Quy tụ hiền tài bằng tinh thần dân tộc: Cần đẩy mạnh hòa giải dân tộc
Góc bình luận - Ngày đăng : 17:10, 04/09/2018
Trong buổi tiếp đón 100 người Việt trẻ tiêu biểu hoạt động trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ ở nước ngoài trở về nước tham dự Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo hôm 19.8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Lịch sử cho thấy, đất nước chỉ hưng thịnh khi mà chúng ta khơi dậy được lòng yêu nước, quy tụ được người tài đức dốc lòng vì nước, dám xả thân vì nghĩa lớn. Đất nước không có người hiền tài thì không thể hưng thịnh...". Điều đó rất đúng và sẽ luôn luôn là cần thiết. Song, để quy tụ được người tài, vốn dĩ không thiếu trong cộng đồng người Việt ta ở hải ngoại trở về Tổ quốc tham gia xây dựng đất nước, nói về lâu dài thì rất đáng kỳ vọng, nhưng cũng không thật dễ dàng như nhiều người nghĩ, nếu cả hai phía chưa cùng độ lượng.
Một đất nước với 80 năm bị thực dân Pháp đô hộ, 20 năm bị chia cắt đôi miền với 2 chế độ xã hội khác nhau. Một đất nước chỉ trong 2/3 thế kỷ mà có đến 2 cuộc ly gián trong mỗi gia đình vì chiến tranh , vì lý tưởng không cùng một hướng, ý thức hệ cũng khác nhau... thì đương nhiên hòa giải là không hề dễ dàng. Việc làm sao để có thể sớm đi đến hàn gắn vết thương chiến tranh (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), làm sao sớm hoà hợp và hoà giải dân tộc để nắm tay nhau cùng đi về phía trước cho dù có thể đâu đó vẫn còn bất đồng là rất cần thiết. Theo tôi, chỉ có thể bằng cách cùng tôn trọng chính kiến của nhau nhưng hãy cùng một lòng vì dân tộc; cùng chấp nhận xây dựng đất nước ngày một mạnh giàu, hạnh phúc , dân chủ và văn minh bởi đó chính là khát vọng chung nhất của mỗi người Việt Nam yêu Tổ quốc, có lòng tự hào và tự tôn dân tộc .
Cũng vì đất nước có đến hai lần phân ly như tôi vừa đề cập cho nên trách nhiệm của lớp người cao tuổi là làm sao cùng nhau giải toả tất cả những gì thuộc về lịch sử để nó nằm lại trong quá khứ. Cần hiểu cho thấu đáo, căn cơ, có lý có tình thì khi đó mới có được sự sẻ chia để gác lại mọi chuyện quá khứ. Trước ngày ra đi, những người ra đi mang trong lòng cả nỗi tủi cực, cay đắng do những sai lầm của bên này hoặc bên kia thuộc lớp người đi trước để lại. Tuy nhiên, lòng tự hào dân tộc lại chính là thứ giúp mọi người xích lại gần nhau vì nghĩa tình non nước, tình ruột thịt trong mỗi người con nước Việt...
Tôi cứ nghiệm từ câu chuyện có thật năm xưa ở quê nội mình là ngôi làng cổ Hành Thiện, huyện Xuân Trường , Nam Định và được cha ông mình kể lại thì đủ biết nỗi buồn của người từng tha hương ra sao. Sau ngày hoà bình lập lại năm 1954, số gia đình di cư vào Nam hoặc sang Pháp là người gốc làng tôi có cả trăm (kể cả những người đã sinh sống ở nơi khác, không còn ở hẳn quê hương). Tôi thấy có những cảnh gia đình ly tán nửa đi, nửa ở rất đau lòng vì mỗi người đều có cách nghĩ riêng, có lý tưởng riêng của mình. Họ vào Nam (1954) hay sang Mỹ định cư (1974 -1975 và cuối thập niên 70 - đầu 80 của thế kỷ trước) đều tập hợp nhau lại cùng xây chùa Hành Thiện. Mục đích là để kiếm nơi gặp gỡ nhau khi có dịp lễ tết, cúng tuần cho đỡ nhớ quê.
