Cụ ông thương binh có hàng trăm mảnh đạn trong đầu, được bệnh viện hỗ trợ chữa trị
Thông tin Y học - Ngày đăng : 18:30, 06/11/2020
Chiều 6.11, TS.BS Trần Chí Cường – Giám đốc Bệnh viện đột quỵ tim mạch Cần Thơ cho hay, các bác sĩ ở đây vừa phát hiện một bệnh nhân có đến hàng trăm mảnh đạn nhỏ nằm trong đầu đang nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh nhân rơi vào hoàn cảnh trên là cụ ông Chiêm Văn Bé (74 tuổi, ngụ ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), thương binh hạng 1 trong thời kháng chiến chống Mỹ.
Ông Bé kể, gia đình ông truyền thống cách mạng. Năm 1963, ông tham gia hoạt động chiến trường Đông Nam Bộ. Đến năm 1968, trong một lần chiến đấu với kẻ địch, ông bị thương nặng, đạn bom làm tổn thương vùng não, gây liệt không hoàn toàn nửa người trái, vỡ xương hốc mắt, tai phải thủng nhĩ…
Kết thúc chiến tranh, ông Bé rời quân ngũ với chứng nhận thương binh hạng I, tỷ lệ thương tật cao (81% trở lên) sống dựa vào nguồn trợ cấp của nhà nước. Giờ đây vào độ tuổi gần đất xa trời, dù mang trên mình nhiều vết thương của chiến tranh và những vết hằn của đạn bom, người lính năm xưa vẫn luôn nhiệt tình với công tác của Hội cựu chiến binh địa phương.
Song gần đây, ông thường xuyên cảm thấy mệt, nhức đầu, nói ngọng, huyết áp tăng cao. Người nhà thấy vậy vô cùng lo lắng, nhanh chóng đưa đến bệnh viện.
TS.BS Trần Chí Cường cho biết, kết quả chụp MRI cho thấy, bệnh nhân có đến hàng trăm mảnh đạn nhỏ trong đầu, nhưng rất may là các mảnh đạn này không gây xuyên thủng mạch máu, chỉ ảnh hưởng đến một phần của não và mắt bên phải.
Theo bác sĩ Cường, chi phí để điều trị tình trạng trên của ông Bé rất tốn kém, nhưng hoàn cảnh bệnh nhân rất khó khăn, không đủ tiền để chữa trị.
Ông Bé cho biết, cả gia đình ông giờ chỉ sống dựa vào đồng lương thương binh của mình nên chỉ đủ sống qua ngày, chứ không có tiền chữa trị.
Trước hoàn cảnh trên, các bác sĩ ở đây quyết định hỗ trợ để bệnh nhân được điều trị. “Chú an tâm kiểm tra nhé! Bệnh viện sẽ có chính sách đặc biệt cho chú, ở đây tụi con cam kết không để ai phải quay về trong nỗi tuyệt vọng chỉ vì nghèo, huống chi công trạng của chú quá lớn”, bác sĩ Cường động viên bệnh nhân.
Theo bác sĩ Cường, điều trị mỗi ca đột quỵ chi phí tới hàng trăm triệu đồng, khiến các bệnh nhân nghèo gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cùng với các hoạt động chuyên môn, trong thời gian qua, bệnh viện đã hỗ trợ hàng chục bệnh nhân nghèo bị đột quỵ với kinh phí hàng tỉ đồng. Để việc hỗ trợ hiệu quả hơn, hiện bệnh viện đã được Bộ Nội vụ cấp phép thành lập “Quỹ từ thiện bệnh nhân nghèo bị đột quỵ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”. Đây không chỉ là niềm vui của ban sáng lập quỹ, mà còn đặc biệt ý nghĩa với người dân Đồng bằng sông Cửu Long có hoàn cảnh khó khăn không may bị đột quỵ.