TS Cấn Văn Lực: Có hiện tượng lách luật, chạy dự án năng lượng tái tạo
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 13:51, 29/10/2020
Sáng 29.10, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức tọa đàm "Góp ý cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo (NLTT)”.
Thống kê từ Viện nghiên cứu của BIDV cho thấy, nếu năm 2016 tổng công suất lắp đặt NLTT mới đạt khoảng 303 MW thì năm 2020 tổng công suất ước tăng gấp hơn 20 lần, đạt khoảng 7.000 MW. Dự báo trong thời gian tới, đầu tư vào các dự án điện gió và điện mặt trời sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Theo số liệu của Bộ Công thương, hiện cả nước đã có 187 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất khoảng 11.687 MW và 137 dự án điện mặt trời với tổng công suất 13.618 MW đã được bổ sung quy hoạch; 312 dự án điện gió với tổng công suất 78.035 MW và 331 dự án điện mặt trời với công suất 336.581 MW đang được các địa phương đề xuất phát triển.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà Đầu tư cho hay, theo kết quả khảo sát của các viện nghiên cứu độc lập, cũng như phản ánh của các nhà đầu tư, đầu tư phát triển các dự án NLTT hiện đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể là Luật Điện lực quy định độc quyền nhà nước về truyền tải điện làm hạn chế xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực này. Sự thiếu đồng bộ của hệ thống truyền tải điện gây khó khăn cho các dự án sản xuất điện trong việc đấu nối, không giải tỏa hết công suất, buộc giảm sản lượng điện, giảm doanh thu bán điện làm cho phương án tài chính của dự án không đảm bảo như tính toán ban đầu.
Các quyết định về mức giá mua điện có thời hạn, hiệu lực quá ngắn chỉ trong khoảng 2 năm, nên các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tính toán hiệu quả đầu tư khi lập dự án. Việc chưa rõ cơ chế, chính sách áp dụng sau năm 2020 khiến các nhà đầu tư không an tâm đầu tư.
“Cơ chế mua bán điện hiện nay vẫn là cơ chế độc quyền do chưa vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh”, ông Tuấn nói.
Bên cạnh đó, nguồn vốn cho các dự án, hiện chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, trong khi hệ thống ngân hàng thương mại chưa có định hướng cụ thể về cho vay phát triển năng lượng tái tạo mà chủ yếu thực hiện thông qua tín dụng xanh.
Các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong cho vay đầu tư phát triển NLTT do bị khống chế tỷ lệ cho vay trung và dài hạn. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, lãi suất ngân hàng đối với các dự án năng lượng tái tạo quá cao - khoảng 10 – 11,5%/năm làm giảm hiệu quả đầu tư của dự án.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng nổ, bức tranh NLTT cho thấy có nhiều tiềm năng. Thông lệ cho thấy, nhu cầu điện tăng trưởng gấp khoảng 1,5 lần tăng trưởng của nền kinh tế. Như vậy, mỗi năm Việt Nam cần mức tăng trưởng năng lượng khoảng 10%.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, thách thức, khó khăn hiện nay là hệ thống pháp lý chưa hoàn chỉnh, quy hoạch điện 8 chuẩn bị ban hành nhưng thực tế cho thấy đã khá chậm.
“Luật PPP cũng mới được thông qua, có hiệu lực từ 1.1.2021. Đây có thể là nền tảng quan trọng đẩy nhanh phát triển NLTT. Cơ chế chính sách ban hành chậm, thời gian kéo dài ngắn - chỉ 1-2 năm không đủ để doanh nghiệp xoay xở. Thiết nghĩ cần có chính sách cho từng loại năng lượng tái tạo khác nhau, phân ra các loại như NLTT mặt trời, NLTT gió onshore, NLTT offshore…”, ông Lực nói.
Cũng theo ông Lực, hiện tượng chạy dự án xuất hiện gần đây cũng gây khó khăn cho các cơ quan quản lý.