Cải cách ruộng đất những năm 1952-1953 ở miền Bắc đã khiến quê tôi có nhiều câu chuyện đấu tố địa chủ cường hào cười ra nước mắt cùng những bi kịch nghe đến nghẹn lòng khiến họ không chịu nổi mà ra đi khi thấy bế tắc. Làng tôi tuy có rất nhiều người làm quan, có rất nhiều địa chủ và cũng có nhiều trí thức, học cao, tài giỏi nhờ truyền thống hiếu học từ nhiều trăm năm trước. Song nó vẫn là một vùng quê nghèo do đất chật, người đông, ít ruộng đất. Cải cách ruộng đất (CCRĐ) giải quyết cơ bản vấn đề người cày phải có ruộng và giúp cho tầng lớp bần cố nông lâu nay bị bóc lột có cuộc sống mới. Song CCRĐ cũng phạm phải những sai lầm nghiêm trọng khiến một bộ phận dân chúng khó nguôi ngoai.
Để lấy lại lòng tin của nhân dân, Đảng Lao động Việt Nam triển khai hai việc: Một là thi hành kỷ luật những người trực tiếp chỉ đạo và điều hành công cuộc CCRĐ. Hai là tiến hành sửa sai, xác định lại thành phần, tránh xử oan khiến lòng người ai oán, thù hận chế độ. Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay thời kỳ đó đã thay mặt Đảng, công khai xin lỗi trước toàn dân và nói: “Một đảng mà giấu diếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận những khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó vì đâu mà có và tìm mọi cách mà sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”...
Tôi có biết một gia đình vốn là bà con ruột thịt với thân mẫu tôi. Cô V.T.X.P vốn là một tiến sĩ Xã hội học, sống ở Pháp từ 1954. Ngay sau ngày Việt Nam thống nhất , bà đã về ngay Hà Nội và rất khát khao được trở về nước làm việc vì ngày đó, chúng ta chưa có ngành khoa học này. Ngày đó, tôi đang là sinh viên Đại học Tổng hợp ngành Văn nên cũng thấy lạ và cảm kích đối với bà. Lạ là bởi tôi biết bà vốn là con gái nhà tư sản buôn vàng nổi tiếng mang tên Tiến Đạt mà mẹ tôi phải gọi thân phụ cô bằng chú ruột. Họ rất giàu có ở phố Hàng Ngang (Hà Nội), từng có gốc gác buôn vàng trước đó từ đời bà ngoại cô ở Hàng Bạc. Lúc tiếp quản Thủ đô, gia đình các cụ di cư cả sang Pháp, để lại hàng chục ngôi nhà, nhiều cái là biệt thự rất lớn mà không thể bán tháo đi trước ngày di cư được .
Năm 1998, tôi sang Pháp đưa đội bóng U.22 báo Thanh niên sang tập huấn ở thành phố Nancy. Tôi có đến Paris thăm các cụ. Khi tôi hỏi ông trẻ rằng ông bà có muốn về Hà Nội lần nữa thăm gia đình họ hàng không thì bà cụ khi ấy khoảng 80 tuổi đã nói với tôi rằng "cũng nửa muốn nửa không. Muốn vì ông bà cũng rất nhớ quê nhà sau gần nửa thế kỷ đi xa. Song, cũng không muốn về vì về thì sẽ phải nhìn lại những ngôi nhà do mình tạo dựng sau nhiều năm bằng mồ hôi, nước mắt mới có được, giờ bị mất hết, nếu lại phải thấy nó thì thêm nỗi đau xót vô cùng, e sẽ chịu không nổi!"
Tôi thấy đắng ngắt trong lòng mà cũng không biết nói sao khi được ông trẻ đưa ra cả một bó mười mấy bộ hồ sơ nhà đất mà 2 cụ mang sang Pháp như một chút hy vọng có ngày được sẽ được Chính phủ trả dù chỉ là một ngôi nhà thờ tiên tổ của mình trong số đó .
