'Đế chế Trump' chi phối chính trường Mỹ chỉ sau một nhiệm kỳ

Quốc tế - Ngày đăng : 11:34, 30/10/2020

Trải qua hơn một thế kỷ rưỡi nỗ lực, nhà Trump đã có được tất cả những gì mà họ muốn: tiền bạc, danh vọng, địa vị và giờ là quyền lực vô song.

Đêm 8/11/2016.

Họ đứng cạnh nhau, Donald Trump Jr., Ivanka Trump và Jared Kushner rồi đến Eric Trump. Tất cả hướng mắt về phía màn hình tivi để chứng kiến kết quả cuộc bầu cử đang dần hiện ra trước mắt. Ông Trump đã giành được Ohio, North Carolina rồi sau đó là bang chiến trường Florida. "Bức tường xanh" của đảng Dân chủ ở miền Trung Tây đã sụp đổ trên sóng truyền hình trực tiếp, cùng với khuôn mặt bàng hoàng của các chuyên gia và nhà phân tích. Cảnh tượng rất siêu thực nhưng cực kỳ gây hưng phấn.

Trong khi Donald Jr. và Eric đọc những tin nhắn chúc mừng, một số người trong phòng nhìn thấy Ivanka chen qua hàng loạt phụ tá chiến dịch đang đứng dày đặc trong phòng để tiến gần tới cha cô.

“Bố có nghe thấy không?”, Ivanka nói với ông Trump mỗi khi có tin tốt hiện lên trên tivi, thành thạo lôi kéo sự quan tâm của cha, giống như cách cô vẫn làm từ khi còn là đứa trẻ.

Cảnh tượng đó có thể sẽ lặp lại vào cuộc bầu cử năm nay, có thể không. Nhưng cuộc cạnh tranh quyền lực bên trong gia đình Trump sẽ không kết thúc vào tháng 11 này, cũng như ảnh hưởng của họ đến nước Mỹ sẽ không vì thế mà bị đứt đoạn.

Trong 4 năm ở Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã trở thành lãnh đạo của phong trào bảo thủ quốc gia, định hình lại tư tưởng của đảng Cộng hòa, và sử dụng quyền lực này để trao cho thương hiệu Trump những giá trị chưa từng có.

Câu hỏi giờ đây không chỉ là việc ai sẽ kế thừa di sản chính trị của Trump, mà là gia đình quyền lực này sẽ định hình nước Mỹ theo cách nào trong những năm tới.

Năm 1885, chàng trai người Đức Friedrich Trump khi đó mới 16 tuổi, đến từ làng trồng rượu nho nhỏ ở Kallstadt, nay thuộc về bang Rhineland-Palatinate, quyết định rời quê hương để lên đường đến New York. Như nhiều người khác ở châu Âu khi đó, anh đến Thế giới Mới với ước mơ duy nhất - trở thành người giàu có.

"Mua vé để có được một gia tài, mua vé tới miền Tây”, những toa tàu dán đầy quảng cáo.

Thông tin nóng hổi lúc đó là về một thị trấn khai mỏ đang dần hình thành ở phía đông bắc Seattle, với tên gọi Monte-Cristo. Tất cả những gì bạn cần là tuyên bố rằng mình phát hiện quặng bạc ở một khu đất, và bạn sẽ được khai thác ở khu đất đó, không phải chia sẻ với ai cả.

Friedrich không hề có ý định đi đào quặng, mà thay vào đó dựng lên một khách sạn. Anh hiểu rằng ở cái thế giới này, anh không cần phải kiếm tiền bằng việc đào bới, mà thay vào đó là cung cấp dịch vụ cho hàng nghìn người đổ tới đây mỗi ngày. “Khai thác những người khai mỏ” (mining the miners) - là thuật ngữ được tác giả Gwenda Blair, người viết tiểu sử cho ông, sử dụng sau này.

Rượu, đồ ăn, chỗ nghỉ và gái mại dâm - những mặt hàng được coi là thiết yếu vào thời kỳ đó ở một đất nước của những người khai mỏ - đã giúp người đàn ông gốc Đức tích tụ được một gia tài.

Đến năm 49 tuổi, ông Friedrich qua đời vì đại dịch cúm Tây Ban Nha. Bà Elizabeth, vợ của ông, giao cho mỗi đứa trẻ nhà Trump một nhiệm vụ trong quản lý số bất động sản của gia đình. Fred, con trai lớn của họ, từ nhỏ đã tỏ ra hứng thú với việc xây dựng nhà cửa, và đảm nhiệm công việc gia đình ngay sau khi học hết trung học. Ở tuổi 17, Fred xây ngôi nhà đầu tiên và rao bán, dùng số tiền đó để xây lên các ngôi nhà tiếp theo.

