Hãy ráng làm việc như Giáo sư bác sĩ Nguyễn Anh Trí

Góc bình luận - Ngày đăng : 11:40, 04/10/2017

Anh Nguyễn Hùng Vỹ đã kể cho tôi về người thầy thuốc, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Nguyễn Anh Trí rằng đó là một người đã hết lòng vì ngành huyết học truyền máu nước nhà và luôn vì người bệnh. Anh bảo tôi: "Cha Trí này sống rất có tâm và đặc biệt là y đức ở anh ta thì miễn bình luận. Rất nhiều đồng nghiệp với giáo sư Trí đều xem ông như một tấm gương mẫu mực của người thầy thuốc hết lòng vì nhân dân phục vụ".

Có lẽ, trong hơn chục năm làm Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu T.Ư, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Trí và các cộng sự đã làm thay đổi căn bản bệnh viện này với nhiều cải cách đáng nể mà rất ít bệnh viện làm được. Chính vì thế cho nên hôm chia tay tiễn ông rời khỏi cương vị Viện trưởng (1.10) đã có rất nhiều người đổ lệ, dù họ là ai. Đó là những đồng nghiệp dưới quyền từng gắn bó cùng ông suốt nhiều năm qua hay rất nhiều, rất nhiều người bệnh đã và đang được ông cứu chữa... Tôi chỉ nhìn qua những tấm hình mà báo Tuổi trẻ họ chụp ở nhiều góc độ khác nhau trong bệnh viện là ít nhiều cũng đủ để hình dung ra "nhân vật trung tâm" ấy đã từng sống và làm việc ra sao tại nơi chốn này .

Hồi cuối tháng 8, trong một lần về thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình dự lễ vinh danh Hò khoan Lệ Thuỷ trở thành Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, vô tình tôi được nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vỹ, người từng "ăn dầm ở rề" suốt 2 năm tại mảnh đất đầy tình người Lệ Thủy, góp phần quan trọng phục dựng, sáng tác và đưa làn điệu Hò khoan Lệ Thủy quảng bá rộng rãi đến mọi người, dẫn tôi tản bộ mỗi khi chiều về.

Tôi đã được anh chỉ cho coi căn nhà thờ họ của gia tộc GS.TS Nguyễn Anh Trí tại ngay thị trấn Kiến Giang nên thơ này với sự trân trọng về một người con quê hương được nhiều người quý mến và tự hào về lòng nhân ái và tài năng, đức độ ở ông. Nghe nói, 3 anh em trai nhà ông đều là tiến sĩ, trong đó có 2 người là giáo sư, tiến sĩ.

Anh Nguyễn Hùng Vỹ đã kể cho tôi về người thầy thuốc, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Nguyễn Anh Trí rằng đó là một người đã hết lòng vì ngành huyết học truyền máu nước nhà và luôn vì người bệnh. Anh bảo tôi: "Cha Trí này sống rất có tâm và đặc biệt là y đức ở anh ta thì miễn bình luận. Rất nhiều đồng nghiệp với giáo sư Trí đều xem ông như một tấm gương mẫu mực của người thầy thuốc hết lòng vì nhân dân phục vụ".

Không những thế, ông đã góp phần làm thay đổi diện mạo của ngành huyết học truyền máu Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực miền Bắc, nâng tỷ lệ máu hiến tặng từ người tình nguyện lên, chiếm đa số trong tổng số máu sử dụng trong điều trị cho người bệnh (trước đó chúng ta thường phải mua, nhiều khi lại chỉ tập trung ở một bộ phận người nhất định nào đó nên chất lượng không cao).

Nay, đến tuổi nghỉ quản lý, ông sẽ rời chiếc ghế viện trưởng, lòng rất thanh thản. Ông Trí sẽ có thời gian chuyên tâm làm nhiệm vụ chuyên môn tại viện và tham gia giảng dạy cho lớp trẻ trong trường đào tạo. Tôi nghĩ, ông cũng sẽ có điều kiện làm tốt hơn vai trò của một đại biểu quốc hội nếu ông có thời gian xuống cơ sở, có dịp gần dân nhiều thêm nữa. Được biết, trước đó trong kỳ bầu cử Quốc hội năm 2016, ông là người tự ứng cử duy nhất đắc cử.

14 năm làm lãnh đạo Viện, ông Trí và các cộng sự đã làm thay đổi bệnh viện này với nhiều cải cách mà hiếm có bệnh viện nào làm được: Nâng số giường bệnh lên gấp 3 lần; đưa rất nhiều kỹ thuật mới vào điều trị ung thư máu; thay đổi cách vận động hiến máu với hàng loạt chương trình như "Lễ hội Xuân Hồng", "Hành trình Đỏ"...

GS.TS Nguyễn Anh Trí đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học, công nghệ, là Thầy thuốc Nhân dân vì những đóng góp của mình trong lĩnh vực y tế suốt trên ba chục năm qua và cũng là người rất hy hữu khi được 2 lần vinh danh là "Công dân ưu tú của Thủ đô".

Anh Hùng Vỹ có kể thêm rằng chính anh cũng đã có dịp lên Cao Phong, tỉnh Hoà Bình thăm Trung tâm di sản các nhà khoa học mà giáo sư Trí dày công đứng ra vận động gây dựng. Anh nức nở khen giáo sư Trí về cách đặt vấn đề khi xây dựng nó (giống như bảo tàng). Ông Trí từng kể với bạn tôi rằng xuất phát từ câu chuyện của chính giáo sư Trí khi còn đi học, ông từng bị thầy phê nhằng nhịt đầy chữ là chữ trong luận văn tốt nghiệp. Thế nhưng không hiểu sao mình lại không lưu giữ chúng để kỷ niệm và rút kinh nghiệm cho các nhà khoa học trẻ sau này?

Thế rồi, kho di sản nói trên được hình thành và không chỉ dừng lại ở những nhà y học mà rất nhiều nhà khoa học ở lĩnh vực khác nữa. Nay, Trung tâm đã có cả kho bảo ôn để lưu lại những di cảo là di vật khối và di vật giấy với cả triệu đơn vị trưng bày. Những nét vẽ nguệch ngoạc của giáo sư Tôn Thất Tùng khi hướng dẫn học trò phẫu thuật gan cũng được ông bỏ công sức lưu giữ rất giá trị, gây xúc động cho người thăm quan...

Ngẫm lại chuyện mấy tuần trước khi toà án TP.HCM xét xử vụ án kinh doanh thuốc chữa ung thư gian dối của Công ty dược VN Pharma, tôi thấy thật trớ trêu và sao họ bất nhân đến vậy? Phải thấy đây là hành vi gián tiếp "giết" đi hy vọng sống của người bệnh đang bị thần chết đe doạ, rất đáng bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc để làm gương. Họ cũng đều lấy lời thề của Hypocrate để nguyện thề và hứa sẽ noi theo. Thế nhưng, giữa lời nói với việc làm của họ thì xa vời vợi, đáng lên án.

Ngành y tế hôm nay có rất nhiều thầy thuốc vì nhân dân như giáo sư Anh Trí. Chúng ta không nên hiểu bức tranh ngành y tế một cách u ám quá. Nên chăng, ngành y tế cần tổ chức những buổi sinh hoạt chính trị, nghiệp vụ, y đức rộng lớn để tìm cách lan toả những gương người tốt việc tốt nói trên nhiều hơn, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Người thầy thuốc đồng thời phải như người mẹ hiền!".

Quốc Phong