Bệnh viện Truyền máu huyết học hù dọa, ép bệnh nhân ký cam kết sử dụng thuốc?

Sự kiện - Ngày đăng : 18:16, 05/11/2020

Nhiều gia đình bệnh nhân tỏ ra bức xúc trước việc Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM ép ký cam kết chịu trách nhiệm sử dụng thuốc bảo hiểm y tế, thậm chí hù dọa và bắt người nhà bệnh nhân ký những nội dung bác sĩ ở đây tư vấn có lợi cho bệnh viện.

Ép bệnh nhân ký cam kết chịu trách nhiệm về thuốc

Mới đây, thân nhân bệnh nhân đang điều trị bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) tại Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM đã có đơn cầu cứu gửi Bộ Y tế về việc bệnh viện này ép người nhà bệnh nhân ký cam kết chịu trách nhiệm khi sử dụng thuốc bảo hiểm y tế; bác sĩ tư vấn rồi hù dọa, ép người nhà bệnh nhân ký vào một bản tư vấn mà bệnh viện đã soạn sẵn có lợi cho mình trong việc cung cấp thuốc sau này. Đây là một hành động rất kỳ lạ trong việc khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc bảo hiểm y tế ở bệnh viện này.

benh-vien-truyen-mau-huyet-hoc-hu-hoa-ep-benh-nhan-ky-cam-kt-su-dung-thuoc-hinh-anh(1).png
Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, nơi xảy ra vụ việc bệnh nhân tố cáo bị hù dọa, bị ép ký cam kết sử dụng thuốc - Ảnh: PV

Theo nhiều gia đình bệnh nhân đang điều trị bệnh tan máu bẩm sinh tại Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, cứ mỗi lần quay lại cấp thuốc Exjade 250mg (thuốc thải sắt dành cho bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh) sau thời gian đổi sang một loại thuốc rẻ tiền thì Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM bắt bệnh nhân phải ký cam kết chịu trách nhiệm khi sử dụng thuốc Exjade 250mg.

Ông N.V.H. (61 tuổi, ngụ quận Phú Nhận, TP.HCM) cho biết con ông điều trị căn bệnh tan máu bẩm sinh ở đây đã 20 năm, nhưng mấy năm gần đây bệnh viện này thường xuyên thay đổi thuốc rẻ tiền, từ thuốc Exjade 250mg với giá hơn 190.000 đồng/viên sang thuốc Duritex 500mg, chỉ có giá bằng 1/2 so với thuốc Exjade 250mg, đặc biệt mới đây còn đổi sang thuốc Deferox 500mg rẻ hơn 14 lần so với Exjade 250mg.

Tuy nhiên, điều đáng nói cứ sau mỗi lần gia đình bệnh nhân phản ứng, báo chí phản ánh và Sở Y tế TP can thiệp, bệnh viện này quay trở lại cấp thuốc Exjade 250mg đều buộc bệnh nhân phải ký cam kết. Trong cam kết này, bệnh viện buộc người bệnh phải chịu trách nhiệm về những tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra, không được thắc mắc, khiếu nại về sau.

"Tôi không hiểu bệnh viện có động cơ gì mà cứ mỗi lần cấp lại thuốc Exjade 250mg lại bắt tất cả bệnh nhân phải ký cam kết. Trong cam kết ngoài buộc bệnh nhân phải chịu trách nhiệm, chấp nhận tác dụng phụ của thuốc Exjade 250mg còn ràng buộc bệnh nhân khi hết thuốc Exjade 250mg phải sử dụng thuốc khác, còn không thì chuyển bệnh viện. Đây có phải là chiêu trò để trong thời gian tới bệnh viện tiếp tục cắt thuốc nữa”, ông H.bức xúc nói và cho biết, điều này chẳng khác gì bệnh viện đuổi khéo chúng tôi, nếu như không chấp nhận dùng thuốc khác.

