Cái giá của niềm tin là sự tồn vong của dân tộc
Góc bình luận - Ngày đăng : 16:18, 22/03/2018
Bài của chị Hạnh, theo nhập đề, lại được gợi ý từ một bài báo đăng trên tạp chí khoa học nổi tiếng Nature. Bài báo của Simon Gachter và Jonathan F. Schulz, nghiên cứu mối liên quan giữa tính trung thực (honesty) trong một xã hội với mức phổ biến các vi phạm luật lệ (prevalence of rule violations) của xã hội đó, được tiến hành trên 23 quốc gia khác nhau, trong đó có Việt Nam (Nature volume 531, pages 496–499 (24 March 2016)).
Công trình nghiên cứu chỉ ra rằng “Các quốc gia có mức độ vi phạm luật lệ thấp thì tính trung thực cao” (trang 498). Mức độ vi phạm luật lệ phụ thuộc vào mức độ tham nhũng và trốn thuế. Trong 23 quốc gia đó, các nước Áo, Anh... có mức độ vi phạm thấp nhất, Việt Nam có mức độ này cao thứ 5. Và sự trung thực của người Việt cũng thấp một cách tương ứng.
Chị Vũ Kim Hạnh đã phải kêu lên “Tôi là, anh là, chúng ta là những kẻ kém trung thực. Sao vậy? Từ bao giờ vậy?”. Và chị hỏi “Tính trung thực giờ bán được nhiêu? Chắc quá bèo. Vì giá nó quá bèo mà ra cơ sự? Còn niềm tin giá bao nhiêu? Ai đo được?”.
Xin bàn tiếp theo chị Hạnh về Giá của niềm tin.
Sự thiếu trung thực lan tràn trong kinh doanh mà trường hợp của Khai Silk gần như ai cũng biết. Gian dối trong thương mại với hàng Trung Quốc đội tên hàng Việt Nam, với mặt hàng lụa mà không có chút lụa nào trong đó cũng đang giết chết lòng tin! Đây chỉ là một vụ việc trong số rất rất nhiều vụ nhỏ hay lớn hơn, ít ồn ào hơn hay âm thầm. Niềm tin bị mất kéo theo tinh thần “người Việt ủng hộ hàng Việt” cũng bị mất theo! Bao nhiêu hàng hóa Việt Nam có thể sản xuất được với thế mạnh tại chỗ lại thất thủ trên sân nhà?
Khi niềm tin vào tính liêm chính của công quyền thiếu vắng, người ta coi hối lộ là chuyện đương nhiên. Chi phí dấu mặt quá lớn, doanh nghiệp không thể cạnh tranh trên thị trường thế giới, bao nhiêu thương vụ bị thất bại và bao nhiêu khách hàng đã rời bỏ Việt Nam?
Khi chi phí quá lớn, để bán được hàng, doanh nghiệp phải làm hàng chất lượng thấp so với cam kết. Thương hiệu Việt Nam ngày càng mất đi. Thương hiệu quốc gia yếu kém, thương hiệu công ty, mặt hàng làm sao mạnh được? Bao nhiêu công ăn việc làm của đồng bào bị mất?
Việt Nam đang cố gắng chứng minh quyết tâm chống tham nhũng. Nhưng các sự việc đại tham nhũng đã xảy ra và tích tụ hàng chục năm nay khiến niềm tin đã đổ vỡ quá nhiều. Tình trạng không ít tỉnh, huyện mà vị trí quan trọng trong công quyền được ngang nhiên hay lén lút chia nhau cho vài chục người cùng gia đình, gia tộc thách thức lòng kiên nhẫn của dân chúng. Niềm tin bị tổn thương tác hại sự cộng tác của dân chúng với chính quyền trong việc đề ra giải pháp, chính sách và thực thi các giải pháp, chính sách quốc kế dân sinh. Trong trường hợp này cái giá của niềm tin là bao nhiêu?
Trong các buổi nói chuyện quanh bàn cà phê sáng, nơi họp bạn, trên bàn giỗ tiệc... giữa những người còn quan tâm tới tương lai đất nước, không ít người cho thấy sự lung lay niềm tin vào tinh thần đoàn kết bảo vệ tổ quốc của nhiều công dân. Thực tế này không nên né tránh nữa. Bảo vệ tổ quốc là truyền thống cốt lõi vững chắc của dân tộc Việt, nếu niềm tin vào truyền thống này giữa các thành phần trong dân chúng bị tổn hại thì cái giá mà đất nước phải trả là bao nhiêu vùng trời, vùng đất, vùng biển?
Niềm tin là sợi dây quan trọng nhất kết nối các thành viên trong một tập thể, một cộng đồng, một xã hội, một quốc gia... Cái giá của niềm tin là sự tồn tại của xã hội, của quốc gia. Dân chúng đang rất cần niềm tin, không phải niềm tin vào cái gì viển vông, mà trước nhất là niềm tin vào nhau, vào sự tôn trọng các giá trị như lòng nhân ái, tình đồng bào, tính trung thực, sự bình đẳng, nghĩa vụ đối với quốc gia, dân tộc...
Phải chăng trách nhiệm lớn nhất của chính quyền mà dân chúng đang đòi hỏi là xây dựng lại niềm tin?
Lê Học Lãnh Vân