Chính sách của ông Biden có ý nghĩa thế nào đến cá ngừ Việt Nam?

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:09, 09/11/2020

Dưới thời Joe Biden, giới chuyên gia và hầu hết các doanh nghiệp đều kỳ vọng Mỹ sẽ quay lại TPP. Điều này sẽ mở ra một cơ hội mới cho ngành thủy sản Việt Nam nói chung và ngành cá ngừ nói riêng.

Mỹ là thị trường nhập khẩu thủy hải sản thứ hai trên thế giới áp dụng chương trình giám sát thủy hải sản nhập khẩu, nhằm chống lại đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) và gian lận thương mại thủy sản.

Việc Mỹ kiểm tra thông tin khai thác và nhập khẩu đối với các loại thủy hải sản sẽ khiến con đường xuất khẩu thủy sản sang Mỹ của Việt Nam trở nên khó khăn hơn. Trong đó đáng chú ý là mặt hàng cá ngừ.

Cá ngừ Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ sụt giảm liên tục trong thời gian qua. Tính đến hết tháng 9 vừa qua, xuất khẩu nhóm mặt hàng cá ngừ tươi, đông lạnh và khô của Việt Nam sang thị trường này giảm gần 39% so với cùng kỳ năm 2019.

Những khó khăn, gian nan của mặt hàng này có thể nhìn qua cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Hiện tại, mức thuế 25% đang được Mỹ áp với cá ngừ Trung Quốc, đây được xem là mức rất cao. Nhiều dự đoán trước đó cho thấy nếu ông Trump tái đắc cử thì nhiều khả năng Mỹ sẽ tiếp tục đóng cửa với cá ngừ Trung Quốc trong ít nhất 4 năm nữa.

Với các quốc gia khác cũng vậy, thủy sản nói chung và cá ngừ nói riêng phải đáp ứng được các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong chế biến thủy sản. Cùng với đó là phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đặc biệt là hệ thống truy xuất nguồn gốc và đảm bảo khả năng truy xuất đến cơ sở nuôi.

Giới chuyên gia cho rằng các chính sách của Mỹ dưới thời ông Biden sẽ cởi mở hơn so với Trump, đặc biệt là chính sách về kinh tế. Bởi lẽ, quan điểm khi tranh cử của ông Trump cho thấy sự ủng hộ tự do hoá thương mại toàn cầu và việc giảm bớt các chính sách bảo hộ.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định sẽ trao cho nước này các thoả thuận thương mại tự do với 11 nước thành viên khác là Peru, Mexico, Việt Nam, Canada, NhậtBản, Malaysia, Australia, New Zealand, Chile, Brunei, và Singapore. Sau đó, một hiệp định mới đã được 11 nước thành viên còn lại đã thảo luận và thông qua – Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trong khi đó, giới chuyên gia Việt Nam cho biết ông Biden ủng hộ việc khôi phục lại Hiệp định thương mại TPP (nay là CPTPP) mà ông Trump đã từ bỏ 4 năm trước. Hiệp định này được đánh giá là có rất nhiều ưu đãi cho các nước tham gia, trong đó có Việt Nam.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết nếu Mỹ ký thoả thuận này, cá ngừ Việt Nam có thể được hưởng thuế suất ưu đãi 0%. Ngoài ra, một số thành viên tiềm năng đóng vai trò quan trọng tại thị trường cá ngừ Mỹ, như Thái Lan và Philippines, hay Colombia và Đài Loan cũng có thể tìm đường vào thị trường Mỹ nếu sản phẩm của họ được hưởng ưu đãi về thuế.

Vasep cho rằng, các đề xuất kinh tế của ông Biden bao gồm các khoản ưu đãi cho hàng hoá sản xuất tại Mỹ và một danh sách dài các khoản trợ cấp cho các ngành công nghiệp trong nước cho thấy nhiều cơ hội của mặt hàng thủy sản Việt Nam, trong đó có cá ngừ sẽ gia tăng được xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Tuyết Nhung