Sao không chỉ thị hay ra lệnh?

Góc bình luận - Ngày đăng : 11:24, 07/02/2018

Vừa qua, các báo đài đồng loạt đưa tin “Thủ tướng yêu cầu không dùng xe công đi lễ hội”. Chuyện xưa như trái đất. Năm nào cũng vậy. Hết “Yêu cầu” với vấn nạn này đến “Đề nghị” với tệ nạn khác, mà chẳng ai thực hiện, cứ “Vũ như cẩn” từ năm này sang năm khác. Lạ là chưa ai bị kỷ luật. Cùng lắm thì được nhắc nhở hoặc rút kinh nghiệm.
Thủ tướng yêu cầu không dùng xe công đi lễ hội - Ảnh: nguồn internet

Đem chuyện trao đổi với mấy anh bạn luật sư, họ phá lên cười vì sự ngô nghê của tôi. Bạn bảo, kỷ luật thế nào được vì lãnh đạo chỉ “Yêu cầu” hoặc “Đề nghị”. Theo từ điển tiếng Việt, cả hai từ đều hàm ý vận động, thuyết phục nên nghe và làm hay không là tùy cấp dưới. Có người còn chứng minh là từ nào tới giờ, lãnh đạo Việt Nam mềm mỏng và cưng chiều cấp dưới nhất thế giới. Cái gì cũng phải năn nỉ vận động hoặc tha thiết đề nghị. Cũng như con cái được cưng chiều nên bỏ ngoài tai mọi lời khuyên bảo của ông bà, cha mẹ; cứ làm theo ý mình.

Lãnh đạo các nước không có chuyện đó. Mọi thứ đều trên dưới rạch ròi. Cũng như người tướng chỉ huy khi ra trận. Cái gì luật pháp và cả nội qui đã có sẵn thì hà cớ gì phải yêu cầu hay đề nghị cho thuộc cấp lờn mặt. Tất cả phải “Ra lệnh” hoặc “Chỉ thị” xem có ai dám “Tam vô” (3 không : không nghe, không thấy , không làm)? Trừ khi “Thượng bất chính” thì mới có “Hạ tắc loạn”. Ra trận, trái lệnh có thể bị xử bắn. Trong điều kiện bình thường, chống lệnh là tội nặng nhất, có thể bị cách chức và buộc thôi việc tức thì. Khổ nỗi, lãnh đạo Việt Nam chưa ai dám làm như vậy. Phải chăng đó là thói quen, “văn hóa lãnh đạo” của người Việt. Lâu nay vậy nên không ai dám làm khác?

Lãnh đạo không dám “ra lệnh” hay “chỉ thị”, một phần vì thói quen, một phần vì sợ trách nhiệm cá nhân, có gì chịu mình ên, không biết đổ cho ai. Ở xứ mà làm gì cũng “tập thể”, không qui định trách nhiệm cá nhân cụ thể, lại thiếu cơ quan giám sát độc lập nên mọi việc trong xã hội cứ rối mù như mớ bòng bong. Mọi lỗi lầm cứ đổ cho tập thể chung chung, không ai rõ hình dáng.

Quản trị ở các nước, chỉ có chế độ thủ trưởng. Người đứng đầu quyết định mọi thứ và chịu trách nhiệm trước cộng đồng và pháp luật. Họ đề cao vai trò và trách nhiệm cá nhân của thủ lĩnh. Dĩ nhiên là phải biết lắng nghe và tham khảo ý kiến các cộng sự cũng như người dân. Nếu không sẽ dẫn đến độc tài, độc đoán.

Việt Nam thì tồn tại thêm “chế độ chấp hành” của các đoàn thể chính trị, các hiệp hội nghề nghiệp. Ở đó quyền lãnh đạo thuộc về Ban chấp hành, mà đại diện là Ban Thường vụ và cao nhất là bí thư hoặc chủ tịch. Cốt lõi của chế độ chấp hành là nguyên tắc “Thiểu số phục tùng đa số”. Trong các văn bản của chế độ chấp hành, trên chữ ký ban hành luôn có chữ “TM. Ban Chấp hành”, “TM. Ban Thường Vụ”... Không ai được ký trống không.

