Vì sao thủ tướng liên tục gặp gỡ, đối thoại với công nhân?

Góc bình luận - Ngày đăng : 19:12, 28/05/2018

Chỉ trong khoảng hai năm rưỡi điều hành Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các cấp, các địa phương đã có 3 cuộc làm việc chính thức, giao lưu, đối thoại với công nhân ở khắp 3 miền đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với công nhân

Có lẽ chưa có nhiệm kỳ nào của Chính phủ trong vài thập niên gần đây mà Thủ tướng Chính phủ lại đặc biệt quan tâm đến đội ngũ công nhân như thế. Đó thực sự là một điểm đáng ghi nhận. Qua các cuộc đối thoại cởi mở đó, Thủ tướng muốn hiểu công nhân hơn và để cùng tháo gỡ khó khăn cho họ.

Ngay sau khi nhậm chức được vài tuần, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp, đối thoại với công nhân Khu Công nghiệp Đồng Nai (2016). Đến 2017, ông lại tiếp tục đến với công nhân Khu Công nghiệp Đà Nẵng.

Ngày 17.5 , tại Hà Nam, ông lại tiếp tục làm điều này với công nhân khu Công nghiệp Đồng bằng Sông Hồng. Thủ tướng muốn lắng nghe, nắm bắt thêm thông tin xem các thiết chế, chính sách đối với công nhân đã ban hành có gì biến chuyển như ông từng mong mỏi và có ý kiến với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam từ hơn hai năm về trước, hoặc có khó khăn vướng mắc gì mà chưa có lối ra. Đồng thời ông cũng thông tin để công nhân được biết về chủ trương cải cách tiền lương vốn đã được bàn thảo và có nghị quyết chuyên đề tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 vừa kết thúc.

Ngoài 3 cuộc gặp gỡ, đối thoại chính thức nói trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn dành nhiều thời gian đến với người lao động để tận mắt kiểm tra nơi ăn, chốn ở của công nhân cũng như việc học hành của con cái họ. Ví dụ như hồi tháng 10.2017, ông từng đến Khu Công nghiệp Biên Hoà 2, Đồng Nai làm việc rồi dùng bữa cơm ca chiều cùng công nhân theo chế độ mà họ được nhà máy tổ chức. Qua đó, ông muốn kiểm tra xem chất lượng bữa ăn có đảm bảo đủ dinh dưỡng hay không. Ông cũng kiểm tra cả nguồn gốc xuất xứ của lương thực, thực phẩm xem có đảm bảo vệ sinh an toàn cho người lao động hay không, v.v...

Dù có thể còn nhiều nơi khác nữa mà Thủ tướng muốn đến với người lao động nhưng chưa thể đến, song đối với lực lượng công nhân thực thụ và cốt cán của thời kỳ công nghiệp 4.0, có lẽ ông dành thời gian quan tâm đặc biệt cũng là hợp lý. Điều đó hoàn toàn đúng và cũng rất thoả đáng bởi đây chính là lực lượng trụ cột tạo ra của cải vật chất rất lớn cho xã hội hôm nay.

Chỉ cần lấy ví dụ từ một lĩnh vực là ngành sản xuất công nghiệp điện tử của một hãng lớn như Samsung tại Việt Nam cũng đủ biết bởi giá trị của nó khi tạo ra nguồn thu cao thế nào cho nhà nước ta .

Nếu GDP nước nhà năm 2017 tăng trưởng là 6,81% thì sản phẩm các loại của Samsung Việt Nam đã đóng góp không nhỏ trong đó. Theo ông Phạm Đình Thúy- vụ trưởng vụ Thống kê công nghiệp (TCTK), dự kiến năm 2017, Samsung tạo ra 1,21 triệu tỷ đồng giá trị sản xuất tính theo giá so sánh, tăng 31% so với 2016. Samsung cũng xuất khẩu tăng đột biến so với năm trước, trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm máy tính và linh kiện đạt khoảng 2,9 tỷ USD, tăng 36,5%; điện thoại di động và linh kiện xuất khẩu đạt 45,1 tỷ USD, tăng 31,4%. Hai loại sản phẩm này của Samsung đã đóng góp chủ yếu vào kim ngạch xuất khẩu của nhóm mặt hàng.

