Sự tưởng thưởng và kỷ luật của xã hội

Góc bình luận - Ngày đăng : 06:46, 13/11/2017

Nếu tưởng thưởng xã hội tỷ lệ nghịch với đóng góp cho xã hội cứ được duy trì công khai trước mắt người dân thì càng về sau thành phần không lương thiện càng lấn át thành phần lương thiện.
Biệt phủ Yên Bái của ông giám đốc sở gây xôn xao dư luận nhiều tháng qua - Ảnh: Internet

Những cảnh tương phản trong xã hội sao ngày càng rõ nét? Cô giáo Trương Thị Lan, người vừa về hưu sau 37 năm làm việc, khóc ngất khi biết mức lương hưu 1.300.000 đồng/tháng. So sánh với những trường hợp đang gây bất bình trong dư luận, như trường hợp ông Phạm Sĩ Quý, chủ nhân biệt phủ ở Yên Bái, thì tài sản của chủ nhân các biệt phủ đã là thiên đường cao khỏi tầm với của cô giáo Lan quá quá xa! Có thể dùng hình tượng so sánh này được chăng: một người ngồi trên máy bay và một người lội bùn?

Cô giáo Lan đại diện cho giới những người làm việc cần cù và lương thiện, tài sản cả đời là căn nhà ọp ẹp. Ông Phạm Sĩ Quý đại diện cho những quan chức có của nổi (chưa kể chìm) là một hay nhiều biệt phủ thênh thang! Tài sản cá nhân của giới thứ hai gấp cả ngàn lần của giới thứ nhất!

Sự tương phản quá lớn về mặt vật chất của hai bên được hưởng cho thấy ít nhất hai điều:

Điều thứ nhất: cả hai bên đều là công chức nhà nước, cho dù mức lương cao thấp khác nhau, thì sự chênh lệch chính đáng có cao ngất trời vậy không?

Điều thứ hai: sự chênh lệch trong thu nhập phải không tương xứng với sự chênh lệch trong đóng góp cho xã hội.

Cô giáo Lan một đời thanh bạch, cần cù dạy mầm non, nếu không làm gì to tát thì ít ra cô cũng làm tròn trách nhiệm một cô giáo hiền lành. Đóng góp của cô là sự giáo dục đầu đời cho các bé, là tấm gương lương thiện và cần mẫn... Cho dù mức độ và phạm vi ảnh hưởng của cô nhỏ hẹp, tôi cho rằng các đóng góp của cô đáng được trân trọng.

Các vị quan chức với tài sản khủng nhạo báng mức thu nhập chân chính, các vị góp phần gì? Quan sát các hành vi, phát biểu và "tấn tuồng xã hội" đã xảy ra, một người đóng thuế nuôi các vị rất dễ nghĩ rằng: các vị góp phần kéo lùi tính trung thực của xã hội; các vị góp phần đẩy lùi tính liêm chính của hệ thống công quyền. Như vậy, các vị góp phần làm các thành viên trong xã hội không tin nhau, và lòng tin của người dân vào sự liêm chính của quan chức đã bị đẩy thấp xuống. Vị trí các vị cao hơn cô Lan nên mức độ và phạm vi ảnh hưởng của các vị lớn hơn, nhưng nếu đóng góp có giá trị âm thì càng lớn càng tai hại cho xã hội!

Ngoài ra, tôi cũng nghi ngờ sự đóng góp của các vị đó về mặt trách nhiệm chuyên môn. Lo kiếm tiền như vậy, có thể các vị tốn nhiều tâm sức cho việc móc nối, chia chác, giành giựt, đấu đá... làm sao còn thì giờ và tinh thần trách nhiệm để suy nghĩ tới phận sự của mình?

Như vậy, sự đóng góp vào xã hội của cô giáo Lan và của những người như cô có giá trị dương, đáng nhận phần tưởng thưởng tương thích. Sự đóng góp vào xã hội của chủ nhân các biệt phủ, và của những người mà ông này đại diện, có giá trị âm, đáng chịu kỷ luật thích đáng.

(Xin mở ngoặc: trường hợp cô Lan cũng có hơi đặc biệt, tuy nhiên các nhà giáo chân chính tại nhiều thành phố lớn ở nước ta cũng chỉ lãnh lương hưu khoảng 4 - 5 triệu đồng một người. Số tiền này so với thu nhập của chủ nhân các biệt phủ chỉ là một hạt cơm so với tô cơm).

Mức tưởng thưởng vật chất dành cho những nhà giáo tận tâm, lương thiện, chân chính và dành cho chủ nhân những biệt phủ cho thấy sự bất hợp lý vì hoàn toàn ngược lại với nguyên tắc đóng góp nhiều, thụ hưởng nhiều, đóng góp ít thụ hưởng ít, và gây hại cho xã hội thì phải chịu kỷ luật. Tôi dùng chữ tưởng thưởng của xã hội bởi vì các quan chức đương vị hay về hưu, khi bị dân chúng phát hiện các biệt thự khủng, thì trong nhiều trường hợp việc “xử lý nghiêm minh và nghiêm khắc” vẫn cho phép các vị tiếp tục ăn trên ngồi trốc và cùng gia đình tận hưởng tài sản thu vén được trong thời gian làm quan chức.

Nếu tưởng thưởng xã hội tỷ lệ nghịch với đóng góp cho xã hội cứ được duy trì công khai trước mắt người dân thì càng về sau thành phần không lương thiện càng lấn át thành phần lương thiện. Điều đó thật khó coi và dẫn đến nhiều hệ lụy.

Muốn xã hội ổn định và phát triển bền vững, phải chăng điều bất hợp lý trong thu nhập kể trên cần được điều chỉnh từ gốc rễ sinh ra nó.

Lê Học Lãnh Vân