Nỗi buồn 'hiệp sĩ'

Góc bình luận - Ngày đăng : 08:22, 16/05/2018

5 "hiệp sĩ đường phố" thương vong là hồi chuông báo động đỏ về an ninh trật tự xã hội của TP.HCM. Vì nhiều lý do, thành phố đã lơ là việc trấn áp tội phạm. Không thể đổ tại và bị. Bọn cướp đã tuyên chiến với chính quyền và người dân. Nếu không có biện pháp tích cực và quyết liệt hơn, các hiệp sĩ đường phố cứ hoạt động như lâu nay thì thường vong vẫn còn rình rập, thậm chí trầm trọng hơn.
Các hiệp sĩ bị trọng thương - Ảnh: VNN

Chuyện các hiệp sĩ bị bọn cướp tấn công, đâm chết 2 người và làm bị thương nặng 3 người khác vào tối 13.5 đã dấy lên nhiều nỗi niềm của xã hội. Thương tiếc, buồn đau và căm giận. Có người gọi đó là “nỗi buồn tháng 5” của TP.HCM. Có lẽ, lần đầu tiên sự thương vong của những người dân bình thường, dù họ được gọi là “Hiệp sĩ đường phố”, được quan tâm nhiều đến vậy. Từ lãnh đạo T.Ư đến thành phố. Từ nghệ sĩ đến các doanh nghiệp. Từ người thân đến “đồng nghiệp” và cư dân mạng.

Hai người chết đang được đề nghị lập hồ sơ công nhận liệt sĩ. Họ hoàn toàn xứng đáng, dù không ai muốn mình phải hy sinh. Ba người trọng thương, cũng rất xứng đáng được công nhận là thương binh bởi họ đã “chiến đấu” quên mình vì an ninh xã hội. Sự việc diễn ra ngay sát trụ sở công an nhưng không được ứng cứu kịp thời. Chẳng lẽ không có ai trực? Qua thông tin báo chí, khi người dân khẩn báo thì có cán bộ bảo “sự việc ở phường khác”. Cầu cứu lực lượng công an và dân phòng đang chốt gần đó thì họ nói “không thể rời vị trí”. Có cán bộ còn hướng dẫn người dân lên phường trình báo. Không biết lỗi của ai? Quy trình, hay ý thức trách nhiệm cá nhân?

Theo hiểu biết của tôi, không có nước nào trên thế giới lại có lực lượng “săn bắt cướp” như vậy. Không chỉ bắt mà còn săn đúng nghĩa, thấy nghi ngờ là bám sát để bắt tại trận. Riêng đội trưởng Trần Văn Hoàng đã tham gia trên 500 vụ bắt cướp thành công. Tất cả thành viên đều có cuộc sống vật chất chật vật, phải lao động cật lực để kiếm sống nhưng lại giàu có về ý thức công dân và trách nhiệm với cộng đồng. Không có thù lao, không được phân công, không có công cụ hỗ trợ, chỉ có tấm lòng nhưng đã làm được bao việc tốt giúp đời. Nghĩ mà xấu hổ cho những cán bộ thừa chức trách và công cụ, được phân công nhưng thờ ơ với các tệ nạn, thậm chí chống lưng và bảo kê. Là những người nghèo khổ, hơn ai hết, họ hiểu giá trị của những tài sản chắt chiu và không chịu được cảnh ăn cướp nên mới tự phát lập nhóm săn bắt cướp. Người giàu có, chẳng ai dám mạo hiểm như vậy.

Cách đây hơn chục năm, tôi có mời đội “Hiệp sĩ săn bắt cướp đường phố” ở Bình Dương đi nghỉ mát ở Hòn Rơm, Phan Thiết thay cho lời cám ơn và sự cảm kích về những việc làm nghĩa hiệp. Trong chuyến đi , tôi có tâm sự là “mong các anh ngày càng ít có việc làm. Cũng không mong mô hình nhân rộng” bởi giữ gìn trật tự trị an là nhiệm vụ của công an, được giao nhiệm vụ và trang bị vũ khí. Các anh ấy không thể làm thay công an. Trong bài viết đã đăng báo, tôi từng đề nghị nên bổ sung đội ngũ này vào lực lượng công an. Công an có nghề, có súng mà cướp còn không thèm sợ. Các anh chỉ làm phong trào, như một cách nhắc khéo, rồi nhường sân cho “cầu thủ chuyên nghiệp”.

Thương nhất là vợ con, cha mẹ và người thân các anh. Lúc nào cũng phập phồng lo sợ, chưa kể việc có thể bị trả thù. Đã có không ít trường bị thương do bọn cướp chống trả. Chưa kể, có thể “làm ơn mắc oán” nếu trong lúc truy bắt bọn cướp mà gây tai nạn giao thông. Luật pháp Việt Nam quy định “Công an đuổi bắt tội phạm nếu vô tình gây tai nạn thì phải bồi thường theo dân sự”. Đến công an còn không được khuyến khích truy đuổi nữa là các anh dân quèn. Bọn cướp biết vậy nên càng lộng hành. Các anh càng làm tốt bao nhiêu thì trách nhiệm của công an tại chỗ càng mờ nhạt bấy nhiêu. Đọc tiểu sử, xem video clip về các anh mà ngậm ngùi và cảm phục.

5 hiệp sĩ đường phố thương vong là hồi chuông báo động đỏ về an ninh trật tự xã hội của TP.HCM. Vì nhiều lý do, thành phố đã lơ là việc trấn áp tội phạm. Không thể đổ tại và bị. Bọn cướp đã tuyên chiến với chính quyền và người dân. Nếu không có biện pháp tích cực và quyết liệt hơn, các hiệp sĩ đường phố cứ hoạt động như lâu nay thì thường vong vẫn còn rình rập, thậm chí trầm trọng hơn. Lãnh đạo công an thành phố cho rằng “chưa có quy định và căn cứ pháp lý để hợp thức mô hình hiệp sĩ đường phố”. Ai cũng biết vậy, chưa có thì làm ngay, chuyện dầu sôi lửa bỏng, đâu có thể viện cớ quy trình hay quy định. Có hay không, tất cả đều do con người. Có lãnh đạo đề nghị “cấp áo giáp cho từng hiệp sĩ”. Áo giáp chỉ chống đạn phần thân, còn đầu, cổ, tứ chi. Chả lẽ áo giáp như đồ phi hành gia, làm sao xoay xở và cũng không đủ tiền sắm. "Áo giáp" tốt nhất là môi trường xã hội lành mạnh, là sự trấn áp quyết liệt của các ngành chức năng và sự hợp lực của toàn dân, có quy định trách nhiệm cá nhân phụ trách.

Người đã chết không thể sống lại. Người bị thương đang được điều trị tích cực. Các nghệ sĩ đang chủ động và tích cực vận động quyên góp giúp đỡ các gia đình hiệp sĩ bị nạn. Không cần chỉ đạo, họ thể hiện ý thức công dân rất đáng hoan nghênh. Vấn đề là cuộc sống những người thân các nạn nhân. Giúp đỡ để họ bớt buồn đau, giảm bớt thiệt hại. Đó cũng là cách động viên khuyến khích người dân tích cực hợp tác với chính quyền trấn áp tội phạm.

Quan trọng nhất là đừng để những thảm cảnh tượng tự xảy ra.

Đừng để những “Nỗi buồn hiệp sĩ” tiếp diễn.

Nguyễn Văn Mỹ