Làm giả bằng đại học và lái xe, đi tù bao nhiêu năm?

Sự kiện - Ngày đăng : 13:00, 10/11/2020

Hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức và hành vi sử dụng tài liệu con dấu giả để thực hiện hành vi trái pháp luật đều có thể bị xử lý hình sự với mức hình phạt cao nhất có thể tới 7 năm tù.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 9.11 về tình trạng tội phạm giả mạo giấy tờ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết tình trạng những kẻ giả mạo trang web quảng bá các dịch vụ làm giấy tờ giả, chứng chỉ giả với nhiều mức giá đã diễn ra công khai. Bộ Công an đã chỉ đạo cơ quan chức năng triệt phá các tổ chức, băng nhóm, đường dây làm giấy tờ giả.

Bộ trưởng Tô Lâm dẫn ví dụ điển hình về đường dây tổ chức làm giả giấy tờ quy mô lớn, lực lượng chức năng thu giữ được khoảng 1.500 mẫu dấu cùng nhiều máy móc phục vụ làm giấy tờ, con dấu giả. Qua đấu tranh, những kẻ này khai nhận có thể tự thực hiện các bước chế tạo giấy tờ giả từ phôi bằng, con dấu tự ký; sẵn sàng nhận làm giả hầu hết các loại giấy tờ như bằng tốt nghiệp đại học, bằng lái xe, các loại bằng phục vụ cho đề bạt, bổ nhiệm cán bộ…

unnamed.jpg
Những giấy tờ giả bị lực lượng chức năng thu giữ - Ảnh: Internet

Trao đổi với PV Một Thế Giới, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) phân tích: “Theo quy định của pháp luật, chỉ có cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân mới được phép sử dụng con dấu, được ban hành các tài liệu, văn bản của cơ quan, tổ chức mình, đặc biệt là những bằng cấp, chứng chỉ là những giấy tờ ghi nhận trình độ năng lực, chuyên môn luôn có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước”.

Theo luật sư Cường, việc những kẻ làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức sẽ ảnh hưởng đến trật tự quản lý hành chính, những bằng giả, chứng chỉ giả sẽ tác động lớn đến việc đánh giá chất lượng nguồn lao động, đặc biệt là những lao động có thể tác động đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, đến tính mạng, sức khỏe của người dân.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức và hành vi sử dụng tài liệu con dấu giả để thực hiện hành vi trái pháp luật đều có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức hình phạt cao nhất có thể tới 7 năm tù.

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Cường cũng cho rằng có nhiều người do thiếu hiểu biết pháp luật hoặc bất chấp pháp luật nên đã cố tình thực hiện hành vi làm giả tài liệu và sử dụng tài liệu giả công khai, ngang nhiên trên mạng xã hội. Đây là vấn nạn gây nhức nhối trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự quản lý hành chính cũng như đến chất lượng nguồn lao động, đến công tác quản lý cán bộ, gây ra những tiêu cực, hệ lụy trong xã hội.

Vì vậy, luật sư cho rằng việc phát hiện, xử lý những kẻ làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức và những người sử dụng tài liệu con dấu giả là cần thiết để đảm bảo trật tự quản lý hành chính, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 9.11, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh cần tăng cường, tuyên truyền khuyến cáo về phương thức thủ đoạn làm giấy tờ giả; đề xuất phát hiện các văn bằng chứng chỉ giả để xử lý theo quy định.

Nhã Thanh