Quả bom tấn ở Hà Giang
Góc bình luận - Ngày đăng : 07:29, 18/07/2018
Quả bom giáo dục ở Hà Giang đã nổ.
Không nổ lúc này thì sẽ nổ lúc khác, không ở Hà Giang thì sẽ ở tỉnh khác, không thể khác được.
Có người sẽ mắng “đừng có té nước theo mưa”, nói thì dễ, làm khó lắm. Tôi biết đây là nỗi đau chứ sung sướng gì mà còn xát muối vào lúc này. Đã không cảm thông mà còn nói những lời cay đắng là độc ác... nhưng không thể ngoảnh mặt làm ngơ bởi nếu cứ ngơ mãi thì chuyện phạm pháp vẫn cứ xảy ra.
Chắc chắn không chỉ mình ông Vũ Trọng Lương - Phó trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng (Sở GD-ĐT Hà Giang) làm chuyện này. Điều đó khẳng định một sự thực khác là không thể giải quyết tận gốc những lùm xùm của giáo dục bằng một hệ thống giáo dục ọp ẹp, lệch hướng như hiện nay mà phải giải quyết nó trong cả hệ thống. Ai đã móc ngoặc khiến ông Lương phạm pháp? Xã hội đấy, những người ngoài hệ thống đấy. Họ biết là phạm pháp nhưng vẫn mua chuộc hoặc ép người khác phạm pháp. Nếu các cơ quan chức năng sau khi xử lý xong chuyện nâng điểm mà “đóng” chuyện này lại thì sẽ lại có những vụ tương tự nữa, chỉ có điều nó sẽ tinh vi hơn và khó phát hiện hơn thôi.
Nhiều người đã thể hiện sự phẫn nộ rất lớn với ngành giáo dục. Điều đó đúng nhưng không công bằng. Phải đặt câu hỏi vì sao có thảm trạng này? Những ai đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra thảm trạng ấy? Tôi hoan nghênh Bộ Giáo dục - Đào tạo đã nhanh chóng phanh phui vụ này và mong không dừng lại ở đây.
Nhiều năm trước khi còn phụ trách tuyển sinh, năm nào trường tôi cũng phải nhận vài chục em giành được giải nhất, nhì thi quốc gia hoặc tốt nghiệp xuất sắc không phải thi đại học. Và chỉ sau 3 học kỳ sẽ có dăm mười em phải thôi học vì năng lực quá kém. Số này là thí sinh tốt nghiệp xuất sắc ở địa phương. Tôi đã cảnh báo chuyện như vậy, đề nghị điều chỉnh việc xét tuyển nhưng không được chấp nhận. Nếu còn thi như hiện nay để chọn vào đại học sẽ khó tránh chuyện tiêu cực như đã xảy ra vì cái gốc của vấn đề chưa được giải quyết.
Quả bom thi cử Hà Giang nổ bung đã bày ra cho xã hội thấy một sự thực tồi tệ. Rất đau nhưng trong cái rủi có cái may: nó mở mắt cho những người cố tình không nhìn thấy những tử huyệt không chỉ của giáo dục, mà của cả xã hội. Sự dối trá, lươn lẹo, không coi pháp luật ra gì, sẵn sàng làm mọi chuyện chà đạp cả lương tâm, phạm pháp vì lợi ích của cá nhân hoặc bè cánh mình, có ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực.
Vấn đề là xóa bỏ nguyên nhân của những tiêu cực ấy. Cái đó mới là cơ bản vì không phải nhằm chữa những đám cháy lẻ tẻ, bít những lỗ rò đang chực bùng ra mà là diệt tận gốc tình trạng này.
Phạm Quang Long