Phía sau lá đơn xin từ nhiệm của Tổng thanh tra Chính phủ?
Góc bình luận - Ngày đăng : 11:34, 21/10/2017
Tôi nghĩ, việc ông Phan Văn Sáu, Tổng thanh tra Chính phủ, sau gần 2 năm đứng mũi chịu sào ở cương vị Tổng thanh tra, chắc ông phải chịu áp lực như thế nào đó thì mới đệ đơn xin rời khỏi vị trí này. Chúng ta cũng nên cân nhắc khi phân tích, tránh suy luận khi chưa biết kỹ để cho khách quan. Bên cạnh đó, theo tôi thì việc này cũng nên đánh giá cao cách suy nghĩ và đề nghị của ông. Nếu vì sức khỏe, vì công việc quá sức mình, vì không phù hợp hay vì gì gì đó mà xin không tiếp tục đảm trách, âu cũng là chuyện thường tình và cần được tôn trọng.
3 năm còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14, đâu phải ngắn ngủi để làm chiếu lệ khi mà Tổng bí thư đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ, dứt khoát của Đảng: Phải khẩn trương đưa tiếp "củi" vào "lò đốt". Mục tiêu đặt ra là để thiêu rụi mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực trong xã hội bằng mọi biện pháp. Cái "lò" đó đang chất ngồn ngộn "củi". Cả "củi khô" lẫn "chưa thật khô" và cả "củi còn ướt ".
Có lẽ ông Phan Văn Sáu đủ hiểu Thanh tra Chính phủ không thể đứng ngoài cuộc. Nhất là khi người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã và đang quyết tâm cao độ trong việc xây dựng một nhiệm kỳ hoạt động của Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động thì lại càng phải vậy. Không khác được!
Cơ quan Thanh tra Chính phủ từng có nhiều tên gọi khác nhau. Nếu không tính các bậc lãnh đạo tiền bối trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp như cụ Bùi Bằng Đoàn, cụ Tôn Đức Thắng, cụ Hồ Tùng Mậu một lòng vì dân vì nước thì kể từ sau hòa bình 1954, các vị Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân, Bùi Quang Tạo... đều là những tấm gương mẫu mực về chí công vô tư khi phụ trách công tác thanh tra của Chính phủ.
Tiếc rằng trong 3-4 nhiệm kỳ gần đây, hình ảnh những người đứng đầu ngành thanh tra nước nhà xem ra chưa có vị nào được coi như tấm gương mẫu mực như các bậc tiền bối của họ. Trước khi rời nhiệm sở, họ cũng đã để lại những ấn tượng không hay. Đại để như chuyện bổ nhiệm ồ ạt cán bộ trong vòng 6 tháng trước khi rời ghế, chuyện nhà cửa đất đai kê khai chưa trung thực... và nhiều kết quả thanh tra qua nhiều nhiệm kỳ không làm cho người dân an lòng, đảng viên chưa tin tưởng vào bộ máy thanh tra nói chung.
Không có lý gì và không phải vô tình như vừa mới rồi, chuyện ông Nguyễn Minh Mẫn, quyền Vụ trưởng Vụ 3 Thanh tra Chính phủ đã làm cái việc hy hữu: tự tổ chức họp báo. Ông Mẫn đã tự "moi gan ruột" của mình "phanh" ra trước báo chí chỉ để thanh minh một điều: "Tôi là cán bộ thanh tra liêm khiết nhất ngành! (?)".
Việc này đúng đến đâu thì không mấy ai biết nhưng qua đó đã nói lên một điều: trong ngành thanh tra bây giờ chắc có nhiều "chuyện" ít người biết để khui ra mà thôi. Nói như ông Mẫn, chắc ông "là người trong chăn", ông am tường hết, âu cũng có lý!
Rồi cách đây 1 năm, có đám tang của thân phụ một vị lãnh đạo Thanh tra Chính phủ. Theo lẽ thường, cơ quan này sẽ có thông báo nội bộ trong cơ quan mình hoặc ngành mình cùng biết để đến chia buồn với đồng nghiệp. Thế nhưng cái ngành dầu khí bê bối kia, họ lại chả tế nhị tẹo nào và ra một thông báo đến toàn bộ lãnh đạo tập đoàn, trong đó có ghi đầy đủ các đơn vị thành viên của họ biết để đến thăm viếng.
