Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam triển khai 5G không chậm

Sự kiện - Ngày đăng : 11:10, 06/11/2020

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết việc triển khai 5G tại Việt Nam không chậm.

Việt Nam không chậm chân với 5G

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (tỉnh An Giang) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ TT-TT việc triển khai công nghệ 5G tại Việt Nam có bị chậm so với các nước không và hiệu quả đầu tư?

5g.jpg
Chất vấn tại kỳ họp 

Trả lời cầu hỏi này, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết việc triển khai 5G tại Việt Nam không chậm. Năm 2019 thử nghiệm kỹ thuật, năm 2020 thử nghiệm thương mại và 2021 triển khai diện rộng.

“Mạng 2G chúng ta đi cùng nhịp thế giới nhưng 3G, 4G chậm hơn 7-8 năm. Chúng ta triển khai mạng 5G theo pha trước hết ở thành phố lớn, khu đông người, khu công nghiệp, trường đại học, dựa trên hạ tầng mạng 4G. Bộ đã đề nghị doanh nghiệp xây dựng phương án về dùng chung cơ sở và thiết bị. Làm mạng 5G đồng thời tắt mạng 2G, 3G. Khi triển khai diện rộng sẽ có thiết bị 5G của Việt Nam sản xuất”, ông Hùng nói.

Thiếu nguồn cung nhà ở xã hội

Trả lời câu hỏi của Đai biểu Nguyễn Tạp (Lâm Đồng) về nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết yêu cầu phát triển nhà ở xã hội rất lớn, theo tính toán đến năm 2020 cần 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội.

Đảng, Nhà nước luôn luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách phát triển, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chương trình riêng, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, miễn giảm tiền sử dụng đất, một số loại thuế, trợ giúp đầu tư hạ tầng cho các dự án nhà ở xã hội.

Với địa phương có chính sách hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà ở xã hội. Với sự cố gắng rất cao của các địa phương, đã xây dựng 5, 2 triệu m2 nhà ở xã hội, trong đó 2,8 triệu m2 cho người thu nhập thấp và 2,3 triệu m2 cho công nhân. Kết quả đạt được rất cố gắng nhưng còn thấp so với yêu cầu, mới giải quyết 41,5% yêu cầu.

Hạn chế, tồn tại vướng mắc lớn nhất là thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, do cơ chế chính sách chưa đủ mạnh khuyến khích các nhà đầu tư, thủ tục, chính sách còn nhiều bất cập và thiếu nguồn vốn hỗ trợ người mua nhà ở theo quy định của pháp luật, theo quy định cần dành 9 nghìn tỉ nhưng nay mới được 4 nghìn tỉ.

Nhiều địa phương chưa bố trí đủ quỹ đất, chưa quan tâm xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án nhà ở xã hội và chưa quyết liệt cải cách thủ tục hành chính.

Giải pháp thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng có nhiều chỉ đạo và nhiều giải pháp đang thực hiện. Trước hết, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và diện tích tối thiểu căn hộ 45m2, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Chính phủ cũng rất quan tâm đầu tư cho người dân vay vốn. Các địa phương quan tâm đầu tư bố trí quỹ đất, hạ tầng…

"Chúng tôi thấy cần xử lý thêm một số giải pháp căn cơ: Rà soát, bổ sung các quy hoạch, tạo điều kiện cấp phép các dự án; bố trí đủ quỹ đất, hiện nay nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn nhưng chưa bố trí đủ, tăng cường đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào dự án; tới đây sẽ sửa đổi căn bản Nghị định 100 tạo cơ chế đột phá hơn cho doanh nghiệp, người dân mua nhà ở xã hội", ông Hà nói.

Ông Hà cũng cho biết đang báo cáo Chính phủ hỗ trợ nhà ở giá thấp có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán đến 15 triệu đồng/m2. Hiện cơ cấu nhà ở đô thị có diện tích nhỏ và giá dưới 1 tỉ đồng rất khan hiếm.