Thế nhưng, cô con gái của cụ thì về Việt Nam liên tục và không tỏ ra oán thán gì nhiều chuyện cũ. Cô làm việc rất say mê và có lúc tâm sự với mẹ tôi rằng, cô sẵn sàng về nước làm việc, đóng góp xây dựng ngành khoa học xã hội quê nhà. Lương thấp cũng không sao vì gia đình cũng không đến mức khó khăn. Cô X.P. còn nói sẽ sẵn sàng quây tôn trên sân thượng của chính ngôi nhà cha cô từng ở và buôn bán ở phố Hàng Ngang để ở cho rẻ, khỏi phải thuê nhà và phiền nhà nước vì cô cũng hiểu xin được thuê nhà nhà nước là không dễ có được. Tôi thì không tin lắm vì thấy chỉ nội chuyện xếp hàng ở dưới nhà rồi xách nước lên tầng 4 mỗi ngày trong khi vòi nước chỉ chảy yếu như vòi ấm trà thì chịu sao nổi với một phụ nữ rời Hà Nội sang Tây năm mới có mươi tuổi. Ấy là còn chưa nói chuyện tế nhị hơn. Số là ngôi nhà ấy xưa kia chủ yếu để buôn bán chứ không ở lại về đêm nên kiến trúc cũng thất sách, ít toilet, trong khi đã có cả chục hộ dân được nhà nước cho về ở chung thì bất tiện đến mức nào.
Sự háo hức "trở về" cống hiến ngày đó của cô V.T.X.P thật đáng trân trọng nhưng cũng dần bị phai nhạt khi đất nước ta sau đó phạm phải nhiều sai lầm trong thời kỳ giá lương tiền khiến đời sống người dân lao động vô cùng bế tắc, đi xuống . Tư duy kinh tế lạc hậu và nhiều thứ sai lầm khác khiến họ hoang mang và dần dần không muốn trở về nữa dù trong lòng vẫn vô cùng nhớ quê hương...
Tôi kể ra một ví dụ trên cũng là để thấy, giữa 2 thế hệ như vậy trong một gia đình cũng đã có sự khác nhau nhất định. Huống hồ thế hệ thứ 3 là các cháu nội ngoại của nhà tư sản buôn vàng ấy. Tôi nghĩ, thế hệ thứ 3 này rồi sẽ rất khác nếu chúng ta nhìn gia đình những nhà buôn xưa kia ấy không bằng con mắt kỳ thị, hẹp hòi, gọi họ bằng những từ như "bọn tư sản bóc lột". Khi đó, họ sẽ rất sẵn sàng đóng góp cho đất nước nếu thấy con đường và hướng đi của nước nhà sáng sủa, tích cực... một khi đã hoà giải .
Tôi cũng có lần tâm sự những câu chuyện này với GS. TSKH, Viện sĩ Hàn lâm Khoa học Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp Các Hội KHKT Việt Nam, ông rất chia sẻ và thừa nhận rằng, tấm lòng yêu nước của kiều bào ta ở nước ngoài rất đáng trân trọng. Cái ngày đất nước mình còn lạc hậu, chưa có điều kiện tiếp thu công nghệ mới, sách vở thì thiếu thốn, trí thức kiều bào ta giúp nhà nước rất nhiều. Không hẳn lúc nào cũng là phương tiện, kỹ thuật, vật chất mà nhiều khi chỉ là những góp ý, những mách bảo do họ từng đi trước chúng ta. Cái đó rất quý báu và khó có gì sánh được. Những năm GS Đặng Vũ Minh còn làm Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ông đã rất ấn tượng về những điều đó từ kiều bào ta ở hải ngoại mỗi khi tiếp họ cũng như khi ta sang nước bạn công tác, được bà con giúp đỡ hết lòng.
Chuyện ly tán gia đình trước và sau sự kiện Việt Nam thống nhất (30/4 năm 1975) ở nước ta có lẽ cũng là câu chuyện buồn vui lẫn lộn. Tôi rất thấm thía với phát biểu của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngày nào về vấn đề hoà hợp, hoà giải dân tộc. Đọc lại mà thấy ông, một lãnh tụ cộng sản và là một con người độ lượng, sâu sắc đến kỳ lạ, đáng nể trọng.
