Xây dựng Chính phủ điện tử tác động mạnh đến phát triển kinh tế
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:35, 09/11/2020
Trả lời đại biểu quốc hội về cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối dùng chung có lãng phí nguồn lực ngân sách, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết dữ liệu của Bộ ngành, địa phương không giống nhau và không chồng chéo. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chất lượng dữ liệu; hiện có 6 cơ sở dữ liệu quốc gia và Chính phủ tập trung thúc đẩy các dữ liệu này.
Về hạ tầng chứa dữ liệu, theo Bộ trưởng, nhiều đơn vị xây dựng hạ tầng chứa dữ liệu của riêng mình, nhưng nguồn vốn ít nên dữ liệu chưa đạt chuẩn. Vì vậy, Chính phủ sẽ đầu tư hạ tầng dữ liệu lớn cho các dữ liệu quốc gia, các đơn vị khác nếu có nhu cầu thì nên dùng chung để tránh lãng phí.
Trả lời câu hỏi về việc xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết xây dựng Chính phủ điện tử đã tác động rất mạnh tới phát triển kinh tế. Riêng Cổng dịch vụ công quốc gia là hệ thống tương tác giữa các cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp và người dân đã giúp tiết kiệm hơn 6.000 tỉ đồng mỗi năm.
Về dữ liệu, Bộ trưởng cho biết chúng ta xử lý song song, vừa tập trung vừa phân tán. Điển hình như cơ sở dữ liệu đất đai hiện đang nằm ở các địa phương, chỉ cần kết nối với bộ ngành, địa phương để xử lý. Chính phủ đã ban hành Nghị định 47 về kết nối và chia sẻ dữ liệu, Nghị định 45 về thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Như vậy, chúng ta sử dụng cái đã có, không cần đầu tư mới. Với những dữ liệu mới thì cần đầu tư mới.
Ngoài ra, Bộ trưởng cho biết, việc cải cách ứng dụng CNTT đã giúp làm thay đổi rất lớn về lề lối làm việc, có sự giám sát của người dân và báo chí theo hướng công khai, minh bạch.
Theo Nghị định 47 về Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan Nhà nước, dữ liệu hình thành trong hoạt động của cơ quan Nhà nước được chia sẻ phục vụ các hoạt động của cơ quan nhà nước hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật trong việc tạo lập, quản lý và sử dụng dữ liệu.
Cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm chia sẻ dữ liệu với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật; không cung cấp thông tin qua hình thức văn bản đối với thông tin đã được khai thác qua hình thức kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin; không được thu thập, tổ chức thu thập lại dữ liệu hoặc yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin, dữ liệu trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính nếu dữ liệu này đã được cơ quan nhà nước khác cung cấp, sẵn sàng cung cấp thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu, trừ trường hợp dữ liệu đó không bảo đảm yêu cầu về chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành hoặc pháp luật có quy định khác.
Việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước không làm ảnh hưởng tới quyền lợi và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, không được xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trừ trường hợp pháp luật có quy định khác… Đặc biệt, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu phải tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và các quy định cụ thể.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết từ tháng 6.2020, Bộ TT-TT đã ban hành Khung về chuyển đổi số; từ đó, các bộ ngành, địa phương sẽ ban hành đề án của mình.
Đến nay, đã có 20 bộ ngành, địa phương lập kế hoạch chương trình chuyển đổi số. Có những địa phương triển khai nhanh như TP.HCM, Thừa Thiên – Huế. Thậm chí, có tỉnh đã ra nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số. Bộ TT-TT đã thúc đẩy doanh nghiệp CNTT Việt Nam triển khai xây dựng làm chủ nền tảng số trong công cuộc chuyển đổi số của đất nước.