Lạm quyền - Căn bệnh của quyền lực

Góc bình luận - Ngày đăng : 11:13, 23/08/2018

Và từ thực tiễn không ít cán bộ ảo tưởng sức mạnh quyền lực trấn áp người dân như thế, đã đặt ra một vấn đề là: lạm quyền đã trở thành một "căn bệnh" gắn liền với người có quyền lực.
Ảnh minh họa: Ngọc Diệp/Dân Trí

Dư luận dậy sóng phẫn nộ khi được tin chiều 15.8, một người dân thu mua khoai mì ở xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh đã bị một công an xã xô chết. Đó là bà Nguyễn Thị Bích (52 tuổi), khi lực lượng liên ngành của xã xuống kiểm tra giấy phép kinh doanh, bà Bích xuất trình giấy phép mang tên người khác thì đoàn kiểm tra đòi tịch thu, bà Bích giằng lại thì bị một công an xã tên T. xông vào đẩy ngã bật ngửa xuống nền bê tông và tử vong.

Quần chúng nhân dân bức xúc. Ở đây bản chất của vụ việc là một mạng người đã phải ra đi oan ức chỉ bởi cách giải quyết lạm dụng quyền lực của lực lượng liên ngành xã.

Chúng ta thừa biết, ở đơn vị cấp xã không có chức năng trấn áp tội phạm đặc biệt nguy hiểm đến mức phải gây nên cái chết cho tội phạm đó. Chỉ có lực lượng chống tội phạm khủng bố, tội phạm ma túy... của cấp tỉnh trở lên với những loại tội phạm nguy hiểm có vũ trang cực kỳ manh động thì mới có quyền trấn áp tiêu diệt trong trường hợp khẩn cấp, khi tội phạm dùng vũ khí gây nguy hiểm cho lực lượng chức năng và người dân.

Nhưng ở đây, chỉ là lực lượng kiếm tra hành chính của xã về giấy phép kinh doanh, và đối tượng kiểm tra chỉ là những người dân buôn bán. Vậy mà lực lượng này đã tự cho mình cái quyền trấn áp đến nỗi gây ra cái chết cho người dân. Trong khi thực ra, nếu vào trường hợp người dân không hợp tác, thì họ cũng chỉ có quyền lập biên bản, ra quyết định xử phạt, nếu không chấp hành thì mới thông báo thời điểm cưỡng chế, sau thời gian đó mới tổ chức cưỡng chế với đầy đủ các ban ngành để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân không bị lực lượng cưỡng chế lạm quyền xâm phạm.

Như vậy ở đây đã cho thấy lực lượng liên ngành xã đã mắc chứng ảo tưởng về sức mạnh quyền lực. Họ đã ngộ nhận rằng quyền lực của họ là của nhà nước giao cho thì nhân dân phải phục tùng họ vô điều kiện, nên họ đã thiếu tôn trọng người dân, ra uy ra oai với dân chúng. Nếu họ hiểu được rằng Nhà nước này là nhà nước "của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân" theo điều 2 Hiến pháp thì họ đã không dám lộng quyền gây chết người như thế.

Và từ thực tiễn không ít cán bộ ảo tưởng sức mạnh quyền lực trấn áp người dân như thế, đã đặt ra một vấn đề là: lạm quyền đã trở thành một "căn bệnh" gắn liền với người có quyền lực. Bất cứ ai được trao quyền lực cũng đều dễ mắc phải chứng bệnh lạm quyền này. Cứ sử dụng quyền lực lâu ngày là y như rằng dễ "phát bệnh” lạm quyền.

Có cơ chế nào để phòng ngừa căn bệnh này? Đó là, hành vi lạm quyền phải bị trừng phạt theo pháp luật, người được trao quyền lực phải được thường xuyên giáo dục về điều 2 của Hiến pháp, đồng thời phải thực hiện cơ chế dân chủ triệt để chứ không phải dân chủ hình thức. "Thuốc" dân chủ sẽ phòng ngừa được căn bệnh lạm quyền.

Phạm Mạnh Hà