Năm 2005, ông Võ Văn Kiệt đã tâm sự: "Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu... Đối với Việt Nam, nhất là ở miền Nam, tôi thường biết và hiểu nhiều gia đình đều có hai bên hết. Chính trong thân tộc của tôi, các anh em tôi, các cháu ruột của tôi cũng có số bên này và số bên kia. Cái đó có hoàn cảnh của nó. Có những gia đình một người mẹ có con đi chiến đấu, chết ở bên này và đứa con khác thì đi chiến đấu chết ở phía bên kia...".
Ngày 30.4.2007, trả lời phỏng vấn BBC, ông phát biểu: "Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả... Hơn 30 năm rồi, năm nay nữa là 32 năm, không có lý do gì giữa chúng ta với nhau không hòa giải được... Tôi đã đặt vấn đề này và cũng viết trong một số bài rằng có một cách nhìn méo mó từ phía một số người cộng sản rằng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội là đúng, còn những người yêu nước khác mà không yêu chủ nghĩa xã hội thì không yêu nước đủ như mình... Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào... ". Võ Văn Kiệt cho rằng đã tới lúc bỏ lại phía sau những chia rẽ mà theo ông phần nhiều do nước ngoài can thiệp gây ra. Theo ông, "chính kiến khác nhau, ý kiến khác nhau là bình thường, và điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng... Chính phủ không nên áp dụng biện pháp hành chính đi đầu với họ, trừ phi là con người hoặc sự việc đó có nguy hại đối với đất nước, nhưng không được quy chụp người ta". Ông cho rằng: "quốc gia nào khắc phục được những mâu thuẫn nội tại để cùng tìm thấy niềm tự hào chung, lợi ích chung thì có thể tạo ra sức mạnh nội lực và do đó càng có uy tín quốc tế. Kể cả những nước nhỏ, nếu có những yếu tố đó thì cũng vẫn tạo ra thế mạnh. Ngược lại, nơi nào mà dân tộc chia rẽ, đối địch với nhau, thì dù có tài nguyên quốc gia phong phú, có dân số đông đúc, vẫn không tạo ra sức mạnh, vị thế quốc tế, do đó cũng không thể vững vàng... Những kinh nghiệm quốc tế vừa qua càng chỉ rõ thêm rằng, nếu chỉ dùng đối đầu và bạo lực để giải quyết những thù hận thì chỉ đẻ ra thù hận. Nếu dùng cách cảm hóa để giải quyết thù hận thì có thể triệt tiêu được thù hận và tạo ra sức mạnh càng ngày càng dồi dào hơn. Nếu cứ còn chia rẽ do hận vì bại, kiêu vì thắng, thì có ích gì cho bản thân, cho đất nước, cho hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế? Nhìn ra thế giới, càng nghiệm thấy rằng tài nguyên lớn nhất cho mọi quốc gia chính là tài nguyên con người. Nếu quy tụ được sức người, thì nhiều nguồn lực khác cũng có thể được quy tụ. Con người mà không quy tụ, thì mọi nguồn lực khác cũng rơi rụng... Muốn thế, cần ngồi lại với nhau. Bằng thiện chí, bằng tấm lòng chân thật, hãy cùng nhau xem lại một cách sòng phẳng những chỗ hay, chỗ dở, chỗ nào đã khắc phục được rồi, chỗ nào còn phải hoàn thiện tiếp... ".
Hoà hợp và hoà giải dân tộc sẽ còn là câu chuyện dài của nhiều thế hệ người Việt Nam bởi đất nước chúng ta bị chiến tranh chia cắt quá lâu. Những quá khứ tốt đẹp, thành công có nhưng chính chúng ta cũng phạm phải sai lầm nghiêm trọng như CCRĐ năm 1953 ở miền Bắc; rồi những sai lầm hoặc chưa đúng khi cải tạo tư sản, công thương sau đó ở miền Bắc (1954-1956) cũng như sau năm 1975 ở miền Nam khiến nền kinh tế bị kiệt quệ. Điều này đã khiến cho ngành công thương nước nhà rệu rã. Điều đó ít nhiều gây băn khoăn cho trí thức ở hải ngoại, làm cho phương hướng phát triển đất nước đi vào ngõ cụt khiến họ hoài nghi.
