Tiếp tục phong tỏa, ngăn chặn giao dịch đứng tên ông Trần Bắc Hà

Sự kiện - Ngày đăng : 22:42, 02/11/2020

Theo HĐXX, các tài sản đã kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch đứng tên ông Trần Bắc Hà và các tài sản khác có liên quan đến quyền lợi của ông Hà cần tiếp tục kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch để trừ vào nghĩa vụ hoàn trả của Công ty Bình Hà với BIDV.

Trong phần tuyên án chiều 2.11, HĐXX TAND TP.Hà Nội đã nêu rõ trách nhiệm của ông Trần Bắc Hà. Cụ thể, đối với việc cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà, theo HĐXX, ông Hà đã lợi dụng vị trí là Chủ tịch BIDV, làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh để đề nghị cấp phép cho dự án; chỉ đạo BIDV chi nhánh Hà Tĩnh, Tổ thẩm định chung và các bộ phận khác của BIDV Hội sở phải đề xuất cho Công ty Bình Hà vay.

Bên cạnh đó, ông Hà cũng dùng ảnh hưởng của mình đề áp đặt các thành viên khác trong HĐTV của BIDV phải duyệt, cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà để BIDV chi nhánh Hà Tĩnh phải các ký hợp đồng cho Công ty Bình Hà vay; nhiều lần chỉ đạo nới lỏng các điều kiện cho vay đối với Công ty Bình Hà; ký thông báo cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà. Trong quá trình giải ngân, HĐXX nhận định ông Hà còn nhiều lần gây sức ép để buộc BIDV Hà Tĩnh phải tiếp tục giải ngân ngay cả khi Công ty Bình Hà có vi phạm các chính sách cho vay.

Do có các sai phạm nêu trên, ông Hà đã bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố bị can để điều tra; tuy nhiên, trong quá trình điều tra, ông Hà đã tử vong vì lý do bệnh lý, vì vậy Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với Trần Bắc Hà.

bidv-3-.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: N.A

Đối với việc cấp hạn mức tín dụng năm 2011 và phát hành L/C theo món cho Công ty Trung Dũng, HĐXX nhận định ông Hà đã dùng ảnh hưởng của mình buộc BIDV chi nhánh Hà Thành phải đề xuất cấp hạn mức tín dụng cho Công ty Trung Dũng khi công ty không đủ điều kiện; ký các Thông báo chấp thuận phê duyệt cấp hạn mức tín dụng 700 tỉ đồng năm 2011 cho Công ty Trung Dũng; gây sức ép để buộc BIDV chi nhánh Hà Thành phải giải ngân cho Công ty Trung Dũng khi không đáp ứng điều kiện cho vay.

Ngoài ra, ông Trần Bắc Hà còn có bút phê chỉ đạo BIDV chi nhánh Hà Thành thực hiện đề xuất phát hành L/C cho Công ty Trung Dũng trước khi chi nhánh và các Ban của Hội sở báo cáo, đề xuất là ngược với quy trình cấp tín dụng của BIDV…

Từ các phân tích trên, HĐXX xác định ông Trần Bắc Hà phải chịu trách nhiệm chính trong việc để xảy ra sai phạm dẫn đến hậu quả mất vốn của BIDV. Mặc dù ông Hà đã chết, không bị xem xét trách nhiệm hình sự nữa nhưng trong vụ án này ông Hà bị xác định là người có hành vi vi phạm pháp luật gây hậu quả làm thiệt hại cho BIDV.

Vì vậy, các tài sản đã kê biên, phong tỏa ngăn chặn giao dịch đứng tên ông Trần Bắc Hà và các tài sản khác có liên quan đến quyền lợi của ông Hà cần tiếp tục kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch để trừ vào nghĩa vụ hoàn trả của Công ty Bình Hà với BIDV. Nếu sau khi thanh toán xong cho Công ty Bình Hà còn tài sản thì được trừ vào nghĩa vụ hoàn trả của Công ty Trung Dũng với BIDV. Do ông Hà đã chết nên các nghĩa vụ về tài sản của ông Hà được thực hiện theo quy định cùa Điều 615 Bộ luật dân sự...

Bên cạnh đó, HĐXX cũng nêu rõ hành vi của Trần Duy Tùng (con trai ông Trần Bắc Hà) bị xác định là vi phạm pháp luật, do Tùng đang bỏ trốn nên chưa xem xét trách nhiệm hình sự trong bản án này nhưng các tài sản đã kê biên, phong tỏa của Tùng được HĐXX yêu cầu tiếp tục kê biên, phong tỏa để bảo đảm việc bồi thường của Công ty Bình Hà cho BIDV. Điều này cũng được áp dụng cho Thái Thành Vinh.

123145870_729323544346111_1284725949089275660_n.jpg
Chiều 2.11, HĐXX TAND TP.Hà Nội đã tuyên bản án sơ thẩm đối với các bị cáo - Ảnh: N.A

Công ty Bình Hà phải hoàn trả cho BIDV hơn 1.200 tỉ đồng

Về trách nhiệm dân sự trong việc cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà, theo HĐXX, Công ty Bình Hà phải hoàn trả cho BIDV số tiền hơn 1.200 tỉ đồng và các khoản tiền lãi phát sinh theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp Công ty Bình Hà không thanh toán được các khoản tiền trên, BIDV được áp dụng các biện pháp thu hồi nợ theo quy định của pháp luật và theo các hợp đồng thế chấp đã ký giữa BIDV với Công ty Bình Hà.

Đối với các bị cáo khác tại BIDV, gồm Trần Lục Lang, Đoàn Ánh Sáng, Kiều Đình Hòa, Lê Thị Vân Anh có hành vi vi phạm quy định về cho vay nhưng HĐXX nhận định các bị cáo trên đều làm theo sự chỉ đạo của ông Hà, mong muốn các khoản cho vay có hiệu quả, không nhằm hưởng lợi cá nhân do đó không buộc các bị cáo này phải bồi thường cho BIDV.

Liên quan đến khoản cấp hạn mức tín dụng và phát hành L/C theo món, tính đến nay Công ty Trung Dũng còn nợ BIDV chi nhánh Hà Thành số tiền hơn 860 tỉ đồng. Trong đó, HĐXX cho biết số tiền BIDV giải ngân cho Công ty Trung Dũng theo hợp đồng hạn mức tín dụng là hơn 600 tỉ đồng; Công ty Trung Dũng đã sử dụng số tiền trên vào mục đích kinh doanh, đến nay chưa thanh toán cho ngân hàng. Vì vậy, cần buộc Công ty Trung Dũng do bị cáo Đoàn Hồng Dũng là người đại diện hợp pháp phải hoàn trả số tiền trên cho BIDV.

Đối với số tiền hơn 260 tỉ đồng là khoản phát hành L/C theo món, các bị cáo Đoàn Hồng Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn đã chiếm đoạt nên HĐXX buộc các bị cáo trên phải bồi thường cho BIDV.

Nhã Thanh