý đó là không thỏa đáng” (Trích)
Người viết cho rằng khi nói như trên, vị chức sắc đó không đề cập tới BẢN CHẤT của tham nhũng mà chỉ đề cạp tới ĐỘ LỚN mà thôi.
Tham nhũng là gì?
Theo tổ chức Minh Bạch Thế Giới (Transparency International), theo các từ điển thông dụng… có thể rút ra một định nghĩa chung cho Tham nhũng (Corruption) như sau:
Tham nhũng là hành vị của người được giao quyền, lợi dụng quyền đó để mưu cầu lợi ích riêng
Bài viết này xin giới hạn trong lãnh vực tham nhũng tiền bạc, không đề cập tới các loại tham nhũng khác như tham nhũng chính sách…
Theo định nghĩa trên, các thuộc tính của tham nhũng là:
a) do người có chức quyền, b) dùng quyền được giao, và c) để thu lợi riêng
Nếu phân tích về một viên cảnh sát giao thông theo như vị chức sắc nói ở trên, ta thấy:
a) anh cảnh sát đó có quyền điều khiển giao thông, quyền xử phạt người lái xe, người tham gia giao thông, b) anh đã dùng quyền đó để c) Nhận của lái xe, nhận của người tham gia giao thông dăm ba chục, một vài trăm.
Rõ ràng, đối chiếu với định nghĩa trên thì viên cảnh sát đó Tham nhũng. Cho dù số lợi anh thu về nhỏ hay lớn thì Bản chất của hành vi đó vẫn là Tham nhũng.
(Ở đây chỉ tính một lần nhận tiền của anh, không tính rằng, thí dụ, trung bình anh thu 500 ngàn/người, một trăm người anh thu được 50 triệu).
Nếu đồng ý với lập luận nêu trên, tất quí độc giả thấy rằng không thể nói “Nhận của lái xe, nhận của người tham gia giao thông dăm ba chục, một vài trăm mà đó là tham nhũng thì theo tôi ý đó là không thỏa đáng”. Nói như vậy sẽ có các tác dụng ngược lại với quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền trên các điểm sau:
1) Điểm thứ nhất là nó biện hộ cho hành vi tham nhũng. Tội lỗi mà được biện hộ không phải tội lỗi thì xét về một mặt nào đó chính là bao che, dung dưỡng cho tội lỗi đó.
2) Hơn cả bao che, nó khuyến khích tham nhũng. Kinh nghiệm quản lý cho thấy, một hành vi phạm tội được bỏ qua, được xử lý một cách xuê xoa, nhiều người khác sẽ bắt chước phạm tội. Trăm nghìn rối ren trong xã hội, sớm hay muộn, sẽ xảy ra bắt đầu từ ngày mà hành vi phạm tội được bỏ qua hay được biện hộ một cách cố ý.
3) Nó thúc đẩy sự suy thoái, đảo lộn đạo đức xã hội. Tham nhũng là một hành vi vi phạm đạo đức xã hội, nó vi phạm các nguyên tắc rất căn bản của đạo đức xã hội như tính trung thực, tính liêm khiết, tính công bình… Ăn cướp một triệu hay ăn cướp mười tỉ đồng đều là ăn cướp. Cũng vậy, tham nhũng vài trăm ngàn hay tham nhũng vài tỉ đồng đều là tham nhũng!
Nếu không gọi đúng tên một cách minh bạch đúng như bản chất của một hành vi phạm tội, tôi e rằng sẽ có ngày người ta vinh danh những hành vi vô đạo đức và trấn áp những người bảo vệ đạo đức. Đó là qui luật xã hội, và chúng ta nên biết sợ qui luật đó mà tránh đi ngược chiều nó.
Kinh nghiệm phòng chống tham nhũng
Kinh nghiệm chống tham nhũng trên thế giới đúc kết những bài học như sau:
1) Sự minh bạch thông tin và mức độ dễ dàng báo cáo các hành vi tham nhũng thì tỉ lệ nghịch với mức độ tham nhũng của xã hội. Do đó, tự do báo chí là phương tiện chống tham nhũng hữu hiệu.
2) Qui trình quản lý khoa học và chặt chẽ ngăn chặn tham nhũng. Do đó, người được tuyển dụng vào bộ máy công phải là người có trình độ tri thức cao, có chuyên môn nghiệp vụ giỏi và có nhiệm vụ chính là bảo vệ và phát triển bộ máy vận hành xã hội phục vụ dân chúng.
3) Liêm chính phải là một giá trị cốt lõi, được xây dựng, bảo vệ và phát triển mạnh mẽ trong xã hội. Định nghĩa về các hành vi tham nhũng phải được xác định minh bạch, công khai và truyền bá, giáo dục rộng rãi trong toàn xã hội. Các định nghĩa, nhận thức mơ hồ về tham nhũng cần được phân tích đem lại sự đồng thuận, đồng tâm trong xã hội.
Người có quyền lực phải hiểu rõ định nghĩa và ý nghĩa của liêm chính và mặt đối lập của nó là tham nhũng, và phải nêu gương trong lãnh vực liêm chính. Người tham nhũng phải được loại khỏi vị trí và dân chúng cần được khuyến khích chống tham nhũng. Các hành vi tham nhũng, dù ở mức biểu hiện nhỏ, cần được nêu lên để thuyết phục cả xã hội cùng tham gia phòng chống. Chống tham nhũng cần được xem là chống lại một tệ nạn xã hội, chứ không phải được dùng cho thanh toán phe phái.
Như đã nói trên, tham nhũng là một mặt dễ thấy của suy thoái đạo đức xã hội.
Không chỉ trong lãnh vực liêm chính, những năm gần đây, nhiều người nhận xét rằng xã hội Việt Nam đang có biểu hiện suy thoái đạo đức trên nhiều lãnh vực. Theo các bài học nêu trên, việc suy thoái đó có liên quan gì tới các định nghĩa và nhận thức mơ hồ về các hành vi xâm phạm những giá trị đạo đức hay không?
Lê Học Lãnh Vân