Phát hiện thiên thể có cả đặc điểm của tiểu hành tinh và sao chổi

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:30, 02/11/2020

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Astrophysical Journal Letters, các nhà khoa học cho biết đã phát hiện ra một hành tinh vi hình mới.
dau-sao-choi.jpg

Centaur (hành tinh vi hình) là những thiên thể hiếm hoi có cả đặc điểm của tiểu hành tinh và sao chổi. Về cơ bản, chúng có bản chất là đá tương tự như tiểu hành tinh, nhưng cũng có thể sản sinh ra các đám mây bụi khí khi vỏ ngoài bốc hơi, giống như sao chổi. Khi centaur thải ra những khí này, chúng được coi là đang hoạt động.

Các nhà khoa học chỉ mới tìm thấy 18 hành tinh vi hình hoạt động trong thế kỷ qua. Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Astrophysical Journal Letters, các nhà khoa học cho biết đã phát hiện thêm một centaur mới. Phát hiện này có thể giúp giới khoa học biết thêm về cách những thiên thể bí ẩn phát triển cùng các đặc điểm độc đáo của chúng.

Việc theo dõi các hành tinh vi hình là một thách thức lớn bởi chúng ở rất xa, quỹ đạo không theo quy luật và mất nhiều thời gian. Nhưng trong trường hợp này, các nhà khoa học đã phát hiện centaur mới dựa vào hình ảnh lưu trữ cũng như dữ liệu mới thu thập được từ Camera năng lượng tối ở Đài quan sát liên châu Mỹ và kính viễn vọng Walter Baade Telescope ở Đài quan sát Las Campanas của Chile, cùng Máy chụp một khối lớn của Kính viễn vọng Khám phá tại Đài quan sát Lowell ở bang Arizona, Mỹ.

Nhà thiên văn Colin Chandler từ Đại học Bắc Arizona cho biết: “Chúng tôi đã phát triển một kỹ thuật mới kết hợp các phép đo quan sát - ví dụ màu sắc và khối lượng bụi - với các nỗ lực lập mô hình để ước tính các đặc điểm và động lực quỹ đạo của vật thể”.

Kỹ thuật đó, liên quan đến một thuật toán đặc biệt để tìm kiếm dấu vết hoạt động trong ảnh chụp không gian, đã cung cấp bằng chứng về việc Centaur 2014 OG392 chuyển đổi chất rắn thành khí và để lại một vệt đuôi dài giống sao chổi. Những quan sát mới trong hai năm qua cho thấy centaur này rất đặc biệt. Mô hình vi tính sau đó đã giúp các nhà thiên văn học tìm ra loại băng nào có thể bị đốt cháy trên bề mặt đá.

Đó là một tính toán phức tạp vì thiên thể này có thể không được tạo ra từ một loại băng mà từ hỗn hợp các vật liệu có thể cháy theo những cách khác nhau. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nghĩ rằng họ biết điều gì đang xảy ra và những gì có thể xảy ra trên các vật thể tương tự khác.

“Chúng tôi phát hiện đầu sao chổi dài 400.000 km từ 2014 OG392. Phân tích của chúng tôi chỉ ra carbon dioxide và ammonia nhiều khả năng là những hợp chất thúc đẩy hoạt động trên centaur này”, Chandler cho biết.

Đầu sao chổi là bọc gồm băng và bụi hình thành quanh nhân sao chổi khi nó bay gần Mặt trời. Do phát hiện mới, 2014 OG392 không còn thuộc nhóm centaur nữa mà được kết luận là một sao chổi hoàn chỉnh với ký hiệu C/2014 OG392 (PANSTARRS).

Những thiên thể này và vật thể khác giống như chúng, được cho là hầu như không thay đổi kể từ những ngày đầu của hệ Mặt trời. Điều đó có nghĩa là chúng vô cùng hữu ích để nghiên cứu cách các hành tinh hình thành và đi vào quỹ đạo ổn định.

Long Hải