Triết lý Kaizen giúp Ronaldo luôn lạc quan dù mắc COVID-19 và Juventus bị Messi hạ gục

Thể thao - Ngày đăng : 12:10, 31/10/2020

Ronaldo vừa thể hiện tình yêu với triết lý Kaizen của Nhật Bản.

Sau khi có kết quả dương tính với COVID-19 hôm 13.10, Cristiano Ronaldo đã trải qua hai tuần khó khăn khi phải cách ly và tự tập luyện một mình, lỡ hai trận của Juventus ở Champions League (thắng Dynamo Kiev 2-0, thua Barcelona 0-2) và hai trận tại Seria A (hòa Crotone 1-1, Hellas Verona 1-1).

Dù không có triệu chứng rõ ràng, Ronaldo không vượt qua bài xét nghiệm với COVID-19 và lỡ trận đại chiến với Messi ở Champions League giữa tuần qua. Ở trận này, siêu sao Argentina ghi một bàn từ chấm phạt đền và thực hiện pha kiến tạo cho Dembele giúp Barcelona đánh bại Juventus 2-0 ngay trên sân khách.

Trước khi bị cách ly, Ronaldo đã có phong độ tốt cho câu lạc bộ lẫn đội tuyển quốc gia, ghi ba bàn trong hai lần ra sân tại Serie A.

Dù trải qua thời gian thử thách sự kiên nhẫn, siêu sao Bồ Đào Nha 35 tuổi tìm ra cách để giữ tinh thần vững vàng và gần đây tiết lộ rằng triết lý Kaizen đóng vai trò quan trọng trong việc làm anh luôn tích cực trên mạng xã hội.

triet-ly-kaizen-giup-ronaldo-luon-lac-quan2.jpg
Ronaldo thể hiện tình yêu với tiết lý Kaizen trên Twitter

Triết lý Kaizen là gì?

Kaizen là một thuật ngữ trong tiếng Nhật, có ý nghĩa “cải tiến”. Trong kinh doanh, Kaizen được hiểu là những hoạt động cải tiến liên tục đối trong công việc của mọi nhân viên, dù là CEO hay các công nhân trong chuỗi lắp ráp.

Dù bắt đầu như một cách để cải thiện quy trình sản xuất ở Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai, Kaizen kể từ đó được chấp nhận như cách tiếp cận triết học rộng rãi hơn với cuộc sống nói chung.

Masaaki Imai, người sáng lập Viện Kaizen, cho biết: "Kaizen có nghĩa là cải tiến. Hơn nữa, nó có nghĩa là liên tục cải thiện cuộc sống cá nhân, cuộc sống gia đình, cuộc sống xã hội và cuộc sống làm việc. Khi áp dụng cho nơi làm việc, Kaizen có nghĩa là liên tục cải tiến liên quan đến mọi người - các nhà quản lý và công nhân đều như nhau".

Công ty Toyota (Nhật) ủng hộ mạnh mẽ cách tiếp cận Kaizen trong kinh doanh, còn Ronaldo dường như được hưởng lợi từ triết lý này ở mức độ cá nhân.

Triết lý Kaizen giúp ích gì cho Ronaldo?

Triết lý Kaizen về cơ bản là chuyển trọng tâm của một người sang cải tiến dài hạn thay vì bị cuốn vào thành công hoặc thất bại nhất thời.

Trong trường hợp của mình, Ronaldo có thể dựa vào triết lý Kaizen để nhắc nhở bản thân rằng dù bỏ lỡ vài trận đấu lớn nhưng vẫn có thể có tác động đáng kể đến phần còn lại của mùa giải của Juventus. Đội bóng của HLV Andrea Pirlo đã gặp khó khăn khi vắng mặt Ronaldo, chỉ thắng một trong bốn trận đã qua trên hai đấu trường.

Trong suốt sự nghiệp của Ronaldo, triết lý Kaizen nhiều khả năng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố tinh thần làm việc mạnh mẽ cho anh với sự chăm chỉ nhất quán để đảm bảo những thành tựu trong tương lai. Cựu ngôi sao Manchester United và Real Madrid thường xuyên được ca ngợi vì khả năng tập luyện vô song của mình.