Ở đỉnh cao của cuộc Đại Suy thoái vào năm 1934, chính phủ Mỹ của Tổng thống Franklin D. Roosevelt muốn giải quyết vấn nạn người vô gia cư ở những thành phố lớn, đặc biệt là New York, và thành lập Cơ quan Quản lý nhà ở Liên bang (FHA) với chính sách cho vay bảo đảm giúp người dân sở hữu nhà. Và thế là một làn sóng xây dựng bùng nổ.

FHA chính là nơi bảo trợ cho một số dự án xây dựng lớn nhất của Fred Trump, và từ đó, một đế chế bất động sản được hình thành.

Đến thập niên 1950, nhà Trump đã trở thành một trong những gia đình giàu có nhất nước Mỹ. Biệt thự của họ ở khu Jamaica Estates, Queens, có tới 23 phòng và cả một garage ngầm. Nhưng đối với Donald Trump, như thế là không đủ. Có một New York khác ở bên trong New York, người ta gọi nó là Manhattan.

Donald Trump nhìn thấy tương lai của mình ở Manhattan, nơi ông muốn chinh phục danh tiếng, địa vị và cánh cửa bước vào giới thượng lưu New York, điều mà gia đình chưa từng sở hữu.

Donald xuất hiện tại những quán bar đẳng cấp nhất ở Manhattan, xây dựng hình ảnh như một tay chơi kiêm triệu phú tự thân. Người đàn ông cao ráo, trẻ tuổi và đầy tham vọng trở thành thành viên của Le Club, hộp đêm đẳng cấp nhất New York khi đó. Đây chính là nơi ông xây dựng lên những mối quan hệ cá nhân giúp ích rất nhiều sau này, trong đó có luật sư nổi tiếng Roy Cohn.

New York năm 1982, Tháp Trump được cất nóc. Ông Trump được cho là thuê những lao động nhập cư người Ba Lan với mức lương bèo bọt, và đàm phán với giới mafia New York - lực lượng kiểm soát thị trường bê tông của thành phố - để xây dựng công trình của mình.

Trong buổi lễ cất nóc với sự tham dự của Thị trưởng Ed Koch, người ta không thể không chú ý đến vẻ niềm nở trên khuôn mặt của Fred Trump.

“Tôi cho rằng Fred Trump đã thật sự tự hào vì thành công sớm của Donald ở New York, ông ấy kinh ngạc khi thấy đứa con trai bé nhỏ của mình đã vượt ra khỏi khu Queens để đến với một vị trí đắc địa ở Manhattan”, Tim O’Brien, tác giả cuốn Trump Nation, nhận định.

Chưa đầy một năm trước, anh cả của Donald, Fred Trump Jr., qua đời một cách lặng lẽ tại bệnh viện ở Manhattan vì biến chứng của nghiện rượu khi mới 42 tuổi.

“Đó là mất mát lớn đầu tiên trong cuộc đời của Donald Trump, nhưng ông ấy nhìn nhận cái chết của Fred Trump Jr. như là biểu hiện của sự yếu đuối, điều sẽ xảy ra khi bạn không đủ cứng rắn, khi bạn không chiến đấu, khi bạn không đáp trả”, Michael D’Antonia, tác giả cuốn The Truth about Trump, nhận định.

Giữa thập niên 1990, sau thập kỷ luôn xuất hiện như ngôi sao tại New York và cuộc ly hôn tốn nhiều giấy mực của báo chí, công việc kinh doanh của Donald Trump bắt đầu đi xuống. Canh bạc tất tay của ông khi xây dựng sòng bài Taj Mahal ở Atlantic City thất bại. Một số công ty con của Trump Organization phải xin bảo hộ phá sản với khoản nợ tổng lên tới gần 2 tỷ USD.

Các ngân hàng không còn sẵn sàng cho tập đoàn vay thêm nữa, nhưng thương hiệu Trump vẫn là thứ gì đó thu hút công chúng. Triệu phú bất động sản giờ đây quảng cáo đủ mọi thứ, từ nước hoa, rượu vodka, bánh pizza cho đến bít tết. Tất nhiên những thứ này không được sản xuất bởi Trump Organization, nhưng tập đoàn vẫn thu về phí bản quyền thương hiệu. Ông Trump cũng cho ra mắt cuốn sách The Art of Comeback để tiếp nối thành công của The Art of the Deal trước đó.

Đến năm 2002, Mark Burnett, nhà sản xuất truyền hình nổi tiếng với sự thành công của chương trình truyền hình thực tế The Survivor, tiếp cận Donald Trump và bày tỏ kế hoạch muốn sản xuất một chương trình như vậy với ông làm nhân vật chính. Burnett cam kết rằng hình tượng của ông Trump trong chương trình này sẽ là một doanh nhân thành đạt với cuộc sống thượng lưu.

Khi Burnett nói ý tưởng về The Apparentice với đài NBC, Donald Trump dự kiến chỉ xuất hiện trong mùa đầu tiên, và mùa sau đó những tài phiệt khác như Mark Cuban và Martha Steward sẽ dẫn chương trình.

