Gấu nâu trưởng thành ăn thịt con non vì thiếu mồi
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:55, 31/10/2020
Hồ miệng núi lửa Kurilskoye rộng lớn ở phía nam bán đảo Kamchatka có trữ lượng cá hồi đỏ lớn nhất ở châu Á. Hồ là một phần của khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kamchatsky, nơi sinh sống của ít nhất 800 con gấu nâu, quần thể được bảo vệ lớn nhất ở lục địa Á - Âu.
Mỗi mùa thu, gấu tập trung trên bờ hồ, chờ cá hồi rời khỏi vùng nước sâu và bơi qua vùng nước nông đến nơi đẻ trứng. Vào mùa cao điểm, có thể nhìn thấy tới 200 con gấu nâu săn mồi cùng lúc. Gấu đực cùng gấu mẹ với đàn con ở cách nhau một khoảng ngắn.
Khu bảo tồn thu hút hàng trăm khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới với một số lượng hạn chế các chuyến tham quan có giám sát. Các giám sát viên của khu bảo tồn cũng thường xuyên theo dõi hồ nước bởi họ có thể quan sát những con gấu trong môi trường sống tự nhiên khi chúng bắt cá, chiến đấu và chơi đùa với nhau.
Tuy nhiên, các báo cáo trong năm nay cho thấy một bức tranh rất khác khi tình trạng gấu trưởng thành ăn thịt con non ngày càng tăng. Một đoạn video do giám sát viên Liana Varavskaya quay và chia sẻ cách đây 4 ngày cho thấy một con gấu nâu trưởng thành đứng bên một gấu con bị giết.
“Đây là một trường hợp ăn thịt đồng loại khác trên hồ Kurilskoye. Video được quay từ một chiếc thuyền. Việc đến gần con gấu bị nghiêm cấm bởi nó có thể tấn công ngay lập tức”, Liana nói.
Liana đã quan sát quần thể gấu nâu trong nhiều năm, cho biết căng thẳng trong quần thể gấu đã gia tăng trong vài năm gần đây. “Những con đực trưởng thành thường hung hăng với nhau, luôn sẵn sàng lao vào chiến đấu. Số trường hợp gấu đực ăn thịt con non cũng ngày càng tăng”, Liana cho biết thêm.
Sự gia tăng đột biến của việc ăn thịt đồng loại ở gấu nâu hiện có liên quan đến số lượng cá hồi đỏ đến hồ Kurilskoye từ biển Okhotsk ngày càng giảm. Pyotr Shpilenok, giám đốc khu dự trữ sinh quyển bang Kronotsky, cho biết việc này cũng có thể gây ra bởi sự kết hợp của nhiều lý do như mật độ gấu xung quanh hồ cao hơn, số lượng quả thông thu hoạch được thấp và lượng cá ít ỏi.
Gấu nâu là loài động vật có kích thước lớn thứ hai trong bộ ăn thịt, sau gấu trắng Bắc Cực và trước hổ. Chúng từng xuất hiện phổ biến ở châu Á, châu Phi, châu Âu, Bắc Mỹ, nhưng đã tuyệt chủng và suy giảm số lượng ở một số khu vực. Chúng thích sống trong những khu vực thoáng, thông thường là vùng núi.