Bộ GD-ĐT không dùng 16 triệu USD của WB

Ông Nguyễn Lân Hiếu cũng đặt câu hỏi cho Bộ GD-ĐT về nguồn ngân sách Nhà nước và tiền vay từ Ngân hàng Thế giới để thực hiện chương trình đổi mới giáo dục phổ thông, biên soạn sách giáo khoa (SGK), tài liệu, sách tập huấn.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết chi phí xây dựng chương trình, SGK đến nay Bộ GD-ĐT không sử dụng khoản ODA của Ngân hàng Thế giới (hơn 16 triệu USD) dùng để biên soạn SGK theo Nghị quyết 122 của Quốc hội như kế hoạch ban đầu.

Thời gian tới Bộ GD-ĐT tiếp tục thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK, tăng cường kiểm soát chất lượng, trừ trường hợp không có bộ sách nào thì Bộ sẽ tổ chức biên soạn theo Nghị quyết của Quốc hội. Đối với xây dựng chương trình giáo dục mới thì đã chi tiêu khoảng 12 triệu USD. Sau khi rà soát loại trừ những hoạt đọng, chi phí khoogn thiết thực, hiệu quả, Bộ GD-ĐT đã trả lại ngân sách 29,7 triệu USD.

Vi phạm môi trường nhiều nhưng chưa khởi tố được pháp nhân nào?

Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí cho rằng câu hỏi này khiến người làm luật phải suy nghĩ. Không phải vi phạm nào về môi trường cũng xử lý hình sự được, còn tùy hành vi.

Có những hành vi chúng ta quy định xử lý hành chính mà vẫn vi phạm tiếp thì mới xử lý hình sự, hoặc có trường hợp cá nhân núp bóng pháp nhân thì đã xử lý hình sự cá nhân thì có xử lý tiếp pháp nhân hay không. Đây là vấn đề mới nên chúng ta cần xem xét tính khả thi của các điều luật. 

Theo ông Trí, vấn đề này cần quy định rõ, chi tiết để cơ quan thực thi pháp luật dựa vào đó làm, không sợ oan sai. Có tình trạng cán bộ thực thi còn lúng túng với vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời đại biểu về nguyên nhân diện tích rừng tự nhiên và chất lương rừng của Việt Nam suy giảm.

Bộ trưởng cho rằng những tồn tại hạn chế trong quản lý, phát triển rừng có nguyên nhân lịch sử, nhưng cũng có trách nhiệm quản lý. Việc theo dõi trên Google Map của đại biểu là hoàn toàn chính xác, tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam thấp hơn Lào và Campuchia. Tuy nhiên, với 2 quốc gia láng giếng, dân số của họ thấp nên tỷ lệ rừng trên dân số vốn đã cao.

Về giải pháp, với rừng tự nhiên, bất kỳ diện tích nào cũng phải tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật. Làm thế nào người tham gia quản lý rừng tự nhiên được tăng cường để rừng phục hồi nhanh hơn. Trên các khu vực trọng yếu, có các chương trình riêng để phục hồi nhanh rừng cho các khu vực này, Chính phủ đã có các chương trình cho Tây Nguyên, Tây Bắc, vùng ven biển. Giải quyết vấn đề di dân tự do, Chính phủ, Thủ tướng đã có giải pháp với 5 tỉnh Tây Nguyên.

Về rừng trồng, hiện chủ yếu là keo, sinh khối tăng nhanh nhưng độ che phủ và độ chống chịu thiên tai còn kém, nên phải thay bằng cây gỗ lớn, cây bản địa. Tăng nhanh rừng quản trị FSC, cố gắng trong 4,3 triệu rừng trồng nâng lên 1 triệu ha FSC. Tăng cường biện pháp quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, kiên quyết, chế tài mạnh, kể cả xử lý hình sự với các vi phạm về rừng, làm tích cực hơn nữa. Con số xâm hại rừng tuy đã giảm nhưng vẫn còn nhiều.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Bộ trưởng chưa trả lời vào trọng tâm câu hỏi của đại biểu về nguyên nhân khiến diện tích và chất lượng rừng suy giảm, mà đi sâu vào giải pháp.

Lam Thanh