Tuy nhiên, theo cuốn sách Trump Revealed của tác giả Michael Kranish và Marc Fisher, kế hoạch này nhanh chóng được thay đổi. Sự thoải mái và tự nhiên của ông Trump trước ống kính máy quay cùng khả năng ứng biến thiên tài - bao gồm câu “Bạn đã bị sa thải!” - đã khiến chương trình đạt lượng người xem kỷ lục, cứu vãn rất nhiều cho đài NBC đang khát nội dung vào lúc đó.

The Apparentice là chương trình truyền hình thực tế kinh điển, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa game show, phim tài liệu, phim sướt mướt và cả hài kịch. Nhưng chương trình cũng rất "sang trọng" theo tiêu chí của ông Trump, không có những màn gây chú ý rẻ tiền và là trò chơi giả tưởng thú vị với sự cạnh tranh gay cấn.

Trong chương trình, ông Trump hiện lên như một chủ tịch đích thực, dẫn chương trình từ máy bay trực thăng và ngồi ở chiếc ghế đầy quyền lực. Không ai dám chỉ trích hay chê bai Trump, và ông nhận được vô vàn những lời khen ngợi từ tất cả những người chơi tham gia chương trình. Không ai nhắc đến những núi nợ hay bê bối, và sự nóng nảy của ông với các ứng viên được coi là “yêu cho roi cho vọt”.

Nhưng tỷ lệ người xem của The Apparentice cũng giảm dần qua các năm, và đến năm 2007 thì đài NBC cắt chương trình khỏi lịch chiếu.

Mùa xuân năm 2007, ông Trump xuất hiện trong chương trình vật biểu diễn (WWE) có tên WrestleMania 23: Battle of the Billionaires, khi đối đầu với người bạn cũ Vince McMahon. Cuộc đấu đã được lên kịch bản trước này rất mang tính giải trí: khi ông Trump xuất hiện, những tờ 100 USD thật được thả xuống các khán đài, và người thua sẽ phải cạo đầu.

WrestleMania là sàn đấu hoàn hảo cho ông Trump vì nó yêu cầu tất cả những gì mà ông thực hiện thành thục trong cuộc đời. Nó là trò chơi đòi hỏi những cảm xúc cực mạnh, những màn khích bác, hạ nhục đối thủ và ranh giới rõ ràng giữa người thắng và kẻ thua.

“Ông có thể nhận được sự ủng hộ của khán giả, nhưng 95% họ là kẻ ngốc”, Vince McMahon nói và nhận được những tiếng la ó.

“Đối với tôi, họ giống như một nhóm người rất thông minh”, ông Trump đáp lại và khán giả hò reo ầm ý.

Khán giả chính của WWE không phải là những người đến từ bờ Đông hay bờ Tây, họ là những cử tri da trắng trung lưu ở những bang miền Trung nước Mỹ. Và sự xuất hiện ở WWE đã giới thiệu cái tên Donald Trump đến với nhóm cử tri này.

“Đây là nhóm người của ông ấy, không phải những người ăn mặc lấp lánh ở Đại lộ số 5 của New York, không phải những người từ các câu lạc bộ thượng lưu chẳng bao giờ đánh giá ông ấy một cách nghiêm túc, mà là những người Mỹ trung lưu", Marc Fisher, tác giả cuốn Trump Revealed, nhận định. "Ông Trump tin rằng truyền hình mang lại cho ông một khả năng tự nhiên để kết nối với người khác, những người ít giáo dục hơn, ít giàu có hơn… những người thường bị giới tinh hoa coi thường".

James Poniewozik, tác giả cuốn Audience of One: Donald Trump, Television and the Facturing of America, cho rằng sự nghiệp của Trump chủ yếu là một sự nghiệp về mặt truyền thông. Không chỉ từ The Apparentice, ông Trump đã xuất hiện dày đặc trên những tạp chí lá cải ở New York từ thập niên 1980. Ông ấy trở thành “Donald Trump” là vì truyền thông.

Theo ông Poniewozik, Trump về cơ bản là nhân vật của truyền thông. Toàn bộ hình ảnh trước công chúng của ông được định hình bởi tivi, và ông khéo léo sử dụng công cụ này để thúc đẩy sự nghiệp chính trị của mình. Ông Trump biết chính xác những gì người xem khao khát và tận dụng điều đó trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống.

“Hãy chắc chắn rằng bạn sẽ xem Donald Trump trên chương trình Tối muộn với David Letterman… hôm nay!”, tài khoản Twitter realDonaldTrump đăng dòng trạng thái đầu tiên vào ngày 4/5/2009.

