Điện, rác và số phận của người dân

Góc bình luận - Ngày đăng : 14:00, 17/10/2017

Thủy điện cũng như bãi rác có lẽ chung đặc điểm: Lấy lợi ích của số đông làm nền tảng và bắt một bộ phận không nhỏ khác trong cộng đồng phải gánh chịu mọi hậu quả. Sự bất công, vô lý chính là ở chỗ ấy.
Người dân phải leo trốn trên nóc nhà do thủy điện xả lũ - Ảnh: Báo Đất Việt

Đang có những tranh cãi xung quanh việc thủy điện xả lũ gây ngập lụt, chết người. Nghe chừng phía nào cũng cho mình có lý (thì xưa nay mấy ai chịu nhận mình sai khi bộc lộ quan điểm cá nhân), người ngoài lắng nghe và chứng kiến cứ bị quay như chong chóng. Đúng, sai, sai, đúng… chả biết đâu mà lần. Có những vị, đồng thời với việc khẳng định “chân lý” thì dọa, kiểu các ông mà không nghe tôi là tôi chửi đấy.

Phía bênh thủy điện bảo cứ chửi thủy điện cho lắm vào, không có điện thì ngồi trong bóng tối bốc đất mà ăn, không có điện thì xài được máy lạnh, mở được laptop để chém gió chắc, không xả lũ thì đại họa quốc gia chứ đùa à, v.v..

Nói tóm lại, phải có điện. Để có điện thì dù chúng ta phải hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất điện, nhất định không chịu làm nô lệ trong bóng tối.

Phía bênh dân chẳng lý luận gì nhiều (người chết như ngả rạ thế thì lý luận làm gì), chỉ bảo các ông cứ tăng trưởng, phát triển trên sinh mạng dân như thế, thà rằng không có điện. Phá hết cả rừng (một cái hồ chứa nước đã hủy biết bao nhiêu rừng), nước mưa chả còn chỗ thấm để ngậm giữ nước, mùa khô thì trữ nước dùng cho phát điện khiến hạ du cạn kiệt, mùa mưa lũ thì xả khiến nơi nơi ngập lụt, người và vật chết trôi, thân thể vùi lấp khắp nơi, chứ đâu phải hồ chứa làm nhiệm vụ điều tiết điều tiếc gì. Điện bán ra, nhà nước và doanh nghiệp thu tiền chứ có cho không dân chúng ki lô oát nào bao giờ, nhưng lũ lụt, chết chóc, thiệt hại thì dân được miễn phí.

Lại nói tóm lại, với nhóm ý kiến 2, làm điện kiểu vậy thì thà không có còn hơn. Mạng người là quý, điện nào bù lại nổi.

Tôi cũng giống như rất nhiều người, đầu (còn dính) đất, nghe các vị bàn luận mà thấy mệt lắm. Xưa nay tôi hèn kém, tính ba phải, ai nói gì cũng nghe, không muốn mất lòng ông điện, cũng chả muốn mất lòng ông dân, nhưng vụ xả lũ cứu đập đã đẩy tôi đứng về phe nước mắt. Hơn 100 người chết và mất tích, nhiều cái chết tột cùng thương tâm không cho phép chúng ta quên số phận bi thảm của người dân, trong hoàn cảnh lũ lụt cũng như trong mọi chuyện ở xứ này.

Nhắc đến tai họa từ thủy điện, sực nhớ đến tai họa do bãi rác. Cũng na ná vậy. Sẽ có người bảo không có bãi rác thì các người hằng ngày có ăn ngủ trên rác được không. Vâng, chả ai muốn sống chung với rác. Nhưng khi đã biết vậy thì đừng “vô tư” đùn đẩy môi trường ô nhiễm, mùi hôi thối, nước bẩn, cuộc sống bị khủng bố, đảo lộn cho người dân xung quanh bãi rác. Hiện bãi rác Đa Phước ở TP.HCM, cũng như nhiều bãi rác trên khắp cả nước, là vậy. Tôi sống ở huyện Bình Chánh, gần khu bãi rác Đa Phước, tôi biết người dân mấy xã Đa Phước (nơi có bãi rác do ông David Dương đầu tư xây dựng), xã Phong Phú, khu Phú Mỹ Hưng, khu tây huyện Nhà Bè… xung quanh bãi rác khổ sở trăm đường, kéo dài suốt bao năm nay. Rác hôi thối chất lưu cữu như núi, không bị xử lý như chủ đầu tư tuyên bố, mà chủ yếu là chôn lấp, biến cả khu vực nhiều cây số vuông thành vùng đất ô nhiễm nặng nề. Nước rỉ rác thấm vào nước ngầm, chảy vào kênh rạch, ao hồ, ruộng đồng; rác hôi thối bốc mùi từng phút hòa vào không khí, ruồi nhặng nhiều hơn quân Nguyên khiến ăn cơm cũng phải chui vào trong mùng, môi trường sinh thái bị tận diệt, cá tôm không sống nổi, lúa không thể mọc, cây không ra trái, bệnh tật đủ thứ phát sinh. Một người dân nói với phóng viên báo Zing.vn rằng “đời tôi không sống nổi, cứ như thế này thì đời con tôi cũng không sống nổi”, một người khác than thở “xã Đa Phước chúng tôi thật là vô phước”. Sống như thế thì cũng bằng chết. Nói là sống mòn hoặc chết mòn đều đúng cả.

Với bãi rác Đa Phước, chính quyền và nhà đầu tư đã đặt ra những mục đích rất lớn lao, nhưng dường như họ cố ý quên mất cuộc sống của người dân sở tại. Cả thành phố thoát khỏi rác rưởi, chỉ riêng dân Đa Phước và mấy xã xung quanh gánh chịu sự khốn khổ khốn cùng.

Thủy điện cũng như bãi rác có lẽ chung đặc điểm: Lấy lợi ích của số đông làm nền tảng và bắt một bộ phận không nhỏ khác trong cộng đồng phải gánh chịu mọi hậu quả. Sự bất công, vô lý chính là ở chỗ ấy.

Xuân Quỳnh