Ấn Độ kêu gọi người dân xài đường nhiều hơn

Thông tin Y học - Ngày đăng : 08:42, 03/11/2020

Trong lúc thế giới cảnh báo về tác động xấu của đường với sức khỏe, Ấn Độ - quốc gia tiêu thụ đường số 1 - lại cố thuyết phục người dân ăn nhiều chất làm ngọt này hơn nữa.

Các nhà máy đường tại Ấn Độ xem gia tăng tiêu thụ là cách giải quyết tình trạng dư thừa nguồn cung kinh niên ở nước này. Ngoài ra chi phí sản xuất cao khiến họ khó bán đường ra thị trường bên ngoài nếu không có trợ cấp.

rk_sugar_021120.jpg
Nhờ trợ cấp chính phủ, Ấn Độ trong giai đoạn 2019 - 2020 xuất khẩu đến 5,65 triệu tấn đường - Ảnh: Reuters

Để thúc đẩy sức mua, các nhà máy tổ chức hẳn một chiến dịch trực tuyến với nhiều buổi hội thảo có bác sĩ dinh dưỡng cùng chuyên gia y tế công chia sẻ kiến thức chuyên môn.

Theo Hiệp hội Nhà máy đường Ấn Độ: “Đường là nguồn năng lượng ưa thích của cơ thể, cung cấp năng lượng cho não bộ, cơ bắp và bất cứ quá trình tự nhiên giúp tế bào hoạt động bình thường nào. Calorie trong đường giống như calorie trong thực phẩm khác, chỉ khi không được sử dụng hay nạp vào quá nhiều mới gây tăng cân”.

Hiệp hội xác định quan điểm chất làm ngọt từ mía không tốt cho sức khỏe lan truyền trên mạng xã hội khiến mức tiêu thụ tại Ấn Độ chỉ ở 19 kg/người/năm – thấp hơn mức trung bình toàn cầu 23 kg/người/năm.

Quan chức Bộ Nông nghiệp Ấn Độ Sudhanshu Pandey cho biết nếu mức tiêu thụ đạt bằng trung bình toàn cầu, nhu cầu nội địa sẽ tăng 5,2 triệu tấn mỗi năm – giúp giảm nguồn cung dư thừa, giảm lượng hàng phải bán ra nước ngoài, tiết kiệm tiền cho chính phủ (không cần trợ cấp nữa).

white-sugar-export-in-india-770x433.jpg
Ấn Độ muốn tăng sức mua đường nội địa - Ảnh: Money Control

Không chỉ giữ vị trí nước tiêu thụ đường hàng đầu, Ấn Độ còn là nhà sản xuất đường lớn thứ hai thế giới. Quốc gia Nam Á trong giai đoạn 2019 - 2020 xuất khẩu đến 5,65 triệu tấn, nhưng hình thức trợ cấp bị Úc, Brazil, Guatemala phản đối mạnh mẽ.

Sản lượng đường dự kiến tăng 13% do thời tiết thuận lợi cho việc trồng trọt, nên các nhà máy đặt mục tiêu xuất khẩu 6 triệu tấn trong giai đoạn 2020 - 2021.

Cẩm Bình