Những dòng tweet đầu tiên của ông xuất hiện khá rời rạc, vài ngày một lần. Chúng rõ ràng là được viết bởi nhân viên, và phần lớn được viết ở ngôi thứ ba. Thông tin chủ yếu là về những lần xuất hiện trên truyền hình sắp tới và quảng cáo cho các sản phẩm mang thương hiệu Trump như vitamin và móc chìa khóa.

Nhưng vào năm 2011, mọi chuyện bắt đầu thay đổi, ông Trump tweet nhiều hơn gấp 5 lần, và đến năm 2012 thì số lượng tweet lại tăng gấp 5 lần nữa.

Điều quan trọng là nội dung đã được viết ở ngôi thứ nhất, và giọng điệu của chúng đã thay đổi. Người ta có thể nhận thấy rõ rằng ông Trump chính là người viết những dòng tweet này, công kích khắp mọi nơi và bắt đầu thu hút được sự chú ý trong bối cảnh Twitter tăng trưởng nhanh chóng.

Sau doanh nhân bất động sản và ngôi sao truyền hình, giờ đây ông Trump đã chuyển mình một lần nữa để trở thành nhà bình luận chính trị cánh hữu.

Từ trước khi Trump xuất hiện như một nhân vật chính trị, đảng Cộng hòa đã vật lộn nhiều năm để định hình danh tính của họ trong thời kỳ hậu Bush. Điều này được thể hiện qua các chiến dịch tranh cử thất bại của Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Thượng nghị sĩ Ted Cruz.

Ông Cruz cho rằng đảng Cộng hòa nên nhấn mạnh vào những giá trị bảo thủ của họ, tập trung vận động nhóm cử tri mà ông gọi là "những người ủng hộ thầm lặng".

Thượng nghị sĩ Texas cho rằng ông John McCain và ông Mitt Romney thất bại không phải vì các chính sách quá bảo thủ, mà vì những ứng viên này không phải là người hoàn toàn đại diện cho các giá trị bảo thủ.

Những năm sau đó kéo theo sự gia tăng mâu thuẫn và xung đột giữa những người bảo thủ với nhau. Thêm vào đó, việc ông Barrack Obama trở thành tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ cũng khiến một bộ phận cử tri Cộng hòa tỏ ra sợ hãi.

Trong cuốn sách AMERICAN CARNAGE: On the Front Lines of the Republican Civil War and the Rise of President Trump, tác giả Tim Alberta cho rằng những cử tri này phẫn nộ với các chính sách theo đường lối tự do, giọng điệu thuyết giảng và sự thay đổi về cơ cấu văn hóa Mỹ, nhưng có lẽ nghiêm trọng nhất là màu da và gốc gác châu Phi cũng như cái họ lạ lẫm của ông Obama.

Theo ông Alberta, không phải vì những gì ông Obama đã làm, mà bởi vì ông là ai, vị tổng thống da màu đầu tiên đã trở thành "nhân vật phản diện hoàn hảo cho đám đông bị quên lãng" ở những vùng hẻo lánh miền Trung nước Mỹ.

Ông Alberta, phóng viên chính trị hàng đầu của tạp chí Politico, cho rằng phong trào đảng Trà "có thể được coi là dấu hiện ban đầu cho thấy sự bất bình của nhiều người Mỹ liên quan đến những thay đổi nhanh chóng trên khắp đất nước - về mặt nhân khẩu học, văn hóa và chính trị".

Bằng một bản năng nào đó, ông Trump nắm bắt được tâm lý bị bỏ rơi đó.

Ông Trump đăng ký bản quyền khẩu hiệu Make America Great Again vào tháng 11/2012, chỉ ít ngày sau thất bại của ứng viên Mitt Romney. Ông thử nghiệm việc chỉ trích người nhập cư bất hợp pháp trong một bài phát biểu năm 2013 tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ. Ông đến Iowa năm 2014 để vận động tranh cử cho Hạ nghị sĩ Cộng hòa Steve King.

"Cuộc chinh phục của Trump đã chấm dứt những tranh cãi bao phủ đảng Cộng hòa trong thời kỳ hậu Bush, thay thế các mâu thuẫn về chính sách và nguyên tắc bằng câu hỏi đơn giản hơn: 'Bạn có ở đội Trump hay không?'", Tim Alberta viết trong cuốn sách của ông.

Câu trả lời của các đảng viên Cộng hòa là rất rõ ràng, bất kể việc ông Trump giẫm đạp lên các nguyên tắc của thị trường tự do, trách nhiệm ngân sách hay sự kiềm chế về mặt hành pháp, và dù ông có áp dụng sự tàn nhẫn và địa chủ bản địa bài ngoại hay không.

Danh sách những đảng viên Cộng hòa nổi tiếng từng chỉ trích ông Trump trước chiến dịch tranh cử năm 2016 và rồi sau đó thay đổi thái độ khi ông Trump trở thành tổng thống là quá dài để có thể liệt kê. Những người trung thành với ông Trump gọi họ là "Câu lạc bộ 9/11" - được giác ngộ sau cuộc bầu cử.

