Tại sao không phải là du khách Âu-Mỹ hay Nhật?
Góc bình luận - Ngày đăng : 07:45, 04/06/2018
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đón hơn 6.700.000 lượt khách quốc tế, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước. Tăng mạnh nhất qua đường bộ 59,9% với hơn 1.160.000 lượt, khách đường biển giảm 6,1%, chỉ đạt hơn 157.000 lượt.. Lượng khách Trung Quốc tăng cao nhất, 2.150.000 lượt. Tiếp theo là Hàn Quốc 1.440.000 lượt.
Cùng kỳ, TP.HCM đón hơn 3.100.000 lượt khách quốc tế, đông nhất vẫn là khách Trung Quốc. Trả lời báo chí mới đây, một lãnh đạo Sở Du lịch TP cho biết “TP đặt mục tiêu đến năm 2020 đón 1.500.000 lượt khách Trung Quốc, tăng gần gấp 3 lần năm 2017”.
Tăng trưởng nhưng chưa bền vững
Du lịch Việt Nam nhiều năm qua đều tăng trưởng. Du lịch quốc tế, từ 0,9% năm 2015, nhảy vọt lên 26% năm 2016 và 29,1% năm 2017. Nội địa thì ngược lại, năm 2015, tăng kỷ lục 48%; 2016 giảm xuống còn 8,8% và 2017 lại nhích lên 18,1%. Doanh thu từ du lịch, cả nội địa lẫn quốc tế năm 2015 bằng 2014. Năm 2016 tăng 18,4% và 2017 là 27,5%. Hy vọng sẽ tháo dớp trước đây. Từ đỉnh cao kỷ lục, lượng khách quốc tế tăng 34,8% năm 2010; giảm đều xuống còn 0,9% năm 2015.
Các số liệu có vẻ như chỏi nhau. Nhiều người thắc mắc “số liệu khách quốc tế dựa vào Cục Xuất nhập cảnh nhưng số liệu khách nội địa thì dựa vào đâu?”. Nói là du lịch quốc tế nhưng thật ra chỉ có khách nước ngoài vào Việt Nam. Đáng lẽ phải có cả lượng khách Việt Nam và nước ngoài từ Việt Nam ra nước khác.
Từ năm 2016, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng rất tốt nhưng thiếu bền vững. Khách tăng chủ yếu là đường bộ từ Trung Quốc, Campuchia và Lào; lên đến 59,9%; mà Trung Quốc tăng mạnh nhất. Đường biển giảm 6,1%. Chưa có số liệu khách hàng không. Ai cũng biết khách đi đường biển và hàng không mới tiêu xài nhiều.
Thị trường tăng trưởng chủ yếu là Trung Quốc và Hàn Quốc. Cả hai thị trường đều để lại nhiều vấn đề xã hội không hay, nhất là khách Trung Quốc. Từ việc tổ chức tour chui, tour 0 đồng đến việc đánh lộn, ăn quịt và cả ý đồ chính trị. Có sự tiếp tay của một số doanh nghiệp và quản lý Việt Nam, khách Trung Quốc càng ngang ngược và xấu xí, dù không phải là tất cả..
Tại sao lại là Trung Quốc?
Lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam năm 2017 hơn 4.000.000 lượt, mới đạt khoảng 2,5% tổng lượng khách Trung Quốc ra nước ngoài; bằng 40% lượng khách Trung Quốc vào Thái Lan. Nếu gần nửa số khách Trung Quốc vào Việt Nam bằng đường bộ thì họ vào Thái Lan toàn bằng hàng không. Việt Nam có 1.350km biên giới với hàng chục cửa khẩu với Trung Quốc. Do vậy lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam sẽ còn tăng và tăng mạnh.
Mới hơn 4.000.000 lượt khách Trung Quốc, nhiều địa phương đã la làng, Tổng cục Du lịch thì lúng túng. Khách Trung Quốc đi du lịch khắp thế giới, chỗ nào cũng bị than phiền nhưng không bị nhiều và nghiêm trọng như ở Việt Nam. Khách Trung Quốc được xem là dễ tính, chi tiêu nhiều nhất nhưng ở Việt Nam thì ngược lại. Đa phần đi đường bộ. Trừ một ít trái cây, hải sản, đồ gỗ…, hàng hóa ở Việt Nam đa phần hàng tiêu dùng đều của Trung Quốc thì họ không thể “tha củi về rừng”, chưa kể hàng ấy mang mác xuất khẩu nhưng chất nội địa dỏm.
Cách quản lý của một số địa phương làm cho nhiều doanh nghiệp lẫn người dân sợ khách Trung Quốc, vì “lợi bất cập hại”. Có nhà báo và chuyên gia du lịch còn đề nghị ban hành Bộ quy chuẩn dành riêng cho khách Trung Quốc. Chẳng nước nào làm vậy. Chỉ có bộ quy chuẩn chung cho mọi người, mọi du khách, nếu cần thì được dịch sang tiếng Trung và gửi cho từng du khách Trung Quốc. Khách Trung Quốc vào Việt Nam, còn được tổ chức và có ý đồ chính trị hẳn hoi, hết dùng hộ chiếu in hình lưỡi bò đến đồng loạt mặc áo thun có đường lưỡi bò, ngang nhiên thách thức chủ quyền và luật pháp Việt Nam.
TP.HCM chủ động tìm hiểu để đáp ứng nhu cầu và quản lý chặt chẽ khách Trung Quốc là việc cấp bách và cần thiết. Bài học đắt giá từ Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng… vẫn còn nóng hổi thời sự. Nhưng thành phố đặt ra mục tiêu tăng gấp 3 trong 2 năm để ra sức phấn đấu thì khó hiểu. Chỉ tiêu này dựa trên những cơ sở nào hay chỉ là cảm tính? Ai là người đề xuất? Nếu mục tiêu hoàn thành, thậm chí vượt mức và chính quyền Trung Quốc lấy du khách để ngã giá thì sao. Khi có mâu thuẫn ngoại giao, Trung Quốc từng cấm du khách vào Hàn Quốc, làm ngành du lịch xứ Cao Ly khốn đốn. Chuyện tương tự có thể xảy ra ở Việt Nam. Chưa kể khách Trung Quốc đi tới đâu thì khách Tây chạy tới đó.
Nguồn khách Âu - Mỹ mới ổn định, bền vững. Cả thế giới đều như vậy. Việt Nam luôn dang tay niềm nở, mở rộng cửa đón khách năm châu. Nhưng nếu được ưu tiên chọn lựa, phải chọn khách Âu - Mỹ hoặc Nhật Bản. Việt Nam không kỳ thị hay phân biệt đối xử nhưng khách nào mang lợi ích tốt nhất đến cho người Việt, cả vật chất lẫn tinh thần thì được ưu tiên là đương nhiên.
Thay vì đặt mục tiêu trong 2 năm, tăng gấp 3 lần khách Trung Quốc, sao không đặt mục tiêu tăng khách Âu - Mỹ và Nhật Bản? Chỉ cần tăng gấp đôi chứ không cần gấp 3, thậm chí tăng thấp hơn cũng được. Hay là du lịch TP.HCM đang chọn việc dễ, còn việc khó để tính sau?
Trong kinh tế, tăng trưởng quan trọng nhất là doanh thu và lợi nhuận, là môi trường sống, từ văn hóa, xã hội đến chính trị; chứ không phải là lượng sản phẩm hay lượng khách. Lượng phải đi với chất mới bền vững.
Nguyễn Văn Mỹ (Giám đốc Công ty Tư vấn – Dịch vụ và Phát triển du lịch CBT)