Vì sao ông Nguyễn Xuân Anh nói chưa đi đôi với làm?
Góc bình luận - Ngày đăng : 14:49, 08/10/2017
Dư luận cả nước ngỡ ngàng khi vừa qua 1 vị Bí thư trẻ nhất nước, ông Nguyễn Xuân Anh đã bị Bộ Chính trị nghiêm khắc cách chức Bí thư Đà Nẵng, theo kết luận của UB Kiểm tra TƯ là do có những sai phạm sau:
Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền. Kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm. Thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp.
Những sai phạm này không phải là ở trình độ cao vượt quá khả năng nhận thức của 1 vị Bí thư Tỉnh ủy, mà chỉ là ở mức sơ đẳng. Là 1 chính trị gia đầu tỉnh, hẳn ông Nguyễn Xuân Anh phải biết những cái nguyên tắc đó có tầm quan trọng lớn như thế nào để không được vi phạm.
Về dân chủ, cũng như là thêm nghìn tay nghìn mắt cho mình, giúp mình nhìn thấu hết mọi sự việc phức tạp và làm được tất cả mọi việc khó khăn nhất. Vì thế để mất dân chủ cũng như là tự phế bỏ đi nghìn tay nghìn mắt này của mình vậy. Xưa nay thời đại nào trở nên cường thịnh cũng đều phải nhờ đến nguồn lực chính là dân chủ. Và Đảng vừa qua thực hiện sự nghiệp kháng chiến kiến quốc vĩ đại thành công cũng chính là nhờ biết hết sức coi trọng nguồn lực dân chủ. Cho nên, không dân chủ là dại!
Nếu không có dân chủ thì cũng không thể tập trung được lòng người quy về một mối mà lãnh đạo được. Lòng người không hội tụ thì xã hội thành ra như cái chợ vỡ, không thể thực hiện được những việc lớn lao của cả xã hội. Cho nên đã mất dân chủ thì cũng mất luôn cả tập trung. Mà đã mất sự tập trung thì còn lãnh đạo được ai nữa?
Vì vậy, nguyên tắc tập trung - dân chủ phải được giữ vững trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bởi đó là chìa khóa vạn năng của chế độ, mở được bất cứ vấn đề gian khó nào.
Về lòng trung thực với tổ chức thì xưa nay mọi người vẫn lưu truyền:"Một sự bất tín, vạn sự bất tin", cho nên người không trung thực thì giao phó công việc thường đã thấy lo, trọng trách lại càng không dám giao.
Về sự gương mẫu khi lãnh đạo thì cần phải thấy rõ rằng sở dĩ Đảng đã lãnh đạo được toàn dân lập nên sự nghiệp giải phóng dân tộc vẻ vang, chính là nhờ các đảng viên biết nêu tấm gương sáng chói vì nước vì dân để quần chúng noi theo.
Cho nên với những kiến thức cơ bản nhất về chính trị như vậy thì những sai phạm vấp phải đó của ông Nguyễn Xuân Anh là điều hết sức đáng tiếc đối với những kỳ vọng đã đặt vào 1 vị Bí thư trẻ nhất nước này. Mặc dù ông Nguyễn Xuân Anh có được đào tạo bài bản, có truyền thống gia đình (cha là ông Nguyễn Văn Chi, nguyên Chủ nhiệm UB Kiểm tra TƯ) thì không thể nói là không được giáo dục chính trị chu đáo, những kiến thức chính trị cơ bản đó ông thừa biết. Chính vì thế vị Bí thư trẻ này đã từng có những phát ngôn rất ấn tượng, gây được cảm tình của dư luận trong buổi đầu về nhậm chức.
Như vậy có thể khẳng định được rằng, với những sai phạm do UB Kiểm tra TƯ nêu ra thì ông Nguyễn Xuân Anh không phải là không biết phải làm thế nào cho đúng. Thế nhưng, như ông Hồ Việt, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhận xét, thì ông Nguyễn Xuân Anh tuy nhận thức được nhưng lại "nói chưa đi đôi với làm".