Vì lẽ đó, công nhân Việt Nam của thời kỳ công nghiệp 4.0 có vai trò hết sức quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế nước nhà. Phải chăng đây chính là nguyên do chính Thủ tướng Chính phủ luôn trăn trở suy nghĩ, tìm cách tháo gỡ những khó khăn cho các tầng lớp công nhân lao động nói chung và công nhân các khu chế xuát, khu công nghệ cao nói riêng .

Sản phẩm họ làm ra thật to lớn nhưng đời sống thì còn nhiều khó khăn. Tiền thuê nhà trọ, tiền thuê trông trẻ; rồi bệnh viện, trường học còn xa khu công nghiệp, xa nhà trọ của công nhân; nhà văn hoá cộng đồng còn ít và thiếu thốn... luôn là nỗi lo lắng của Nhà nước.

Việc Chính phủ năm trước cũng đã giao cho Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam một khoản vốn khá lớn (nhiều ngàn tỷ đồng) để xây dựng nhà bán giá rẻ hoặc cho công nhân thuê là một cố gắng rất lớn. Qua cách làm này, vị thế của TLĐLĐ Việt Nam cũng được nâng lên, không như nhiều năm trước, có nhiều hoạt động chỉ mang tính hình thức khiến cho người lao động cũng không mấy mặn mà với tổ chức công đoàn nói chung.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ này. Đến nay, ở nhiều địa phương, bộ, ngành đã tích cực vào cuộc và đã đạt được một số kết quả nhất định, rất đáng khích lệ.

Song, người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng những kết quả này vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của anh chị em công nhân cũng như yêu cầu của Chính phủ. Ông chỉ đạo các địa phương cần áp dụng mô hình xây dựng khu thiết chế công đoàn, bán nhà ở giá rẻ đối với công nhân. Thủ tướng cũng hoan nghênh chính quyền Hà Nội đã dành đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân .

Rồi đây, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 người lao động có thể đứng trước mối đe doạ mất việc làm nhiều hơn do công nghệ ngày càng tinh xảo, cho năng suất cao mà không cần nhiều nhân lực. Vì thế, Thủ tướng cũng đã nhắc đến việc người lao động trẻ cần chủ động học thêm kiến thức để bắt kịp mọi họat động đang và sẽ diễn ra có liên quan đến cuộc sống của họ.

Nhưng nhìn sâu xa, đó là điều tất yếu của cách mạng công nghiệp 4.0, không thể khác mà phải chấp nhận nó...

Hình ảnh anh công nhân Vũ Xuân Đạt, công ty Kefico (Hải Dương) chia sẻ với Thủ tướng khi anh cho biết sau tốt nghiệp phổ thông năm 1997, anh phải vào Nam mưu sinh, làm nghề phụ hồ. Thế nhưng bằng nỗ lực tự học, nay anh đã trở ra Bắc và trở thành trưởng bộ phận dây chuyền với 80 công nhân của công ty này. Nay anh vẫn mong muốn học tiếp để nắm bắt kiến thức mới nhất phục vụ sản xuất nhưng không có tiền mua máy tính mới vì máy cũ đã dùng 10 năm. Câu chuyện đã khiến Thủ tưởng cảm động và quyết định tặng anh một bộ máy tính mới .

Đánh giá cao nỗ lực của anh Đạt từ nông dân đi làm thợ hồ rồi trở thành công nhân kỹ thuật cao và có khát vọng cao hơn trong cuộc cách mạng 4.0, Thủ tướng cho rằng: “Nếu các bạn có khát vọng, có niềm say mê để tiến bộ thì Đảng, Nhà nước, người chủ doanh nghiệp và gia đình luôn luôn tạo mọi điều kiện và tôi tin sẽ có nhiều phần quà hơn nữa cho các bạn có khát vọng”...

Đề cập câu chuyện này để ta cùng thấy, việc Thủ tưởng không chỉ có quan tâm đến đời sống người công nhân nói chung mà ông cũng còn rất hiểu, Chính phủ cũng cần giúp họ nâng cao tri thức cần thiết để đáp ứng công việc trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sắp tới.

Quốc Phong