Với sự pha trộn giữa tinh thần dân túy, những chính sách vụ lợi và giọng điệu chống trường phái tự do, được Fox News và các kênh truyền thông bảo thủ khác củng cố, ông Trump đang có tầm ảnh hưởng rất lớn với đảng Cộng hòa, hơn cả các tổng thống trước đây, kể cả khi ông đảo ngược chính sách ủng hộ thị trường tự do của nó.

"Không còn đảng Cộng hòa. Chỉ có đảng của Trump. Đảng Cộng hòa đang ngủ gật ở đâu đó", ông Joh Boehner, cựu chủ tịch Hạ viện, một trong những lãnh đạo lâu năm của đảng, chia sẻ trong một sự kiện năm 2018.

Trở về với đêm bầu cử năm 2016. Đến khoảng nửa đêm, gia đình nhà Trump nhận ra rằng họ sẽ cần một bài phát biểu chiến thắng. Không ai chuẩn bị vì không ai nghĩ rằng ông Trump sẽ chiến thắng, ít nhất là với cuộc bầu cử. Kế hoạch ban đầu là ông Trump sẽ thất cử và trở thành một nhân vật truyền hình nổi tiếng hơn, một hình ảnh tử vì đạo cho phong trào bảo thủ quốc gia.

Tất cả sẽ tiếp tục phục vụ cho sự nổi tiếng của thương hiệu Trump và cả gia đình sẽ tận dụng điều đó. Ivanka sắp sửa ra mắt một cuốn sách, còn Don và Eric đang cùng làm việc để mở một chuỗi khách sạn bình dân với chủ đề yêu nước. Các cuộc đàm phán sơ bộ cũng đang được tiến hành để xây dựng một hệ thống truyền hình mang thương hiệu Trump, biến những cử tri bất mãn thành người xem.

Bây giờ họ cần một kế hoạch mới.

Từng người một bắt đầu rời khỏi căn phòng ồn ào trên tầng 14 của Tháp Trump ở New York. Steve Bannon và Stephen Miller - hai quan chức chủ chốt của chiến dịch - bắt đầu viết bản thảo bài phát biểu chiến thắng cho ông Trump. Nhưng Ivanka liếc qua vai Miller và không thích nội dung bài phát biểu đó, nó hơi mang vẻ tự đắc.

Tập trung quanh bàn ăn cùng nhóm phụ tá chiến dịch, ba người con lớn nhà Trump thay phiên nhau đọc nội dung cho người đánh máy. Sản phẩm cuối cùng là một danh sách những lời cảm ơn, đan xen với giọng điệu dân túy, chỉ đáng chú ý vì một sự kiềm chế mà người ta thường không thấy ở Donald Trump.

Trên bục phát biểu, với các thành viên gia đình ở phía sau, ông Trump nói mình cam kết sẽ trở thành tổng thống của tất cả người dân Mỹ. Bài phát biểu không có gì đáng chú ý, nhưng mục tiêu của nó không phải là gây ồn ào. Các nhận xét trong đó giống như một lời rào trước đón sau, tạo cơ hội để gia đình Trump tính toán các bước đi tiếp theo của họ.

Sự xuất hiện của các thành viên gia đình là điều thường thấy tại các đại hội chính trị, thường làm mềm hơn hình ảnh mạnh mẽ của một chính trị gia. Không thể không nhắc đến ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden mà không nói về cuộc sống đời tư của ông, với một người vợ và hai đứa con đã mất. Danh tính chính trị của ông được định hình bởi nỗi đau mất mát.

Nhưng gia đình nhà Trump thì khác, họ không phải là những nhân vật kịch tính, hay những người đóng vai trò làm nền cho sự nghiệp chính trị của cha mình. Họ là những mắt xích quan trọng, kết nối một đế chế kinh doanh của gia đình với đảng Cộng hòa và chính phủ, biến nước Mỹ trở thành một mô hình kinh doanh.

“Toàn bộ thế giới quan của cha tôi xoay quanh ý tưởng rằng chúng ta luôn có thể làm tốt hơn nữa. Hãy tưởng tượng cuộc sống mà bạn muốn có, một công việc tuyệt vời, ngôi nhà đẹp và một gia đình hoàn hảo. Bạn hoàn toàn có thể sở hữu chúng”, Donald Trump Jr. phát biểu tại Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa năm 2020.

Mọi thứ mà ông Trump đang nắm giữ, từ doanh nghiệp, đảng và chính phủ của ông - đều được hỗ trợ đắc lực từ các thành viên gia đình. Donald Trump Jr. cùng với bạn gái Kimberly Guilfoyle - từng là người dẫn của Fox News - đều là những người gây quỹ hàng đầu của đảng Cộng hòa.

