Những người thầm lặng của bóng đá
Góc bình luận - Ngày đăng : 09:32, 29/08/2018
Những trận thắng vang dội của bóng đá Việt làm cho đường phố trên cả nước sôi động. Các máy truyền hình được “dán” vào đó hàng chục triệu con mắt cùng với hàng chục triệu tiếng reo hò, hàng chục bài diễn văn tụng ca, thì lúc đó, tôi luôn nghĩ tới những thầm lặng.
Bóng đá Việt Nam đi tới và bắt đầu từ những người thầm lặng. Họ thầm lặng đi tham quan những lò đào tạo từ nước ngoài bằng tiền túi của họ. Họ thuê HLV giỏi từ khắp các châu lục từ tiền của họ. Họ lặn lội đi tìm các tuyển thủ nhí ở khắp các buôn làng Gia Lai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Đồng Tháp, Long An, Quảng Nam... Họ bỏ tiền cho các kênh truyền hình nhà nước mua bản quyền truyền hình từ nước ngoài để hàng chục triệu người dân được xem. Họ đưa tiền tài trợ cho các giải trẻ, và không hề yêu cầu được trả lại bằng một dòng quảng cáo nào. Họ qua tận Hàn Quốc chọn ông Park Hang-Seo về và tình nguyện trả luôn tiền lương cho HLV này, khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam không tìm ra tiền để trả cho người đã cùng các cầu thủ trẻ U.23 lập nên những kỳ tích đáng “gờm” ở đấu trường châu Á như vừa qua. Tôi mong Thủ tướng và người hâm mộ hãy nhìn vào những con người thầm lặng đó mà tri ân họ, ghi nhận công lao họ đối với nền bóng đá Việt, chứ không phải những người hay công khai danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhân danh sự nghiệp bóng đá.
Bóng đá Việt sẽ hưng thịnh, sẽ có vị trí xứng đáng và càng xứng đáng hơn nữa, nếu như ngày càng có nhiều người thầm lặng và vô tư như vậy. Các tuyển thủ của chúng ta đá trên sân mà không hề ngán ngại những tuyển thủ đến từ những nền bóng đá mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Uzbekistan... là do đâu? U.23 Việt Nam vừa vào bán kết của ASIAD lần này là một kỳ tích. Biết đâu họ sẽ vào đến trận chung kết như ông Park đã nói, ông đang có kế sách thắng được đội bóng Hàn Quốc, quê hương ông. Biết đâu? Và biết đâu một tương lai gần ta lại chạm tay vào Word Cup như các nước Hàn và Nhật ở xứ châu Á này. Muốn vậy ta cần phải có nhiều người thầm lặng hơn để phát triển bóng đá học đường, bóng đá trong doanh trại quân đội, ở các buôn làng... Nhiều người thầm lặng và càng ít những người ham danh, hám lợi vào lĩnh vực này thì Việt Nam ta có nền bóng đá xếp ở top cao ngay. Không khó.
Công chúng bóng đá luôn đứng về phía những người thầm lặng và thực tâm cho nền bóng đá đang cần sự thay đổi quyết liệt này.
Nguyễn Công Khế