Đành rằng "nghĩa tử là nghĩa tận". Ai có đến viếng thì cũng là việc của người ta, không ai có quyền can thiệp.
Song, như chúng ta đều biết, ngành dầu khí thời điểm đó đã nảy sinh nhiều bê bối. Thanh tra Chính phủ đã và đang vào cuộc. Kết quả thanh tra ngày đó, nếu so với những gì gần đây mà chúng ta nắm được thì xem ra những kết luận ngày đó... nhẹ hều.
Người ta đặt dấu hỏi, phải chăng các quan chức ngành dầu khi đều ân tình với vị quan chức nọ đến vậy sao? Nếu tế nhị ra, mình đã và đang là đối tượng của thanh tra thì có chăng chỉ là rỉ tai nhau để biết mà "lựa", mà "tính" chứ không nên xuất hiện cả bầu đoàn thê tử như thế để nảy sinh đàm tiếu...
Cuốn Cổ học tinh hoa do hai ông Nguyễn Vãn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn đã thâu lượm, giới thiệu với bạn đọc những tinh hoa của nền cổ học phương Đông. Với 250 mẩu chuyện, các tác giả đã đem đến cho người đọc cách nhìn nhận cuộc sống, con người, cách xử sự sao cho phù hợp với từng nơi, từng lúc.
Có thể nói vắn tắt, đó là cuốn sách "dạy làm người", là cái "túi khôn" rất cần thiết không chỉ cho xã hội lúc bấy giờ mà cả hôm nay và về sau.
Cuốn sách có nhắc đến một câu chuyện khá sâu sắc. Chuyện trong bài Quân tử hành của Tào Thực, chỉ có hai câu nhưng rất hay và thâm thúy đến lạ lùng. Nó chỉ rõ cho con người ta cái đạo làm người quân tử: "Qua điền bất nạp lý/Lý hạ bất chỉnh quan".
Thoát nghĩa thì đại ý là "quân tử khi qua ruộng dưa không cúi xuống chỉnh sửa giày, còn qua vườn đào thì không chỉnh sửa nón". Cổ nhân dạy thế để mình biết mà tránh, khiến không ai hiểu nhầm mình (có thể đó là quân tử, là quan lại, là người đàng hoàng trong xã hội...) đang có ý đồ nào đó không tốt.
"Vận" vào chuyện này thì có lẽ vị lãnh đạo ngành thanh tra nọ nên ý tứ nói nhỏ với các "đương sự" của mình xin tránh giúp ông, đừng đến đông quá để tránh bị nghi kỵ. Ngược lại, dù cho các đơn vị của ngành dầu khí có biết và muốn đến viếng thì cũng nên tế nhị. Như thế sẽ có" lợi" và dễ xử cho cả hai...
Gần đây, dư luận xã hội tỏ ra không hài lòng khi họ phải chờ đợi lần lữa mấy kết luận thanh tra của cơ quan ông Sáu. Họ chờ và hy vọng hết tháng này sang tháng khác xung quanh chuyện xây biệt phủ và tài sản của vị giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Yên Bái. Không lẽ một cái chuyện cỏn con như vậy mà kéo dài đến thế sao? Phải chăng nội bộ ngành đang có gì bất ổn mà ông Tổng thanh tra không kiểm soát được?
Đó là chưa nhắc đến mấy chuyện thanh tra vụ này vụ nọ, nó còn lớn tày đình gấp cả ngàn lần như thế nữa kia!
Tất cả cũng chưa được cơ quan ông làm cho "ra môn ra khoai" trong khi mà áp lực của Đảng, của dân đòi hỏi thì thật lớn .
Có lẽ cũng vì cái sự mệt mỏi ấy trong 2 năm ông lĩnh ấn mà ông đã không chịu nổi khi sức khỏe lại có chuyện, muốn thay đổi chỗ khác cho phù hợp?
Người xưa đúc kết "thần thiêng nhờ bộ hạ". Việc Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu xin từ quan trước nhiệm kỳ, tôi cho rằng nó là chuyện bình thường ở người lãnh đạo. Tuy nhiên qua đó, người ta cũng đoán được đôi điều: Việc quản lý một ngành nhạy cảm như nơi đây, khi thuộc hạ đều là của bộ máy cũ với những vị lãnh đạo cũ như tôi điểm qua thì quả thật rất khó có thể giúp ông Sáu làm đến nơi đến chốn!
Quốc Phong