Vàng kém hấp dẫn, tiền đổ mạnh vào thị trường chứng khoán
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 05:15, 06/11/2020
Thanh khoản thị trường lập ‘đỉnh’
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), từ đầu năm đến nay, mặc dù nhà đầu tư nước ngoài bán ròng song thanh khoản thị trường chứng khoán vẫn liên tục tăng mạnh.
Cụ thể, chỉ tính riêng tháng 10, tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt hơn 9,07 tỉ cổ phiếu với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 181.130 tỉ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng lần lượt 23% về khối lượng và 30% về giá trị so với tháng 9.
Đáng chú ý, thanh khoản thị trường trong tháng 10 đã đạt hơn 8.230 tỉ đồng/phiên và khối lượng giao dịch đạt trên 412,4 triệu cổ phiếu/phiên, cao hơn 49% so với giá trị giao dịch bình quân 10 tháng năm 2020.
Không những vậy, trong tháng 10, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 45.790 tỉ đồng, chiếm 12,64% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Mặc dù nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng với giá trị hơn 7.230 tỉ đồng nhưng các chỉ số chứng khoán của HoSE vẫn tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng.
Không riêng gì HoSE, tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 10, toàn thị trường Upcom có hơn 813,8 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tương ứng giá trị giao dịch 11.400 tỉ đồng. Tính bình quân, giá trị giao dịch trên Upcom đạt hơn 518,5 tỉ đồng/phiên, tăng 19,59% so tháng 9.
Số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cũng cho thấy 9 tháng đầu năm 2020, các nhà đầu tư trong nước đã mở mới gần 253.000 tài khoản, nhiều hơn 64.000 tài khoản so với cả năm 2019. Trong số này, lượng tài khoản mở mới kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát (từ tháng 3.2020 tới nay) lên tới gần 225.000 tài khoản.
Thị trường sẽ tiếp đà hồi phục
Theo Công ty Chứng khoán KB (KBSV), nguyên nhân chính giúp dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán dồi dào trong thời gian qua là do các kênh đầu tư chính khác hiện nay đều đang trở nên kém hấp dẫn.
Trong đó, lãi suất huy động giảm xuống mức thấp; giá vàng đang dao động quanh mức cao so với lịch sử và chênh lệch khá lớn so với vàng thế giới. Kênh bất động sản cũng có thanh khoản suy yếu do dịch COVID-19. Còn kênh trái phiếu doanh nghiệp bị siết lại vì Nghị định 81 có hiệu lực vào đầu tháng 9.
Không những vậy, KBSV nhìn nhận thị trường chứng khoán hồi phục mạnh còn nhờ vào thành công của Việt Nam trong việc chống đỡ làn sóng COVID-19 thứ 2 mà không làm tê liệt hoạt động kinh tế của cả nước, cùng với kỳ vọng Việt Nam từng bước mở cửa biên giới trở lại.
Cạnh đó, chính sách tiền tệ nới lỏng được đẩy mạnh trên phạm vi toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam đã hỗ trợ sự hồi phục của thị trường. Hiệp định thương mại tự do EVFTA được thông qua cũng giúp thị trường kỳ vọng vào khả năng thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng vào hiệu quả của các chính sách tài khóa mở rộng của Chính phủ, bao gồm việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, giảm thuế.
Trong những tháng còn lại của năm 2020, KBSV cho rằng các yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục được duy trì. Vì vậy, nhiều dư địa tiếp tục hỗ trợ sự tăng giá của các chỉ số chứng khoán vẫn còn. Tuy nhiên, sự tăng giá sẽ không quá dồi dào do còn nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn như dịch COVID-19 quay trở lại, bầu cử tại Mỹ, căng thẳng Mỹ - Trung, kinh tế và doanh nghiệp trong nước phục hồi chậm hơn dự kiến…
Khi mà niềm tin vĩ mô tiếp tục được củng cố, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp giúp dòng tiền mới dồi dào, vấn đề room ngoại có tín hiệu sớm được giải quyết, các nước tiếp tục mở cửa kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến ổn định…, KBSV cho rằng chứng khoán Việt Nam có thể tiếp tục đà hồi phục.