'Trả ghế', 'chuộc ghế' và công tác tinh giản bộ máy

Góc bình luận - Ngày đăng : 06:45, 13/07/2018

Nhân chuyện ở Đà Nẵng và ở một vài nơi khác, một số người lại dí dỏm cho rằng, phải chăng đây là chế độ đặc biệt dành cho các chức sắc lãnh đạo, xem như một cách bù đắp khi họ chấp nhận "trả ghế" trước thời hạn. Và như vậy, phải chăng đây là việc nhà nước đứng ra "chuộc" chiếc ghế?

Có dịp đi tìm hiểu quanh chuyện đổi mới, sắp xếp tổ chức của hệ thống chính trị nhằm tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu quả ở một số địa phương các tỉnh phía Bắc, tôi thấy cái cách mà Đà Nẵng vừa đề xuất là hỗ trợ, khuyến khích nghỉ sớm với cán bộ lãnh đạo ngấp nghé tuổi nghỉ hưu (nữ là 50, nam 55) bằng một khoản tiền 200 triệu đồng thực ra không phải là cái gì mới và sáng tạo.

Nó đã được một số địa phương "có điều kiện" vận dụng từ vài năm nay. Từ một góc nhìn nào đó, cũng nên nghiên cứu, vận dụng. Song với những tỉnh nghèo, ngân sách thu không đủ chi thì lại là cả một vấn đề không dễ.

Nó càng không phải là chủ trương được ban hành thành nghị định kiểu như một nghị định vào cuối những năm 80 - đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Đó là chính sách "về (hưu) một cục" theo Nghị định 176/CP/1989 cho người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng thuộc diện tinh giản biên chế. (Cũng vì thế nó còn được gọi là "về chế độ 176"). Cũng không phải như gần đây ở một vài địa phương đã khuyến khích những đối tượng về nghỉ sớm được hưởng chút đãi ngộ tạm gọi là “để bù đắp”.

Nhân chuyện ở Đà Nẵng và ở một vài nơi khác, một số người lại dí dỏm cho rằng, phải chăng đây là chế độ đặc biệt dành cho các chức sắc lãnh đạo, xem như một cách bù đắp khi họ chấp nhận "trả ghế" trước thời hạn. Và như vậy, phải chăng đây là việc nhà nước đứng ra "chuộc" chiếc ghế?

Dù ủng hộ quan điểm cần có sự hỗ trợ tài chính nhất định cho người nghỉ hưu sớm, song vấn đề là với đối tượng nào và bao nhiêu thì có thể chấp nhận, khi mà nền kinh tế nước nhà còn khó khăn bội phần. Nếu không tính kỹ, chắc gì tiết kiệm? Chắc gì đáp ứng chủ trương là để giảm chi tiền ngân sách?

Nếu như nhà nước ra chủ trương chung này thì dù ngân sách từ đâu, suy cho cùng cũng là tiền dân đóng thuế. Nếu hỗ trợ nhiều cũng có nghĩa ngân sách phải chi một khoản không nhỏ cho công việc này. Như thế, ngoài lương hưu, người nghỉ sớm được bù một khoản tiền tương đương khoảng 2 năm lương đi làm (với cán bộ lãnh đạo địa phương tầm tuổi gần nghỉ hưu, hệ số lương của họ thường từ 5,0-8,0 cộng với phụ cấp trách nhiệm tuỳ cương vị).

Để giảm chi ngân sách và cũng để nhất quán, nên ban hành một chính sách thống nhất cho toàn quốc, tránh mỗi địa phương mỗi kiểu. Liệu có thể hỗ trợ thêm một khoản nào đó nhưng chỉ ở tầm 50% lương chính/tháng trong 2 năm là thoả đáng. Đồng thời phải làm cho họ thấu hiểu, nếu không như vậy thì không thể cải cách được bộ máy vốn quá cồng kềnh và kém hiệu quả vì năng suất lao động rất thấp, nợ công đã ở ngưỡng chạm trần, kinh tế đất nước còn rất nhiều khó khăn...

Mới đây, tỉnh uỷ Quảng Ninh có một cuộc làm việc với Ban Nội chính Trung ương . Có một vị lãnh đạo trong đoàn công tác nói trên khi nêu ra thắc mắc rằng, tại sao tỉnh uỷ Quảng Ninh thực hiện tinh giảm đầu mối, biên chế khá mạnh mẽ mà trên trung ương lại không hề nhận được đơn thư thắc mắc hay khiếu kiện?

Bà Đỗ Thị Hoàng, phó Bí thư Thường trực tỉnh uỷ cho biết là đúng như thế. Vậy phải chăng nơi đây đang có những bí quyết đáng để các địa phương tham khảo và học tập, dù tôi biết, Quảng Ninh cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ như mới đây Đà Nẵng đề xuất. Có lẽ, để không có đơn thư khiếu kiện, theo tôi đó là do cán bộ đảng viên ở đây biết hy sinh cái riêng vì cái chung. Họ hiểu rằng tổ chức Đảng đang tiến hành một cuộc cách mạng về tinh giản bộ máy tổ chức.

Quả thật, đã đến lúc phải có một cuộc cách mạng thật mạnh mẽ về công tác tổ chức trong hệ thống chính trị. Chính sách hỗ trợ là cần thiết nhưng cũng không nên coi đó là yếu tố quyết định.

Quốc Phong