Tăng thuế VAT: Đánh vào người nghèo thay vì đánh vào tham nhũng lãng phí
Góc bình luận - Ngày đăng : 09:04, 26/08/2017
Sau những gánh nặng giá xăng tăng, điện tăng, học phí tăng, người có thu nhập trung bình thấp trên cả nước lại vừa tiếp tục đón nhận một tin buồn: thuế giá trị gia tăng (GTGT) sẽ tăng. Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế GTGT từ 10% lên 12%, giải thích là vì thuế GTGT đang thấp hơn các nước và ngân sách đang chịu nhiều áp lực do giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình hội nhập, cho nên phải tăng thuế theo "thông lệ quốc tế" (?).
Thực chất thuế GTGT của Việt Nam lại đang cao hơn 1 số nước phát triển như Đài Loan - Canada 5%, Nhật Bản - Thụy Sĩ 8%. Tăng thuế GTGT là đánh vào 90 triệu người tiêu dùng Việt Nam và hàng triệu người thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng nặng.
Nếu đề xuất này được thông qua, từ nay, đến mớ rau, con tép, gói mì tôm, hạt nước lã mà người nghèo cố gắng tằn tiện chi tiêu trước đây cho qua bữa để nuôi nổi gia đình, thì nay cũng sẽ phải chịu mua đắt hơn vì bị thuế GTGT đánh trên các mặt hàng thiết yếu làm đội giá dây chuyền. Cho nên họ lo lắng, không biết với cơn bão giá sắp ập đến họ sẽ phải "giật gấu vá vai" ra làm sao đây để sống qua ngày?
Dù được lý giải rằng do gánh nặng ngân sách, tuy nhiên Bộ Tài chính nên xem lại gánh nặng này là do đâu khi nhìn lại các số liệu sau đây:
Chỉ số cảm nhận tham nhũng trong khu vực công (CPI) năm 2016 của Tổ chức minh bạch Quốc tế (TI) đã đánh giá Việt Nam được 33/100 điểm, đứng thứ 133/176 trên bảng xếp hạng toàn cầu (gần chạm đáy), được cho là nằm trong nhóm các nước có tham nhũng nghiêm trọng.
Ngày 12.7.2016, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, Tổng thanh tra chính phủ Phan Văn Sáu báo cáo, 10 năm qua phát hiện gần 60.000 tỉ đồng thất thoát do tham nhũng nhưng thu hồi chỉ được 5.000 tỉ đồng. Vậy là gần 55.000 tỉ đồng tiền thuế của dân đóng góp cho ngân sách đã bị tham nhũng lấy mất. Tất nhiên đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, còn nhiều vụ tham nhũng nữa chưa bị phát hiện, số tiền bị tham nhũng thực tế lớn hơn nhiều và các đối tượng tham nhũng đó đã "hạ cánh" xong.
Đồng thời, ra sức "đóng góp" với tham nhũng là nạn lãng phí. Các dự án thua lỗ nghìn tỉ đua nhau mọc lên như nấm sau mưa. Đình đám gần đây nhất là 12 dự án đã bị điểm danh trên truyền thông, mỗi dự án thua lỗ vài nghìn tỉ đồng. Chưa kể đến các dự án khác như Dự án bô xít - nhôm Lâm Đồng lỗ gần 3.700 tỉ, đường sắt Hà Nội đội vốn 10.000 tỉ đồng, metro TP.HCM cũng không chịu kém, đội vốn hàng chục nghìn tỉ đồng. Ngoài ra, còn có các công trình khác đầu tư không hiệu quả như Bảo tàng Hà Nội, Công viên Hòa Bình... đầu tư hàng nghìn tỉ đồng nhưng đến nay vẫn vắng khách, gây lãng phí lớn.
Như vậy gánh nặng ngân sách hiện nay chủ yếu bởi tham nhũng và lãng phí, đầu tư dàn trải không hiệu quả, gây thâm hụt trầm trọng, chứ đâu phải do kiến thiết đất nước thực chất hiệu quả mà thiếu vốn? Vậy chẳng lẽ, nay người dân, trong đó có rất nhiều người nghèo, lại phải có trách nhiệm è cổ gánh chịu hậu quả sai trái trên của những người khác làm?
Đáng lưu ý, thuế GTGT mà tăng thì tuy ngân sách tăng lên thật, nhưng đồng thời cũng lại làm tăng thêm số người nghèo, và tham nhũng lãng phí cũng có thêm "đất màu mỡ" để mà bòn rút.
Vậy là việc tăng thuế GTGT này chưa biết có làm tăng được hiệu quả đầu tư công đến đâu vì còn vấp phải rào cản là quốc nạn tham nhũng lãng phí nữa, nhưng chắc sẽ làm cho người nghèo thêm nghèo đi khi đến mớ rau con tép cũng do thuế GTGT tăng mà làm đội giá lên. Sau những 12-16 giờ lao động cật lực đầu tắt mặt tối, bữa cơm của họ từ nay sẽ phải đạm bạc hơn. Vậy là thay vì nâng cao chất lượng đời sống của người dân để xóa đói giảm nghèo thì nay tăng thuế GTGT lại làm cho người dân chi tiêu sinh hoạt đắt đỏ hơn, phải nhịn ăn nhịn mặc để rồi nhiều người trở thành người nghèo hơn. Thành ra, tăng thuế GTGT như vậy lại đi ngược lại với chính sách xóa đói giảm nghèo của Đảng và nhà nước.
Sinh thời, sau khi tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: "Nếu nước độc lập mà nhân dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì".
Việt Nam ngày nay đã củng cố nền độc lập được hơn 40 năm, và theo lời dạy đó của Bác thì người dân đáng lẽ phải ngày càng cảm thấy hạnh phúc hơn, chứ không phải vẫn còn đang vật lộn với cuộc mưu sinh mà đã bị "siết" thuế thêm như vậy.
Cho nên trước khi tăng thuế với người dân, thì người dân có quyền đòi hỏi tiền thuế tăng lên của mình sẽ không phải là để "nuôi" tham nhũng lãng phí. Chừng nào vẫn còn tham nhũng lãng phí, cướp đi hàng tỉ tỉ đồng của dân đóng góp cho ngân sách như vừa qua, thì chừng đó người dân vẫn chưa cảm thấy đủ thuyết phục để đóng thuế thêm. Những đối tượng làm thất thoát ấy mới phải bị truy thu, chứ không phải là đòi hỏi những người dân lao động phải "quýt làm cam chịu" gánh thay cho họ như vậy được.
Lợi bất cập hại nữa là, khi phải đối mặt với thuế GTGT tăng, thì người dân sẽ phản ứng bằng cách thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu, làm cho sức tiêu thụ hàng hóa giảm đi, đồng nghĩa với việc kìm hãm nền sản xuất kinh doanh. Và tất nhiên vì thế tổng tiền thuế GTGT thu được lại có nguy cơ "thất thu" so với kỳ vọng.
Phạm Mạnh Hà