Trump Jr., 42 tuổi, là một trong những người đại diện mạnh mẽ và nổi bật nhất của tổng thống trong chiến dịch tái tranh cử và bản thân đã xây đựng được một lượng lớn người theo dõi trên mạng xã hội, chủ yếu là những người bảo thủ trẻ tuổi.

Ivanka và chồng của cô, Jared Kushner, trở thành cố vấn của ông Trump không chỉ trên danh nghĩa mà còn tham gia trực tiếp vào các hoạt động chính sách. Ivanka từng tháp tùng ông Trump tại một số hội nghị thượng đỉnh, còn Jared Kushner cũng đóng góp vào một số chính sách đối ngoại của chính quyền Trump.

Cho tới nay Ivanka vẫn là người có ảnh hưởng lớn nhất đến các quyết định của tổng thống, và đó là lý do vợ chồng Ivanka - Jared làm việc ở Washington còn Donald Trump Jr. thì không.

“Không thể phủ nhận khả năng thích ứng của họ. Khi công việc kinh doanh của gia đình là bất động sản, họ đã tìm hiểu các hợp đồng, phê duyệt xây dựng và kiến trúc. Sau đó là truyền hình, và họ đã học ngành đó. Bây giờ, một thập kỷ sau, họ bắt đầu học về chính trị", cố vấn Kellyanne Conway nhận định.

Công việc điều hành Trump Organization giờ đây nằm trong tay của Eric, người con thứ ba của ông Trump. Không hề giữ khoảng cách, Eric cũng thường xuyên xuất hiện trên các chương trình truyền hình để bảo vệ quyết định của chính quyền Trump. Vợ của Eric là Lara Trump cũng là cố vấn cấp cao của chiến dịch tranh cử.

Khi ranh giới giữa một gia đình chính trị và một gia đình kinh doanh không rõ ràng, chắc chắn sẽ có những câu hỏi về sự xung đột lợi ích.

Hồi tháng 8, Washington Post thống kê rằng chính quyền Trump đã chi hơn 900.000 USD tiền thuế cho Trump Organization kể từ khi ông Trump bước vào Nhà Trắng, đó là khoản phí dịch vụ cho những lần ông Trump đến trú tại những cơ sở nghỉ dưỡng thuộc tập đoàn. Các nhóm của đảng Cộng hòa cũng đã chi khoảng 3,8 triệu USD cho Trump Organization thông qua các dịch vụ tương tự.

Nhưng đó có thể chỉ là phần nổi của tảng băng, New York Times vừa qua công bố phóng sự điều tra, trong đó phát hiện 200 công ty và nhóm lợi ích của Mỹ cũng như các chính quyền nước ngoài đến sử dụng dịch vụ tại các cơ sở nghỉ dưỡng của Trump Organization. New York Times đánh giá công việc kinh doanh của gia đình Trump đã thu về hàng triệu USD từ những khách hàng có lợi ích trong các quyết sách của Nhà Trắng.

Ông Trump từ lâu coi trọng lòng trung thành của các cộng sự hơn bất cứ thứ gì khác, và chỉ một nhóm nhỏ người có thể trụ lại sau những hỗn loạn ở nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Đối với tổng thống, việc coi các con mình như những người đại diện tốt nhất phản chiếu tâm lý đó.

Có thể thấy rõ điều này ở kỳ đại hội quốc gia vừa qua của đảng Cộng hòa, gần như tất cả thành viên của gia đình Trump đều nằm trong danh sách phát biểu, bao gồm cả Kimberly Guilfoyle.

Kết quả thăm dò cũng cho thấy các cử tri đảng Cộng hòa phản ứng tốt hơn với những thành viên của gia đình tổng thống, so với những diễn giả khác xuất hiện tại đại hội. Trong cuộc khảo sát của Morning Consult/ Politico công bố hôm 24/8, các thành viên gia đình Trump được yêu thích hơn so với các lãnh đạo khác của đảng Cộng hòa, dấu hiệu cho thấy sự thành công của thương hiệu Trump ở mảng chính trị.

Mùa đông năm 1989, cả nhà Trump bao gồm Ivana, các con Donald Trump Jr., Ivanka và Eric đi nghỉ tại khu trượt tuyết Aspen, bang Colorado.

Nhưng không chỉ gia đình, ông Trump còn đưa cả người tình của mình khi đó là Marla Maples đến đây. Và vụ bê bối gây chấn động xảy ra tại nhà hàng Bonnie’s ở thị trấn: Marla Maples đến trước mặt Ivana Trump và nói: “Tôi muốn có chồng bà!”. Cảnh tượng kết thúc với việc bà Ivana bỏ đi trên ván trượt tuyết, ông Trump đuổi theo nhưng không kịp vì bà Ivana - người được học trượt tuyết ở dãy Alps từ bé - trượt giỏi hơn ông rất nhiều.

