Chớ vì ngân sách, nợ công mà thu thuế bằng mọi giá
Góc bình luận - Ngày đăng : 05:43, 17/04/2018
Việc bộ Tài chính dự kiến sẽ đánh thuế những ai có nhà trị giá từ 700 triệu động trở lên cùng các tài sản khác, động chạm đến hàng chục triệu gia đình người Việt Nam trong cả nước. Và nếu dự thảo Luật Thuế tài sản được áp dụng, một căn nhà sẽ vừa bị đánh thuế nhà (nếu giá trị nhà vượt 700 triệu đồng), vừa bị đánh thuế đất. Loại thuế này sẽ được thu hàng năm, tức năm nào người dân cũng phải kê nộp thuế đất, thuế nhà (!?)
Song, thử hỏi việc làm này có đáng không khi mà ngôi nhà đó chỉ có giá 700 triệu? Hãy nên xem nhà khoảng 700 triệu đồng là dạng nhà ở của người có thu nhập rất thấp trong xã hội (với gói cho vay 30.000 tỉ đồng ngày nào, Chính phủ đã đưa ra con số "chuẩn" cho căn nhà mua trả góp của người gọi là nghèo, nó cũng đã ở con số 1,05 tỉ). Như thế, rõ ràng người có nhà trị giá 700 triệu thuộc diện rất khó khăn trong xã hội.
Với một số quốc gia phát triển, người ta cũng thu thuế tài sản. Tuy nhiên, cùng với đó họ ban hành rất nhiều điều khoản khác để khấu trừ cho người chịu thuế được nhận lại sự bù trừ công bằng nhất, mà chúng ta phải nhiều chục năm nữa chưa chắc gì đã làm được như họ. Họ thu những khoản thuế này lại dành để chi cho phúc lợi xã hội chứ không phải để chi cho việc nuôi bộ máy công chức thuộc hạng cồng kềnh nhất thế giới như chúng ta.
Chúng ta không làm được như họ. Một gia đình công chức, lương 4-5 triệu đồng/người mà phải nuôi 1-2 con nhỏ thì thử hỏi cho dù có tích cóp... gần nửa thế kỷ liệu có mua nổi căn nhà 700 triệu chưa mà còn tính chuyện đóng thuế? Với một người bị tật nguyền mà nghèo khó, chế độ nhà nước ta hiện nay mới chỉ hỗ trợ cho người đó có 500 ngàn đồng thì nghĩa lý gì so với những khó khăn mà họ phải trải qua.
Trong khi đó, ở nhiều nước, trợ cấp xã hội của những người không được hưởng lương hưu có khi cũng hàng chục triệu đồng/người trở lên (nếu quy ra tiền Việt). 500 ngàn đồng quả là một con số quá nhỏ nhoi trong tương quan về mức sống chung hiện nay của thế giới loài người, nhất là ở các thành phố, giữa chúng ta và các nước...
Như vậy, số tiền dự kiến thu được từ thuế tài sản vừa đề xuất, theo tôi chỉ càng khiến người lao động đã nghèo lại càng nghèo thêm. Ngân sách chỉ có thể khá lên một khi nguồn thu thuế tăng là từ thuế tài sản của người giàu, từ người thu nhập cao và khi nào bộ máy hành chính thực sự tinh gọn.
Theo tôi, để giải quyết bài toán bội chi ngân sách, bài toán nợ công, bài toán tăng thu nhập cho người lao động và các phúc lợi xã hội hiện nay, chúng ta cần giải quyết tận gốc vấn đề tinh giản biên chế công chức, viên chức, người hưởng lương từ ngân sách nhà nước hiện nay ở nước ta như thực hiện một cuộc cách mạng thì mới hy vọng. Một trong những điều dễ thấy nhất chính là hệ thống chính trị của chúng ta đã phình quá to. 40 người hiện đang phải oằn lưng "cõng" 1 công chức (hưởng lương từ ngân sách) thì làm sao khá nổi, nói chi chuyện có thể đủ sống bằng lương?
Cần tính căn cơ từ cái gốc của vấn đề, đó là phải triệt để tinh giản bộ máy công chức viên chức mà chủ trương nhất thể hoá bộ máy lãnh đạo cần được coi trọng; phải tiết kiệm chi tiêu ngân sách, xây trụ sở, mua sắm xe công sang quá sức chịu đựng; phải bớt xây dựng những tượng đài, quảng trường, bảo tàng, nhà lưu niệm hoành tráng; phải bớt đi các cuộc mít tinh, lễ kỷ niệm, lễ hội, lễ động thổ, cắt băng khánh thành... rùm beng này nọ cùng với sự tiết kiệm trong chi tiêu tiếp đãi ở nhiều địa phương như đã từng bị thanh tra phát hiện và xử lý gần đây...
Tất cả những thứ chi tiêu đó, nếu gộp lại sẽ khiến ngân sách vô cùng tốn kém tiền thuế vốn đã khó thu mà chi thì lại quá lớn và ngành thuế, dù có phình ra bao nhiêu nhân sự cũng không nuôi nổi bộ máy này, cách chi tiêu này.
Nếu như tiết giảm được những khoản chi này, tôi nghĩ đây mới là điều cần làm ngay để gián tiếp không cần tăng thu thuế kiểu có phần luẩn quẩn, bí bách như bộ Tài chính đưa ra, vô tình gây nên sự ai oán không đáng có.
Quốc Phong