Sai phạm đất đai ở ngoại thành TP.HCM vẫn còn phức tạp

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 11:34, 07/11/2020

Các sai phạm đất đai như xây dựng trên đất nông nghiệp, không phù hợp quy hoạch được duyệt… ở khu vực ngoại thành TP.HCM vẫn còn phức tạp.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, tính đến cuối tháng 10, tình hình vi phạm trật tự xây dựng ở trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng sai phạm đất đai ở khu vực ngoại thành thành phố còn diễn biến phức tạp.

Cụ thể, tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp, trên đất không phù hợp quy hoạch được duyệt, vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai ở huyện ngoại thành vẫn còn phức tạp.

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các công trình này còn chưa dứt điểm, kéo dài dẫn đến các công trình hoàn thành, mua bán, chuyển nhượng, gây khó khăn trong công tác xử lý vi phạm hành chính.

Không những vậy, công tác quản lý, thực hiện quy hoạch còn hạn chế, nhiều dự án đầu tư không đồng bộ, thiếu kết nối hạ tầng theo quy hoạch, còn tình trạng quy hoạch công trình công cộng như giáo dục, công viên cây xanh tại các vị trí thiếu tính khả thi.

Mặt khác, việc không áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước dẫn đến chủ đầu tư công trình vi phạm trật tự xây dựng không tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm, tiếp tục thi công để hoàn thành đưa vào sử dụng, thực hiện các giao dịch mua bán, tặng cho.

Do đó, Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng việc bổ sung biện pháp ngăn chặn (không phải là biện pháp cưỡng chế) ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là hết sức cần thiết. Việc này nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng tiếp tục thi công xây dựng công trình làm phát sinh phần diện tích vi phạm mới gây khó khăn trong công tác xử lý vi phạm hành chính.

Sở Xây dựng cũng đánh giá biện pháp này góp phần giảm thiệt hại của người dân và cơ quan quản lý Nhà nước về thời gian, kinh phí trong việc tháo dỡ công trình vi phạm.

Trước đó, cuối tháng 7.2020, UBND TP.HCM đã giao UBND huyện Bình Chánh ban hành quy trình cưỡng chế tháo dỡ các công trình vi phạm trật tự xây dựng, đất đai trên địa bàn. Song song đó là thành lập tổ công tác, xây dựng kế hoạch cưỡng chế công trình vi phạm xây dựng, đất đai tại huyện từ nay đến cuối năm.

sai-pham-dat-dai.jpg
Tình trạng phân lô bán nền trên đất nông nghiệp vẫn diễn ra nhiều ở ngoại thành TP.HCM

Đáng chú ý, liên quan đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, số liệu của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy tính từ ngày 15.12.2019 đến 25.10, tổng số công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành ph là 631 công trình. Cụ thể, công trình xây dựng không phép là 364 trường hợp, sai phép là 267 trường hợp.

Bình quân số vụ vi phạm trật tự xây dựng trên 1 ngày là 1,9 vụ. Nếu so sánh với 6 tháng đầu năm 2019 là 8,5 vụ/ngày (thời điểm trước khi ban hành chỉ thị số 23 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM) thì số vụ vi phạm giảm 6,6 vụ/ngày, tức giảm là 77,6%.

Sở Xây dựng TP.HCM đánh giá sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, chỉ thị số 23 của Ban Thường vụ Thành ủy đã tạo hiệu ứng sâu, rộng trên toàn thành phố, tác động mạnh đến từng bộ phận người dân. Qua đó, chỉ thị này đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự xây dựng của người dân, kéo giảm tình hình vi phạm trên địa bàn thành phố.

Mặt khác, việc triển khai chỉ thị 23 trong thời gian qua còn góp phần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng, đất đai, quy hoạch.

Phan Diệu