10 tuần sau đó, Ivana đệ đơn ly dị. Đối với 3 đứa trẻ nhà Trump, đó được coi là sự kiện gây chấn động tuổi thơ của họ. Eric khi đó mới 6 tuổi và còn quá nhỏ để hiểu chuyện gì đang diễn ra. Nhưng Don, 12 tuổi, thì nói thẳng với Donald Trump rằng: “Làm sao mà bố có thể nói rằng bố yêu chúng con chứ?”, và không nói chuyện với cha suốt hai năm sau đó.

Ivanka, khi đó mới 8 tuổi, thì sợ rằng mình sẽ mất đi một thứ. “Có phải điều đó có nghĩa là con sẽ không còn là Ivanka Trump nữa không?”, cô bé vừa khóc vừa hỏi cha.

Ivanka thường xuyên qua thăm văn phòng làm việc của cha sau vụ ly dị, và khi đi học trường nội trú, cô luôn gọi cho cha mỗi ngày. Sau này, Ivanka rất tự hào khi kể lại rằng cha mình thường bỏ ngang những cuộc đàm phán quan trọng để nghe điện thoại của cô.

Việc ông Trump chọn Ivanka làm gương mặt đại diện chính cho chiến dịch tranh cử của mình vào năm 2015 dường như là điều đương nhiên. Trong nhiều năm tổng thống đã định hình sự phát triển của Ivanka để cô trở thành người tiếp quản đế chế của gia đình. Một đứa con hoàn hảo - xinh đẹp và ám ảnh về thương hiệu cá nhân của mình.

Ông Trump hiểu rằng con gái có một thương hiệu cần phải bảo vệ, cô ấy đã chăm chút cho hình ảnh của mình kể từ khi niên thiếu, cẩn thận thay đổi từ một cô gái thích tiệc tùng sang một người phụ nữ có lối sống và phong cách sang trọng.

Ivanka có dòng sản phẩm thời trang riêng mang tên cô, và sở hữu một cửa hàng bắt mắt ở khu SoHo. Cùng với Jared - một doanh nhân bất động sản - cô hòa mình vào xã hội thượng lưu của khu Upper East Side, tham gia nhiều hoạt động từ thiện và cũng như cha mình, nhiều lần xuất hiện trên các chương trình tivi.

Khi ông Trump đắc cử, Jared và Ivanka trở thành cặp đôi quyền lực ở Washington, cả hai người đều là trợ lý thân cận của tổng thống, và theo cuốn sách Fire and Fury: Inside the Trump White House của tác giả Michael Wolff, Ivanka từng nói rằng nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ sẽ không phải là Hillary Clinton, mà đó sẽ là Ivanka Trump.

Vào lúc đó, Donald Trump Jr. chỉ đóng vai trò phụ trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Hai người từ lâu đã là một trường hợp trái ngược. Ivanka nhẹ nhàng, còn Donald Jr. thì nóng nảy hơn, trong khi em gái luôn cẩn thận, anh trai lại thường thể hiện sự liều lĩnh. Ivanka sớm tham gia vào công việc kinh doanh bất động sản của gia đình, còn Donald Jr. thì lang thang khắp Colorado, có lúc từng làm nhân viên pha chế bất chấp sự phản đối của cha.

Sau này dù làm việc cho Trump Organization, Donald Jr. vẫn đi săn vào cuối tuần và có niềm đam mê với súng đạn. Kết quả là Donald Jr. hình thành quan điểm bảo thủ sớm hơn các thành viên khác của gia đình.

Ông Trump từng xấu hổ vì niềm đam mê săn bắn của con trai, cho rằng anh không phải là “con dao sắc nhất trong tủ bếp”. Nhưng giờ đây khi phải thu hút sự ủng hộ của các cử tri Cộng hòa ở vùng hẻo lánh, tổng thống nhận ra rằng cuối cùng thì Donald Jr. cũng có thể giúp ông.

Donald Jr. từ lâu đã hiểu rằng Ivanka là đứa con yêu thích của cha anh. “Con gái bé bỏng của cha!”, anh thường đùa như vậy về Ivanka. Nhưng phải chấp nhận địa vị của em rể Jared còn là một nhiệm vụ khó khăn hơn.

Kể từ khi Ivanka kết hôn với Jared, Donald Jr. phải chứng kiến việc Jared dần dần trở thành một trợ lý thân cận của cha mình. Một cố vấn của Trump cho biết Donald Jr. rất hoài nghi vai trò của Jared.

Nhưng quyền lực thực sự của Jared và Ivanka lại đến từ tham vọng của ông Trump. Cặp đôi này đại diện cho vị trí ngôi sao của tầng lớp thượng lưu, điều ông Trump đã theo đuổi cả đời. Họ thuộc về một thế giới từng không chấp nhận ông. Hai đứa con được giáo dục kỹ lưỡng sẽ hiện thân của giới tinh hoa mà ông Trump rất muốn gia đình thuộc về.

