Ranh giới sự sống và cái chết được người dân xã Trà Leng kể lại
Sự kiện - Ngày đăng : 20:35, 29/10/2020
Ngay cả những người tham gia cứu hộ cũng không ngờ rằng nghị lực chống lại thiên tai của con người lại lớn đến như vậy.
Rời hiện trường tìm kiếm nạn nhân tại vụ sạt lở đất đá ở thôn 1 xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vui mừng thông báo rằng: “Thật không ngờ, đã có những nạn nhân đầu tiên trong vụ sạt lở được xác nhận an toàn, đó là sự may mắn với những người làm công tác cứu hộ như chúng tôi”.
Cụ thể, ông Bửu cho biết, sau khi tiếp cận được với hiện trường vụ sạt lở, chúng tôi đã thống kê được toàn bộ số người bị nạn trong thôn 1 là 53 người. Trong đó, 21 người kịp thời chạy thoát sự vùi lấp của đất đá, 12 người bị thương, 6 người tử vong và 14 người vẫn đang mất tích, công tác tìm kiếm cứu nạn sẽ được lực lượng Công binh thực hiện xuyên đêm để sớm hoàn thành.
Hiện nay, 12 nạn nhân bị thương đã được chuyển về Trung tâm y tế huyện Bắc Trà My, những trường hợp bị thương nặng đã được chuyển về Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam (cách khoảng 50km). Trong số những người bị thương có 2 trường hợp rất nặng, 1 trường hợp bị chấn thương sọ não, 1 trường hợp bị chấn thương vùng bụng, cả 2 trường hợp này đều bị đất đá chèn lấp nhưng may mắn được cứu ra.
Một số cán bộ trong đoàn cứu nạn của Công an huyện Bắc Trà My kể lại, họ cảm thấy kinh ngạc trước cảnh tan nát ở khu vực thôn 1, xã Trà Leng sau khi bị đất đá vùi lấp. “Khi chúng tôi tiếp cận vào đây, như các bạn đã thấy, toàn bộ thôn này gần như chỉ còn lại đất và đá, những ngôi nhà đã bị vùi lấp hoàn toàn, ngôi nhà kiên cố nhất thôn này cũng chỉ còn lại mấy cây cột”, một chiến sĩ Công an vừa đào bới vừa kể lại.
Ngay cả bản thân những cán bộ tham gia cứu nạn cũng không hiểu 33 người thoát nạn ở thôn 1 xã Trà Leng đã chạy tránh “cơn thịnh nộ của núi rừng” bằng cách nào, bởi ở thôn 1 có địa hình mặt trước giáp sông suối, mặt sau giáp vách núi, rất hiểm trở, lượng đất đá đổ xuống lại rất lớn lên đến hàng triệu mét khối.
Đưa mắt nhìn theo vợ và con gái được khiêng ra khỏi khu vực sạt lở, anh Lê Công Tiến (người dân thôn 1, xã Trà Leng) thấp thỏm kể lại: “Vụ sạt lở đã khiến vợ và con gái tôi bị thương, còn cậu con trai và đứa em vợ vẫn còn không rõ tung tích. Tối hôm đó, sau khi nghe tiếng nổ rất lớn đất đá xung quanh ùn ùn đổ xuống rất nhanh, vùi lấp cả thôn. May mắn không bị vùi sâu, tôi cố đào bới thì nhìn thấy vợ, còn đứa con gái bị bùn đất đẩy ra sông, rất may được một người hàng xóm kịp thời níu lại”.
Theo anh Tiến, vụ sạt lở xảy ra rất chóng vánh, cả thôn nhanh chóng chìm trong biển bùn. Thời điểm đó, những người may mắn thoát nạn như anh Tiến đã cố hết sức đào bới cứu những người xung quanh với hy vọng được đến đâu hay đến đó.
Cùng tinh thần hoãn loạn như anh Tiến, chị Hồ Thị Hà thất thần bế đứa con gái bị thương nặng do đất đá chèn lấp trên tay chờ các lực lượng đưa cháu đến khu vực an toàn để đi cấp cứu. Vội vàng kể lại vài câu về đêm định mệnh, chị Hà cho biết: “Sự việc xảy ra rất nhanh, khi tôi và một số người chạy đến thì đã nhìn thấy mẹ tôi và các cháu nằm trong đống bùn đất, ba tôi thì đã bị đất đá đè tử vong”.
“Lúc đó, tôi không biết làm gì hơn, chỉ biết kêu cứu thúc giục mọi người nhanh chóng cứu lấy mẹ và các cháu. Các cháu còn quá nhỏ, nhìn rất đáng thương”, chị Hà kể trong nước mắt.
Sau khi phát hiện 12 người bị thương và đưa đi cấp cứu, lực lượng cứu hộ không khỏi ngạc nhiên khi hầu hết trong số đó đều là phụ nữ và trẻ em.
Chị Hà lý giải rằng: “Khi nghe tiếng nổ lớn, đất đá ùn ùn kéo về, mọi người hô hoán nhau bỏ chạy, địa thế ở đây chỉ có thể chạy vòng ra phía sau đồi là may mắn thoát được. Lúc đó, hầu hết đàn ông thanh niên trong thôn, nếu ai thoát nạn thì sẽ cố gắng cứu những người bị mắc kẹt ra, còn phụ nữ và trẻ em tìm chỗ lánh nạn”.
Đến tối ngày 29.10, toàn bộ những người bị thương đã được đưa về Trung tâm y tế chăm sóc sức khỏe. Song song với đó, lực lượng Công binh Quân khu 5 đã tiếp tục công cụ, máy móc, đèn điện vào hiện trường để khẩn trương tìm kiếm 14 người còn đang mất tích.