Ngược lại, trong chế độ thủ trưởng, người đứng đầu ký tên trực tiếp, không có chữ “thay mặt” vì thực tế pháp luật đã xác lập chuyện đó. Trong các cơ quan, đơn vị nhà nước, cả hành chánh, dịch vụ lẫn kinh doanh; các công ty, các trường học, bệnh viện… đều thực hiện chế độ thủ trưởng. Không có cái gọi là “Ban giám đốc” hay “Ban giám hiệu”. Các cấp phó là người giúp việc cho cấp trưởng chứ không phải là cấp lãnh đạo. Khi ký tên văn bản, cấp phó phải được cấp trưởng ủy quyền bằng văn bản và phải có chữ “KT” – ký thay giám đốc, hiệu trưởng hay thủ trưởng đơn vị. Nếu không, các chữ ký của cấp phó không có giá trị pháp lý.

Việc rạch ròi và đơn giản như vậy nhưng không ít cán bộ, kể cả lãnh đạo chưa phân biệt được. Không ít văn bản, cấp phó vẫn ngang nhiên thay mặt tập thể, thay vì ký thay cấp trưởng. Không ít văn bản và đơn từ vẫn dùng danh xưng “Ban giám đốc”, “Ban giám hiệu”… Luật Việt Nam qui định, một số văn bản, cấp phó chính quyền được thay mặt cấp trưởng ký. Sao lại rối rắm như thế mà không thống nhất và giản đơn như các nước?

Nhiều lúc đọc văn bản mà tức anh ách. Có chuyện “nước sôi, lửa bỏng” mà cứ đủng đỉnh yêu cầu, nhẩn nha đề nghị. Bão đang đổ bộ vào đất liền, gió giật cấp 11, 12 nhưng công điện người đứng đầu vẫn cứ “Đề nghị các tỉnh thành…”, “Yêu cầu các bộ, ban ngành”… Đánh giặc mà như thế thì không thể chiến thắng. Đừng than vãn thực trạng “Trên bảo, dưới không nghe” hoặc “Phép vua thua lệ làng”. Có lệnh đâu mà nghe, chỉ yêu cầu và đề nghị nhẹ nhàng thôi mà. Đã ra lệnh là cấp dưới phải thực hiện. Nếu thấy sai, được quyền có ý kiến và bảo lưu chứ không thể chống lệnh. Cấp dưới làm sai thì cấp trên phải chịu trách nhiệm vì cấp dưới chỉ là người thực hiện chứ không đổ cho cấp dưới, “tại” và “bị” đủ thứ, ngoài cá nhân mình.

Việc sử dụng xe công vào việc riêng, nhất là dịp lễ hội là vi phạm pháp luật. Đảng, đoàn, hội có thể vận động, thuyết phục nếu chưa có qui định nghiêm cấm thành viên làm việc đó. Nếu có, thì cứ chế tài theo điều lệ. Còn Nhà nước thì phải ra lệnh CẤM DÙNG XE CÔNG VÀO VIỆC RIÊNG, không chỉ dịp lễ hội. Khi thủ tướng, người đứng đầu chính phủ ra lệnh, chắc chắn không ai dám trù trừ hoặc chống lệnh. Làm vậy chẳng khác nào tự kỷ luật và tự cách chức. Chống lệnh là xử lý ngay. Lãnh đạo càng cao, càng phải nêu gương, càng phải nghiêm minh với chính mình.

Năm mới, mọi thứ cần phải mới thật sự, từ tư duy đến hành động. Hy vọng từ năm 2018, những công điện kiểu này sẽ không còn nữa.

Mong lắm thay.

Nguyễn Văn Mỹ