Ronaldo cũng không xa lạ với thông điệp triết học qua thông điệp trên mạng xã hội. Sau khi chứng kiến ​​Messi giành Quả bóng vàng năm 2019, Ronaldo đã đăng một thông điệp trên Instagram lặp lại các nguyên tắc chính của Kaizen: “Kiên nhẫn và bền bỉ là hai đặc điểm phân biệt người chuyên nghiệp và người nghiệp dư. Mọi việc lớn hôm nay đều bắt đầu từ nhỏ. Bạn không thể làm mọi thứ, nhưng hãy làm mọi thứ có thể để biến ước mơ của mình thành hiện thực. Và hãy ghi nhớ rằng sau buổi đêm luôn là bình minh".

Video những bàn thắng và pha biểu diễn kỹ thuật của Ronaldo trong mùa giải này cho Juventus lẫn đội tuyển Bồ Đào Nha:

10 nguyên tắc của triết lý Kaizen trong kinh doanh

1. Luôn tập trung vào khách hàng

Theo triết lý Kaizen, người hưởng lợi cuối cùng từ sản phẩm hay dịch vụ chính là khách hàng. Bất cứ hoạt động nào của doanh nghiệp không mang lại giá trị cho khách hàng đều cần được loại bỏ. Loại bỏ lãng phí là nguyên tắc cốt lõi trong triết lý Kaizen.

Sản xuất và cung cấp dịch vụ theo định hướng thị trường và đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng là nguyên tắc bất biến.

2. Luôn luôn cải tiến

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tập trung cải tiến sản phẩm hiện tại sẽ hiệu quả hơn cả về mặt thời gian lẫn chi phí so với việc sản xuất ra một sản phẩm hoàn toàn mới.

Việc cải tiến là hết sức cần thiết vì những tiêu chuẩn kỹ thuật, mẫu mã hay chi phí hiện tại sẽ không thể đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng trong tương lai.

3. Xây dựng văn hóa “không đổ lỗi”

Phát huy năng lực của mỗi thành viên để cùng nhau sửa lỗi, hoàn thiện sản phẩm tốt nhất có thể theo phương châm “lỗi do tôi, thành công do tâp thể”. Từ đó, uy tín doanh nghiệp tăng, sản phẩm và dịch vụ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

4. Thúc đẩy môi trường văn hóa mở

Xây dựng một môi trường văn hóa mở, văn hóa “không đổ lỗi”, nhân viên dám nhìn nhận sai sót, khuyết điểm của mình và tiếp nhận góp ý từ đồng nghiệp và lãnh đạo để không ngừng hoàn thiện.

Bên cạnh đó, xây dựng tốt hệ thống thông tin nội bộ, trong đó có kênh thông tin cần hỗ trợ đắc lực để nhân viên chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm giữa các bộ phận, giữa đồng nghiệp, nhân viên với lãnh đạo và ngược lại trong toàn công ty.

5. Khuyến khích làm việc theo nhóm

Tổ chức khuyến khích làm việc theo nhóm với sự phân quyền nhất định. Theo đó, trưởng nhóm cần nắm rõ nhiệm vụ, có cái nhìn bao quát, có khả năng đánh giá và sắp xếp các công việc cho từng thành viên.

6. Quản lý các dự án kết hợp với các bộ phận chức năng

Theo nguyên tắc này, các nhà quản lý nhân sự cần bố trí hợp lý nguồn lực kết hợp từ các bộ phận, phòng ban chức năng trong công ty kể cả tận dụng nguồn lực từ bên ngoài để làm dự án.

7. Nuôi dưỡng các quy trình quan hệ đúng đắn

Đầu tư vào các chương trình đào tạo kỹ năng giao tiếp cho nhân viên, đặc biệt là các khóa đào tạo cho nhà quản lý và lãnh đạo, đảm bảo cho quá trình giao tiếp, trao đổi thông tin tốt đẹp nhất.

8. Rèn luyện ý thức kỷ luật, tự giác

Hy sinh quyền lợi của bản thân để có sự đồng nhất với đồng nghiệp vì lợi ích của công ty. Luôn tự soi xét để kiềm chế cá tính của riêng mình, đặt lợi ích công việc lên trên lợi ích của bản thân.

9. Thông tin đến mọi nhân viên

Thông tin là một yếu tố đầu vào quan trọng hàng đầu trong quá trình sản xuất kinh doanh hiện đại. Như vậy, việc tổ chức chia sẻ thông tin cho mọi nhân viên chính là một phương thức san sẻ khó khăn, thách thức của công ty cho mỗi thành viên.

10. Thúc đẩy năng suất và hiệu quả

Thông qua tổng hợp các phương pháp đào tạo đa kỹ năng, khuyến khích và tạo động cơ làm việc, xây dựng tinh thần trách nhiệm trong công việc,...

Nhân Hoàng