Hơn 100 tỉ đồng để… danh xưng, xài hoang hay chơi trội?
Góc bình luận - Ngày đăng : 12:53, 27/06/2018
Ngày 12.6, Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa đã có công văn số 1625/SVHTTDL-KHTC gửi Sở Tài chính khái toán tổng số kinh phí tổ chức các hoạt động tiến tới kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa là 104,722 tỉ đồng. Trong số đó, có hơn 22 tỉ đồng được huy động từ nguồn xã hội hóa, số còn lại hơn 82 tỉ đồng lấy từ ngân sách nhà nước.
Theo tờ trình này, lễ kỷ niệm danh xưng Thanh Hóa sẽ được dự kiến tổ chức vào ngày 1.5 đến ngày 7.5.2019. Tính ra, mỗi ngày tốn tròn trèm 15 tỉ đồng, cho các lễ tưởng niệm, kỷ niệm, sáng tác ca khúc… Những thứ này dân cần không? Chắc không nhiều người khao khát. Xong 7 ngày, hơn 100 tỉ đi tong, còn lại được gì?
Đầu năm nay, hôm 12.1, tỉnh Thanh Hóa đã có công văn đề nghị Trung ương hỗ trợ cứu đói nhân dịp Tết Nguyên đán 2018 với 45.178 nhân khẩu, tương đương số gạo cần hỗ trợ là gần 700 tấn!
Những năm qua, Thanh Hóa vươn lên mạnh mẽ, là một tỉnh thuộc tốp đầu trong thu hút FDI, nhưng thu ngân sách của Thanh Hóa vẫn không đủ bù chi. Năm 2017, địa phương này thu ngân sách được khoảng 13.000 tỉ đồng, nhưng chi lên tới hơn 23.000 tỉ đồng.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2018, tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh ước đạt 5.281 tỉ đồng, tăng 21,9% so với cùng kỳ; tổng chi ngân sách nhà nước địa phương ước đạt 10.550 tỉ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Có thể nói, Thanh Hóa “làm” không đủ “ăn”, tức thuộc hạng nghèo!
Theo Cục Thống kê Thanh Hóa, tính đến ngày 10.5 toàn tỉnh có 169 hộ tương ứng với 621 nhân khẩu thuộc huyện Lang Chánh thiếu đói. Tỷ lệ hộ thiếu đói 0,018 %, giảm 0,022% so với tháng trước nhưng tăng 0,018% so với cùng kỳ năm trước! Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh phát sinh 991 lượt hộ tương ứng với 3.503 nhân khẩu thiếu đói; tỷ lệ hộ thiếu đói là 0,02%, tăng 0,01% so với cùng kỳ.
Số người đói ở Thanh Hóa có dấu hiệu tăng! Và hiện nay, đang mùa giáp hạt, các địa phương được khuyến cáo cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; có phương án cứu trợ kịp thời, đảm bảo không để xảy ra tình trạng nhân dân thiếu đói.
Thực hiện Quyết định số 1669/QĐ-UBND ngày 9.5.2018 của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan, phân bổ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ dân trong thời gian giáp hạt năm 2018.
Tổng số gạo hỗ trợ 387.450kg, cho 5 huyện: Yên Định, Thạch Thành, Thường Xuân, Lang Chánh, Quan Hóa và Hội Người mù. Số hộ được hỗ trợ gạo là 5.475 hộ tương ứng với 21.130 nhân khẩu; mức hỗ trợ gạo là 15 kg/người/tháng.
5 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 2 đợt thiên tai, làm 3 người bị thương và thiệt hại về tài sản khoảng 28,14 tỉ đồng. Mưa lớn, giông lốc kèm theo mưa đá đã làm cho nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp ở Thanh Hóa bị thiệt hại.
Hơn 100 tỉ đồng để kỷ niệm danh xưng, trong khi dân còn nghèo lắm! Đáng hay không? Người nghèo chỉ cần lương thực, cần chăn ấm, nước sạch, mái nhà đủ che mưa, họ chưa cần danh xưng, chưa cần kỷ niệm đâu!
Thanh Hóa có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Dao, Thái, Mường… Họ phần lớn sống ở vùng cao, và còn nghèo, nghèo lắm. Nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa đến được với họ… Họ chỉ cần gạo ăn để không bị đói mờ mắt. Không cần danh xưng.
Hình ảnh Thanh Hóa "gồng mình" trong mưa lũ hàng năm- Nguồn: VTV
Tạp quán dân mình, giỗ hay tết, lễ kỷ niệm chi đó… giàu có thì mâm quả bày biện trang trọng, nghèo thì chút ít gọi là, chứ cũng chẳng đi vay mượn ai. Quan trọng là tấm lòng. Chỉ có những người gàn mới thích chơi trội!
Nói về cách thoát nghèo, người xưa dạy rằng tiết kiệm là cách để giữ được tài sản và sử dụng đúng tài sản mình làm ra, tránh hoang phí. Hoang phí tài sản là nguyên nhân chính khiến chúng ta khó làm giàu và thường bị thiếu hụt trong chi tiêu. Hoang phí cũng là nguyên nhân khiến chúng ta mất đi phước báu về tài sản và dễ đi đến phá sản.
Điển hình như trong truyện dân gian Thạch Sùng, chúng ta hẳn vẫn nhớ rõ nhân vật Thạch Sùng khi còn nghèo khổ thì chắt chiu, dành dụm nhưng khi giàu có thì hoang phí, chơi bời, khoe khoang và cuối cùng lại trở về với cảnh nghèo khó.
Thạch Sùng giàu có, mà xài hoang phí vẫn phải quay về với cảnh nghèo khó. Còn tỉnh nghèo Thanh Hóa vẫn thích “chơi sang”, người dân sẽ ra sao?
Kỷ niệm 990 năm được, sẽ còn lễ kỷ niệm hoành tráng 1.000 năm, tốn kém còn hơn. Dân lo lắm! Đừng chăm bẵm những tượng đài, lễ kỷ niệm, điểm nhấn… chi đó hoành tráng, hãy cứ lo cho dân no ấm đi, đó mới là cái đức của người làm quan!
Hồ Hùng