Nhiều trẻ dưới 15 tuổi đã sử dụng thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV

Sự kiện - Ngày đăng : 13:46, 03/11/2020

Có đến 10 trẻ em dưới 15 tuổi sử dụng thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV (PrEP), còn số trẻ dưới 16 tuổi sử dụng dịch vụ này lên đến 53 người…

Chia sẻ tại Hội thảo điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) giai đoạn 2018-2020 và kế hoạch năm 2021, ông Nguyễn Hữu Hải – Cục Phòng chống HIV/ AIDS (Bộ Y tê) cho biết đến nay đã có 27 tỉnh, thành tham gia chương trình PrEP, với hơn 12.000 người đăng ký sử dụng PrEP. Trong số những người đăng ký sử dụng PrEP có rất nhiều trẻ em chưa đầy 15 tuổi. Cụ thể có 10 trẻ em dưới 15 tuổi đăng ký sử dụng PrEP; 53 trẻ em dưới 16 tuổi đăng ký sử dụng PrEP, trong đó có 47 nam, 6 nữ. Những người trong độ tuổi 20 đến 24 tuổi sử dụng PrEP cao nhất lên đến 3.992 người, kế đến là độ tuổi từ 25 đến 29 tuổi có 3.915 người, độ tuổi từ 30 đến 34 là 2.267 người, độ tuổi 35 đến 39 là 1.197 người…

nhieu-tre-duoi-15-tuoi-da-su-dung-thuoc-du-phong-phoi-nhiem-hiv-hinh-anh(1).png
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long – Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS chia sẻ tại Hội thảo điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) giai đoạn 2018-2020 và kế hoạch năm 2021- Ảnh: PV

Trong năm 2020 này do tình hình dịch COVID-19, Cục phòng chống HIV/AIDS đã phải áp dụng linh hoạt nhiều giải pháp để đảm bảo nhóm đích vẫn có thể tiếp tục tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu, trong đó có dịch vụ HIV như PrEP. Do đó, số người đăng ký sử dụng PrEP mới vẫn cao.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long – Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS cho rằng PrEP là vắc xin rất hiệu quả đối với căn bệnh HIV.

"Trong 2 năm qua, nhờ PrEP đã giúp cho hơn 700 người thoát khỏi mắc bệnh HIV/AIDS. Vì vậy, chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa dịch vụ PrEP ra nhiều tỉnh, thành và tăng số người đăng ký sử dụng PrEP. Mục tiêu là đến năm 2030 Việt Nam sẽ chấm dứt đại dịch HIV/AIDS, không còn người lây nhiễm”, ông Long nói.

Tuy nhiên, theo Cục phòng chống HIV/AIDS nhiều địa phương triển khai PrEP còn nhiều bỡ ngỡ, nhiều nơi chưa hiểu được tầm quan trọng của điều trị PrEP, đặc biệt khi nguy cơ lây nhiễm HIV chủ yếu được dự báo là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Sự thiếu hụt kiến thức về PrEP và cộng đồng sử dụng PrEP ở cả người nhận dịch vụ và người cung cấp dịch vụ.

Bên cạnh đó, là sự lúng túng trong triển khai và phối hợp giữa các hoạt động tạo cầu với cung cấp dịch vụ; cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP chưa thân thiện, chưa phù hợp với quần thể (MSM) và quan hệ tình dục người chuyển giới (TG), kết nối với nhóm CBO còn yếu; sự kỳ thị, tự kỳ thị còn lớn, nhiều nơi chưa tiếp nhận được nhóm quần thể đích: MSM, TG.

nhieu-tre-duoi-15-tuoi-da-su-dung-thuoc-du-phong-phoi-nhiem-hiv-hinh-anh1.png
Hoạt động tư vấn về Chương trình dự phòng phơi nhiễm HIV (PrEP)- Ảnh: PV

Do đó, Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết, trong thời gian tới, các tỉnh, thành cần xây dựng ngay kế hoạch triển khai PrEP năm 2021 phù hợp với địa phương; mở rộng cung cấp dịch vụ phù hợp với các nhóm khách hàng; tổ chức các hoạt động phối hợp giữa tạo cầu và cung cấp dịch vụ nhằm tăng tiếp cận, tăng thấu hiểu giữa người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ; phối hợp với Sở giáo dục đào tạo tổ chức các sự kiện cho các nhóm học sinh phổ thông trung học; tập huấn về kiến thức PrEP cho cả CBO và người cung cấp dịch vụ.

“Chúng tôi sẽ tăng cường thực hiện chiến lược tiếp cận đối tượng nguy cơ cao, tư vấn xét nghiệm HIV, các trường hợp xét nghiệm âm tính kết nối với điều trị PrEP; tăng cường phối hợp chặt chẽ và kết nối chuyển đổi khách hàng hiệu quả từ các cơ sở cung cấp dịch vụ mà khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV đến điều trị PrEP và nâng cao chất lượng điều trị PrEP”, ông Long cho biết.

Hồ Quang