Đó là thế giới mà Donald Jr. không có cơ hội chen chân vào. Mùa thu năm 2016, khi chiến dịch tranh cử bước vào giai đoạn quan trọng, Jared gần như tháp tùng ông Trump trong mọi cuộc vận động, còn Donald Jr. phải giúp cha mình ở những địa điểm xa xôi và hẻo lánh nhất.

Tuy nhiên, chính điều đó giúp cho Don Jr có một lượng người hâm mộ theo dõi và ủng hộ nhiệt liệt, xét cho cùng thì Donald Jr. giống với một người bỏ phiếu cho Trump hơn là một phiên bản khác của Donald Trump. Con trai cả nhà Trump cũng ngay lập tức chớp lấy cơ hội này.

Khi cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018 đến gần, Donald Jr. quyết định nghiêm túc với chính trị. Anh thuê chiến lược gia đảng Cộng hòa Andrew Surabian để giúp định hình thông tin với báo chí, và bắt đầu đề nghị tham gia cùng các ứng viên Cộng hòa trong chiến dịch tranh cử địa phương.

Đi khắp đất nước cùng bạn gái Guilfoyle trong năm 2019, Donald Jr. bắt đầu nổi lên như gương mặt đại diện của phe cánh hữu. Tại Đại học Georgia, hơn 2.000 thanh niên đảng Cộng hòa đã xếp hàng để nghe bài phát biểu của Donald Jr..

Những sự kiện có con trai lớn nhà Trump phát biểu đôi khi còn thu hút đám đông lớn hơn so với bất cứ diễn giả cánh hữu nổi tiếng nào khác, dù đó là Tucker Carlson, Greg Gutfeld hay Jordan Peterson.

Đoạn clip lan đi mạnh mẽ như một trò cười trên mạng và chỉ ra những tính toán sai lầm của Ivanka: rằng đó không phải là nước Mỹ, và thương hiệu Trump không mang lại cho cô uy tín toàn cầu.

Trong khi đó, Donald Jr. tích cực tham gia vào chiến dịch tái tranh cử của cha mình và cũng âm thầm lập kế hoạch cho một tương lai chính trị. Theo các đảng viên Cộng hòa, Donald Jr. đã cân nhắc tranh cử tại một bang nào đó miền Trung Tây nước Mỹ, nơi có những cử tri sẽ chia sẻ với anh ta nhiều hơn cả tình yêu súng đạn và việc săn bắn.

Cũng giống như cách Donald Trump từng cố gắng để đạt được sự chấp nhận của Fred Trump khi xưa, Donald Jr. đang làm tốt trong việc chứng minh với cha mình rằng anh là người có thể làm được việc.

Một buổi tối tháng 6, ông Trump chính thức công bố chiến dịch tái tranh cử của mình qua một sự kiện vận động sôi nổi ở Orlando. Lần này, Ivanka và Jared ngồi trên khán đài, trong khi Donald Jr. - người khởi động cho bài phát biểu của ông Trump - bước lên sân khấu với những màn vỗ tay nhiệt liệt. Donald Jr. giơ hai tay lên trời như thể anh là nhạc trưởng, và khán đài hô vang “Bốn năm nữa!”.

Khoảnh khắc đấy như một dự báo khác về tương lai của gia đình Trump. Trong thời gian dài, tương lai đó là gia đình nhỏ của Ivanka Trump, những người được "đo ni đóng giày" để hòa mình vào giới tinh hoa New York. Ngày hôm đó cho chúng ta thấy một tương lai khác, nơi gia đình Trump tiếp tục khoét sâu vào nỗi giận dữ của những người da trắng miền quê đối với giới tinh hoa kia, và cũng gia đình đó có một người có thể đồng cảm với những bất mãn này: Donald Trump Jr..

Đối với một quốc gia giành được độc lập nhờ đánh đổ sự thống trị của giai cấp phong kiến, người dân Mỹ có sự thần tượng khá khó hiểu đối với các gia tộc giàu có.

Khi danh tiếng và gia tài đã được gây dựng, guồng máy chính trị Mỹ sẽ mang quyền lực đến với những gia tộc này. Của cải được truyền tới các thế hệ sau thông qua các quỹ gia đình, cùng với đó là những vị trí quản lý cấp cao trong tập đoàn dành cho con cháu.

Những gia tộc nổi tiếng được truyền thông tung hô và trở thành truyền thuyết trong văn hóa Mỹ. Kết quả là sự hình thành của một tầng lớp tinh hoa với trung tâm là các dòng họ quyền lực, từ nhà Rockefeller đến nhà Roosevelt, từ nhà Mellon đến nhà Murdoch.

Gia tộc tiếp theo có thể đã hình thành ngay trước mắt chúng ta vài năm qua.

Theo Quốc Thăng/Zing