Đó là chưa nói chuyện cải tạo một lực lượng không nhỏ từng tham gia chính quyền cũ đã không khỏi khiến cho lòng người phân tán và thêm một lần dòng người rời bỏ quê hương ra đi trong đau xót...
Cần hiểu, họ cũng là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc và chúng ta thì cũng từng có những bước làm chưa phải, thậm chí sai lầm khiến kinh tế nước nhà đi xuống làm họ mất niềm tin. Tuy nhiên, về nhiều lĩnh vực văn hoá xã hội khác nữa, cũng không phải không có chuyện cần có một cách nhìn và ứng xử thoáng hơn để thu phục nhân tâm những người sống xa Tổ quốc.
Ngay lúc này, có những chuyện mà người trong nước có thể làm ngay. Đơn cử là câu chuyện nghĩa trang binh sĩ Việt Nam Cộng hoà chôn ở Biên Hoà chưa được quan tâm đúng mực khiến người thân của họ mủi lòng. Điều này cần xem như việc nên xử lý sớm để hàn gắn vết thương những người đã mất cũng như người thân của họ còn sống...
Rồi ngay cả một ví dụ khác nữa, nên gọi những binh sĩ chế độ Việt Nam Cộng hoà chết trận khi bảo vệ quần đảo Hoàng Sa năm 1974 trước quân Trung quốc xâm lược là gì? Họ cũng đã hy sinh thực sự vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của nước Việt Nam chúng ta đó thôi! Hãy nên công tâm và khách quan trong chuyện nhìn nhận này mà cũng đâu mất mát gì. Chúng ta sẽ chỉ có được nhiều hơn mà thôi. Đó là lòng người, là nhân tâm. Tôi nghĩ như thế!
Chúng ta mong được mọi người Việt dù ở bất cứ đâu sẻ chia để những người chịu tổn thất sẽ có chút yên lòng và có thể dịu đi nỗi đau âm ỷ nơi họ suốt non nửa thế kỷ qua. Từ đó, họ sẽ động viên con cháu họ trở về quê hương chung tay đóng góp xây dựng đất nước .
Khó khăn về kinh tế, con đường xây dựng đất nước của Đảng và nhà nước ta chưa dễ được lớp trí thức trẻ hải ngoại tán đồng hoàn toàn trong một sớm, một chiều. Điều đó cũng dễ hiểu. Nhưng tôi nghĩ chúng ta đều có một mục tiêu chung, đó là đều mong muốn xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hoà bình và thịnh vượng, không phụ thuộc. Chính sách, chế độ đối với trí thức trở về quê hương có thể còn lâu mới đáp ứng được cho các bạn trẻ nhưng nếu họ được sự động viên từ gia đình, người thân của họ khi vấn đề hoà giải dân tộc đã được giải quyết ngày càng tích cực và trọn vẹn, tôi tin họ sẽ khắc phục được tất cả.
Điều đó sẽ giúp chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc đưa trí thức tài năng là người Việt trở về quê nhà xây dựng đất nước theo cách thuận lợi nhất, tích cực nhất. Nếu không làm được những việc này, thật khó có thể quy tụ rộng rãi nhân tài và cũng khó thành công vì trước mắt Nhà nước chúng ta chưa đủ tiềm lực "chiêu mộ hiền tài" bằng vật chất. Vì thế, con đường ngắn nhất để chiêu mộ hiền tài với chúng ta, vẫn phải bắt đầu từ lòng yêu nước một khi được khích lệ đúng lúc, đúng chỗ. Mà muốn vậy, một trong nhiều điều cần làm, đó là thúc đẩy hơn nữa việc hoà hợp và hoà giải dân tộc. Trong không khí của ngày Quốc khánh, bằng tất cả tâm huyết và lòng yêu nước, tôi thêm một lần xin được nhắc lại vấn đề tế nhị nói trên để mọi người cùng suy nghĩ...
Quốc Phong