Thực tế thì hiện tượng cán bộ "nói không đi đôi với làm" đã không phải là ít, mà trường hợp như ông Nguyễn Xuân Anh chỉ là 1 điển hình. Lâu nay rất nhiều cán bộ lên bục phát biểu thì hùng hồn, thuộc vanh vách các lời văn tuyên huấn, nghị quyết của Đảng, thế nhưng khi rời bục xuống là lại làm ngược lại với phát biểu, cứ như thể những lời phát biểu đó chỉ là học thuộc lòng để trả bài vậy, phát biểu xong là thôi. Tình trạng này cần phải chấm dứt và rút ra bài học đắt giá trong công tác tổ chức cán bộ, để sử dụng cán bộ cho đúng người "nói được làm được", "nói đi đôi với làm", chứ không phải dùng nhầm người "nói 1 đằng làm 1 nẻo" nữa.
Vậy, nguyên nhân nào mà khiến cho nhiều cán bộ, như ông Nguyễn Xuân Anh, biết (nói) mà lại không làm?
Xem xét kỹ thì thấy, những cán bộ này tuy nói lên những lời dạy của Đảng nhưng thực chất lại đã xem nhẹ những lời dạy đó, không coi trọng đường lối chủ trương đúng đắn của Đảng, cho nên đã không khắc cốt ghi xương mà chỉ thuộc vẹt để chỉ dùng vào việc phát biểu trước công luận. Có nghĩa là, họ có được học giáo dục chính trị đầy đủ, có "thuộc bài" nhưng lại không thấm bài.
Ở đây họ đã không thấm thía được rằng, tất cả những lời tuyên huấn ấy của Đảng là đã được rút ra từ những năm tháng kháng chiến vô cùng gian khổ đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc giải phóng dân tộc của Đảng. Đó là những kinh nghiệm xương máu đã được viết ra từ những cuộc họp dưới hầm mà trên đầu là tiếng máy bay gầm rú, bom đạn nổ đinh tai nhức óc như muốn cướp đi mạng sống bất cứ lúc nào; từ những trận chiến đấu sinh tử với quân thù; từ những nỗi đau chứng kiến người thân, đồng bào bị giặc thảm sát, đồng đội hi sinh,...
Tất cả những lời tuyên huấn ấy, đã phải trải qua đấu tranh sinh tử với quân thù để được viết nên bằng xương máu và nước mắt của biết bao đảng viên trung kiên, hết lòng vì sự nghiệp độc lập tự do của dân tộc mà đúc kết để lại cương lĩnh, đường lối đúng đắn cho các thế hệ mai sau.
Thế cho nên những lời dạy như huyết thư này lẽ ra phải được các lớp cán bộ đảng viên ngày nay thấm nhuần đến tận vào máu thịt, khắc cốt ghi xương để hiểu được rằng những lời dạy đó là đúng đắn chuẩn mực, thiêng liêng, vô giá, không thể có thứ vật chất nào đánh đổi được những lời dạy xương máu đó của các thế hệ đảng viên cha ông.
Nhưng ngày nay, có lẽ do lớp cán bộ đảng viên về sau chỉ được học những lời dạy đó trên giáo trình chính trị, học trong phòng điều hòa mát lạnh, tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, mà không phải trải qua sự trải nghiệm gian khó cho nên đã không thấm thía cảm nhận được những lời dạy đó là được viết nên từ máu và nước mắt của các thế hệ đảng viên cha ông. Chính vì thế mà họ chỉ học thuộc những câu đó như học vẹt, học mà không thấm được vào tâm can, học chỉ để trả bài khi phát biểu, cho nên cứ rời bục phát biểu ra là họ "quên", lại làm khác, trái ngược với những lời phát biểu đó.
Vì vậy, để khắc phục được tình trạng cán bộ đảng viên "nói không đi đôi với làm" thì nhất định các cán bộ đảng viên làm lãnh đạo. dù là con ai cháu ai, phải kinh qua rèn luyện ở những nơi khó khăn gian khổ để chứng minh được phẩm chất, thấm thía được những lời dạy xương máu về đường lối chủ trương của Đảng là đúng đắn, thì mới không còn tình trạng từ kỳ vọng biến thành thất vọng như với cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh nữa.
Phạm Mạnh Hà