“Gần đây chúng tôi có nghe phản ảnh 1 số dự án có hiện tượng lách luật. Ví như: thời hạn giá điện chốt hết năm nay, một số doanh nghiệp bố trí dự án, chạy cấp phép trước thời điểm hiện hạn. Hay theo quy định, dự án 1.000MW do địa phương quyết định nên một số doanh nghiệp chia nhỏ dự án để đơn giản hóa khâu cấp phép”, TS Lực nhấn mạnh.
Theo chuyên gia này, vốn chủ yếu vẫn là từ tín dụng, còn vốn tự có quá nhỏ. 30% vốn tự có là hết sức bình thường. Hiện nay 12-15 tỉ cho 1 dự án điện mặt trời nhỏ nên bỏ ra 30% là bình thường, còn lại là tín dụng ngân hàng hoặc các loại vốn góp khác. Nên phải đảm bảo vốn chủ đầu tư 30% là không nhiều.
TS Cấn Văn Lực đề xuất quy hoạch điện 8 cần được thông qua, ban hành sớm. Để giải bài toán vốn cho các dự án NLTT cần đa dạng hóa nguồn vốn phát triển NLTT bằng cách tranh thủ nguồn vốn xã hội hóa vào lĩnh vực NLTT trong đó đặc biệt xem xét thúc đẩy tốc độ hoàn thiện hạ tầng truyền tải điện đồng bộ với quy hoạch phát triển các dự án NLTT.
Cùng với đó là phát triển thị trường trái phiếu, quỹ đầu tư, trong đó có thị trường trái phiếu năng lượng sạch, trái phiếu xanh là loại hình đã được các định chế tài chính quốc tế lớn (WB, IFC, ADB...) thực hiện thành công trong thời gian qua.
Ngoài ra, nghiên cứu ưu tiên một phần nguồn vốn ngân sách nhất định dành cho phát triển NLTT trong một số lĩnh vực cụ thể như phát triển quỹ năng lượng bền vững, đầu tư hạ tầng cơ sở truyền tải điện, đào tạo kỹ thuật, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tái định cư cho người dân tại các vùng dự án. Nâng cao năng lực của NH Phát triển trong tài trợ các dự án NLTT.
Cuối cùng, theo ông Lực, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng các chính sách khuyến khích tín dụng NLTT mạnh mẽ hơn như: giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc tăng cho vay tái cấp vốn cho các TCTD có tỷ lệ dư nợ tín dụng NLTT cao; điều chỉnh trọng số rủi ro đối với dư nợ tín dụng NLTT xuống thấp hơn tín dụng thương mại khác...; chỉ đạo, định hướng phát triển tín dụng NLTT trong tổng thể phát triển tín dụng xanh ngành ngân hàng.
Ông Hồ Tá Tín, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HBRE cho hay tỷ lệ các dự án NLTT đi vào vận hành chỉ đạt khoảng 32% đối với điện mặt trời và chỉ khoảng 3,8% đối với dự án điện gió trên tổng số dự án được bổ sung quy hoạch.
“Con số đã nói lên được thực trạng triển khai dự án NLTT trên thực tế không phải dễ dàng và hầu hết các dự án hiện nay chỉ nằm trên giấy, nguy cơ xảy ra quy hoạch “treo” là hiện hữu nếu không có giải pháp kịp thời và hữu hiệu", ông Tín nói.
Theo Chủ tịch Tập Đoàn HBRE, vấn đề quan trọng nhất đối với các dự án điện gió là đầu ra, nằm ở cơ chế chính sách của Chính phủ, tuy nhiên do dịch COVID-19 nên bị ảnh hưởng khá nặng nề.
“Hàng loạt đại gia điện gió tại Trung Quốc buộc giảm 70-80% công suất vì COVID-19, trong khi thời gian ưu đãi giá sắp hết hạn”, ông Tín nói và đề nghị, Chính phủ cần cân nhắc sớm quyết định cho phép kéo dài cơ chế giá FIT theo Quyết định 39 đến hết năm 2023 đối với điện gió trên bờ và hết 2025 đối với điện gió ngoài khơi.