Năm 2021, Việt Nam sẽ có vaccine chống dịch tả lợn châu Phi

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:25, 09/11/2020

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông cho biết nếu điều kiện thuận lợi thì quý 3/2021 sẽ có vaccine chống dịch tả lợn châu Phi.

Đại biểu Mai Sỹ Diến sáng 9.11 đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường rằng: Người chăn nuôi không vui vì hàng năm thất thiệt kinh tế nếu dịch bệnh xảy ra trên diện rộng. Vì vậy, Bộ trưởng cho biết đã chỉ đạo nghiên cứu sản xuất vaccine chống dịch tả lợn châu Phi như thế nào?

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết Việt Nam đã phân lập, lựa chọn và hình thành được "ngân hàng virus dịch tả lợn châu Phi" để làm cơ sở nghiên cứu.

dich-ta-lon-chau-phi(1).jpg
Việt Nam dự kiến sẽ có vaccine chống dịch tả lợn châu Phi vào quý 3/2021 - Ảnh: Internet

Cùng với đó là tập trung giải trình tự gen của các chủng virus để phục vụ nghiên cứu chuyên sâu sản xuất vaccine và chế phẩm sinh học phục vụ cho công tác xét nghiệm; và xuất được một số chế phấm sinh học dùng trong chăn nuôi lợn để nâng cao sức đề kháng, kìm hãm sự phát triển của dịch bệnh.

Trong đó, đáng chú ý là các nhà khoa học đang hoàn thiện quy tình công nghệ để sản xuất vaccine thử nghiệm ở quy mô lớn hơn trong thời gian tới. Hiện nghiên cứu đã chọn tạo dòng lợn kháng được bệnh dịch tả lợn châu Phi. Cụ thể là đã chọn lọc được 85 lợn nái sống sót ở các ổ dịch lớn có kháng thể hiện đang còn sống và sinh sản ở thế hệ vừa qua tốt. Thế hệ con sinh ra cũng có kháng thể dịch tả lợn châu Phi.

Theo Bộ trưởng, bước đầu thử nghiệm vaccine đã đạt được kết quả khả quan. Các chuyên gia và doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ báo cáo nếu tình hình thuận lợi thì đến quý 3/2021 Việt Nam sẽ có vaccine chống dịch tả lợn châu Phi

Về việc xây dựng cơ sở vùng an toàn dịch bệnh, Bộ trưởng cho biết, tính đến tháng 10 vừa qua, cả nước đã xây dựng được 2.500 cơ sở an toàn dịch bệnh, chuỗi sản phẩm khép kín, vùng an toàn dịch bệnh với tổng số khoảng 400 triệu con gia súc, gia cầm tại 22 vùng cấp huyện, 109 vùng cấp xã và trên 2.400 cơ sở riêng biệt.

Từ nay đến năm 2025 dự kiến sẽ có 50 vùng an toàn cấp huyện, liên huyện, có trên 10.000 cơ sở riêng biệt đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tuyết Nhung