Theo bà B.T.P.O. (ngụ Tiền Giang), người có con trai 13 tuổi đang điều trị bệnh tan máu bẩm sinh tại Bệnh viện Truyền máu huyết học, từ nhiều năm qua, thuốc Exjade 250mg là loại thuốc thải sắt rất tốt cho bệnh nhân, nhưng không hiểu sao bệnh viện cứ tìm cách “gạt” loại thuốc này ra không cho bệnh nhân dùng. “Việc bệnh viện bắt bệnh nhân ký cam kết sử dụng thuốc Exjade 250mg là điều rất vô lý. Tại sao chúng tôi phải cam kết chịu trách nhiệm khi sử dụng thuốc Exjade 250mg, nhất là chịu trách nhiệm về tác dụng phụ, biến chứng cũng như giá cả của thuốc thay đổi. Lần này, bệnh viện còn “gài” bệnh nhân vào cam kết, nếu vì lý do nào đó hết thuốc Exjade 250mg thì phải sử dụng thuốc khác, còn không thì chuyển viện”, bà O. Thắc mắc.

Bác sĩ tư vấn cũng bắt bệnh nhân ký cam kết

Bên cạnh đó, ông H. còn cho biết, ông bị bác sĩ N.T.H.H. (trưởng Khoa khám bệnh) hù dọa, ép ông phải ký cả vào bản tư vấn. Đây là bản tư vấn mà bệnh viện này soạn sẵn, bác sĩ H. tư vấn rồi yêu cầu ông phải ký. Những điều mà bác sĩ H. tư vấn là thắc mắc của ông về việc bệnh viện này không cấp thuốc Exjade 250mg chuyển sang cấp thuốc rẻ tiền đến 14 lần là thuốc Deferox.

Trong nội dung tư vấn, bệnh viện lý giải việc không cấp thuốc Exjade 250mg là do “đứt hàng”, giờ đã có thuốc nên cấp lại. Tuy nhiên, thời gian tới thuốc này có thể bị tạm ngưng, hoặc ngưng vĩnh viễn do “đứt hàng” hoặc do nhà sản xuất không sản xuất nữa, bệnh nhân phải dùng thuốc khác, nếu không thì bệnh viện sẵn sàng cho chuyển viện. Đặc biệt, trong nội dung tư vấn này, bác sĩ H. còn nhấn mạnh, việc cấp trở lại thuốc Exjade 250mg là do thuốc này đã có trở lại, chứ không phải do sức ép của một tờ “báo lá cải” nào. “Tôi thấy những nội dung tư vấn trên ngụ ý sẽ thay đổi thuốc khác bất cứ lúc nào, nhất là thuốc rẻ tiền, kém hiệu quả, với lại đây chỉ là tư vấn nên đã không đồng ý ký. Lúc này bác sĩ H. hù họa và nói: “Nếu anh không ký lần sau không phải tôi làm việc mà là bộ phận pháp chế đại diện pháp luật sẽ làm việc với anh”. Nói thật lúc đó tôi rất lo sợ. Tôi cảm giác mình giống như tội phạm đang đứng trước mặt người thực thi pháp luật”, ông H. phân trần.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Một Thế Giới đã liên lạc với BS.CK 2 Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, ông Dũng cho biết sự việc trên bệnh viện đã nhận thông tin từ Sở Y tế TP.HCM qua khiếu nại của bệnh nhân, nhưng từ chối trả lời về vấn đề này.

Liên quan đến việc bệnh viện buộc bệnh nhân phải ký cam kết khi nhận thuốc bảo hiểm y tế, ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết, đây là việc làm hoàn toàn sai. Theo quy định luật Bảo hiểm y tế và các thông tư hướng dẫn là căn cứ vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế, bệnh viện cung ứng thuốc cho các bệnh nhân đầy đủ, chứ không bắt cuộc cam kết điều gì cả. Thuốc trong danh mục bảo hiển y tế thì bệnh viện cung ứng và chi trả.

“Bệnh nhân không có cam kết gì cả, bác sĩ chỉ định thuốc cho bệnh nhân sử dụng thì bác sĩ phải chịu trách nhiệm, chứ người bệnh có biết gì mà chịu trách nhiệm để buộc phải ký cam kết”, ông Mến nói.

Hồ Quang